Hơn 1.000 cuộc gọi và chuyện công khai số điện thoại lãnh đạo
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết ông đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi đến sau một ngày công khai số điện thoại cá nhân làm đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ người dân.
Tôi không chắc "hơn 1.000 cuộc gọi" mà ông Hải đề cập là chính xác hay chỉ là con số tượng trưng, song điều đó cho thấy tồn tại bức xúc rất lớn thường trực trong dân chúng. Chỉ khi nào vấn đề không thể giải quyết tuần tự theo quy định thì người ta mới phản ánh vượt cấp, mới phải "mách" với người đứng đầu địa phương như vậy.
Theo Chủ tịch Hà Tĩnh, quyết định công bố số đường dây nóng của ông xuất phát từ thực tế có cán bộ bị người dân phản ánh nhũng nhiễu, vòi vĩnh, "găm" hồ sơ, không chịu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho dân.
"Chúng tôi xác minh đúng như thế nên phải mở đường dây nóng để tiếp nhận nhiều thông tin hơn và có phương án xử lý cho dân. Không thể để cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Nếu cán bộ cứ "găm" hồ sơ như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Việc này cần phải làm để lấy lại niềm tin trong dân", ông Hải khẳng định.
Trước hết, cần thấy quan điểm của ông Võ Trọng Hải về vấn đề này là thấu đáo và chính xác. Trong nhiều năm qua, vấn nạn cửa quyền, sách nhiễu ở cấp cơ sở vẫn nhức nhối, đặc biệt trong những lĩnh vực liên quan đến thủ tục đất đai. Sự "khó dễ" ở đây không chỉ khiến người dân ấm ức, khó chịu vì phải mất "phong bì" mới qua cửa "đầu tiên" mà hơn thế là thời gian và chi phí cơ hội.
Một đồng nghiệp của tôi mới đây đã phải than thở về quá trình 3 năm ròng đi làm sổ đỏ, dù đơn giản là thửa đất được ông bà chuyển nhượng lại cho con, cháu. "Nay thiếu cái này, mai thiếu cái khác, lâu lâu hỏi lại thì tá hỏa hồ sơ đã bị thất lạc…", bạn tôi cho biết, nhưng anh vẫn khăng khăng rằng sẽ kiên trì đến cùng và không "phong bao phong bì" dù chỉ một xu.
Anh còn dẫn lại lời cán bộ địa chính, rằng không ai muốn ngồi vào "ghế" đó vì chẳng thủ tục nào "ăn được một mình mà đều phải chia năm xẻ bảy, cấp dưới còn phải có cấp trên".
Trong bài viết này, tôi không nêu đích danh tên địa phương bởi rằng, ngay cả lời của đồng nghiệp thì tôi cũng chưa có đủ cơ sở để xác minh đầy đủ. Dù vậy, cùng với những thông tin mà chính ông Võ Trọng Hải nêu ra tại địa bàn Hà Tĩnh, có thể khẳng định vấn nạn nhũng nhiễu ở cấp cơ sở còn nhức nhối nhiều nơi.
Với cá nhân (như anh bạn tôi), họ có thể kiên nhẫn để chờ đợi, dù không biết phải chờ bao nhiêu năm tháng, song với doanh nghiệp và với những tình huống cấp bách, thời gian chính là tiền, gắn với cơ hội làm ăn. Bị đặt vào thế không còn lựa chọn, họ buộc phải "bôi trơn" cho "được việc". Những phong bì kiểu đó, đương nhiên không phải là phong bì "cảm ơn" theo lẽ thông thường, hay như cách hiểu của những vị cựu lãnh đạo nêu ra trong phiên tòa "chuyến bay giải cứu" gần đây. Đừng cố tình nhầm lẫn, chẳng ai muốn "cảm ơn" vì bị ép cả.
Tệ phong bì nếu đã tồn tại ở một khâu nào đó, đương nhiên sẽ không phải xác suất rơi vào một cá nhân, một doanh nghiệp nào đó, mà nó sẽ là "cửa ải" chung. Nhân thời gian và chi phí lót tay lên hàng trăm, hàng nghìn trường hợp, con số sẽ rất lớn. Khi mà sự khó dễ lặp đi lặp lại và phổ biến, đương nhiên dẫn đến một điều ai cũng biết: môi trường kinh doanh xấu đi, sự phát triển kinh tế địa phương sẽ bị kéo lùi.
Là người đứng đầu địa phương, khi nhận phản ánh và xác thực được tình trạng nhũng nhiễu ở cấp dưới, ông Võ Trọng Hải có trách nhiệm "dẹp loạn", giải quyết vấn đề - không chỉ với một vài trường hợp cụ thể mà phải chỉnh đốn lại cung cách làm việc, không để hành vi nhũng nhiễu tồn tại.
Việc ông Võ Trọng Hải công khai số điện thoại cá nhân cùng số điện thoại Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh là một phương án, mà tôi cho là đã có sự cân nhắc. Theo đó, đây là một tín hiệu cảnh báo với những cán bộ trong địa phương rằng, bất cứ hành vi nhũng nhiễu của cá nhân nào cũng có thể đến tai lãnh đạo tỉnh, và trong chừng mực nào đó là một hành vi răn đe từ xa nhằm giảm bớt tình trạng này.
Tuy vậy, cũng có người hoài nghi về tính hiệu quả thông qua tính toán: nếu 1.000 cuộc gọi kia rơi vào giờ hành chính (8 tiếng đồng hồ) thì bình quân mỗi cuộc gọi chỉ nói chuyện trong 30 giây; còn liên tục trong 24 giờ (không ăn không ngủ) thì mỗi cuộc gọi nói chuyện được trong 1 phút rưỡi. Thời gian nói chuyện ngắn như vậy, liệu rằng có trình bày được hết nội dung cần truyền tải hay không?
Chính vì vậy, lắng nghe là rất quan trọng, nhưng hơn cả vẫn là hành động tháo gỡ trong thực tiễn. Chưa nói đến, công việc của các lãnh đạo không thể cứ suốt ngày tiếp điện thoại để giải quyết sự vụ. Trước Chủ tịch Hà Tĩnh cũng đã từng có nhiều vị lãnh đạo khác công khai số điện thoại cá nhân, có lĩnh vực đã thay đổi rõ rệt, lại có lĩnh vực chỉ xôn xao trong một thời gian rồi lắng xuống, vấn đề vẫn nằm ở thái độ quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu khi theo đuổi mục tiêu "vì cái chung".
Để lắng nghe, lãnh đạo tỉnh có nhiều cách, ngoài công khai số điện thoại, còn có thể tổ chức gặp gỡ cà phê với doanh nghiệp (như một số tỉnh phía Nam đã thực hiện), hay có thể đi thị sát.
Các cấp lãnh đạo cũng có thể thu thập thông tin trên báo chí hoặc nhận báo cáo từ bộ phận tiếp dân, đọc hết các đơn thư khiếu nại… Có vị có lập tài khoản mạng xã hội để rút ngắn khoảng cách với công chúng. Có điều, để thay đổi hành vi mang tính hệ thống thì cũng phải đi từ quản lý, chỉnh đốn theo cấp độ toàn hệ thống.
Trước hết, quy trình, thủ tục phải rõ ràng, minh bạch. Ví dụ trong vấn đề cấp sổ đỏ, cần công khai cho người dân các loại giấy tờ cần có, nếu thiếu thì hướng giải quyết ra sao, thời gian trong bao lâu. Khi cán bộ cố tình làm sai, "ngâm" hồ sơ thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, giấy tờ để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến cũng là một phương pháp tốt để hạn chế nhũng nhiễu.
Điều quan trọng là sự thay đổi trong nhận thức của người cán bộ, công chức, là sự chuyên nghiệp trong thi hành công vụ, thực hiện chức trách, bổn phận trước công dân.
Vừa qua, nhiều địa phương (trong đó có Hà Tĩnh) đã thành lập Tổ công tác đặc biệt gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư - đây thiết nghĩ là một động thái cần thiết, thể hiện sự sốt ruột và tính trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại. Sự thông thoáng, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Nói cho cùng, chỉ khi người dân không còn mang trong mình tư duy "xin giấy tờ", "xin dấu"… mà đơn thuần là "đề nghị giải quyết hồ sơ" vì tự tin vào quy trình giải quyết minh bạch, nhanh chóng, thì khi đó không ai phải cần số điện thoại lãnh đạo nhằm mong mỏi một sự can thiệp lấy uy từ trên xuống.
Đó là khi người dân yên tâm, cứ theo quy định mà làm!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!