Tâm điểm
Bùi Văn Huy

"Gồng lỗ" chứng khoán

Dõi theo phiên tòa xét xử cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 người khác, chắc hẳn các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán đều có những cảm xúc nhất định, nhất là hàng chục nghìn bị hại mà trong đó rất nhiều người bị "kẹp hàng" ở các mức độ khác nhau.

"Kẹp hàng" là cách nói của giới chơi chứng khoán về việc mua cổ phiếu nào đó - ở đây là cổ phiếu của một công ty trong hệ sinh thái tập đoàn FLC - mà đến nay không bán được vì nhiều lý do. Ở khía cạnh pháp luật, chúng ta chờ diễn biến phiên tòa và kết luận của Hội đồng xét xử. Nhưng có thể nói ở góc độ những người tham gia thị trường, vụ án nêu trên cùng một số vụ việc, vụ án khác có liên quan đến lĩnh vực chứng khoán thời gian qua, được kỳ vọng là những bài học để không chỉ các nhà đầu tư mà toàn bộ thị trường nói chung sẽ bước qua giai đoạn phát triển mới lành mạnh hơn.

Gồng lỗ chứng khoán - 1

Giới đầu tư có nhiều tâm tư khi VN-Index bao nhiêu năm vẫn "không chịu lớn"(Ảnh minh họa: Đăng Đức).

Khi tham gia thị trường chứng khoán, ai cũng hiểu đây là cuộc chơi có lợi nhuận đi kèm với rủi ro, nhưng dù lợi nhuận hay rủi ro thì đó phải là những diễn biến trong khuôn khổ pháp luật, theo quy luật kinh tế, chứ không phải là những quy luật "một mình một kiểu" so với các thị trường thế giới.

Tôi có thói quen xem những tấm hình chế chứng khoán vui trên mạng. Gần đây rất nhiều trong số đó là về việc VN-Index bao nhiêu năm vẫn "không chịu lớn". Đại thể như kể từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, chỉ số của nhiều thị trường trên thế giới đã tăng bằng lần, nhưng VN-Index vẫn loanh quanh 1.200-1.300 điểm.

Tất nhiên phải nói rõ rằng so với trước thì thanh khoản, quy mô, chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, nhưng "chỉ số là chỉ số", nó thể hiện rằng tính chung các cổ phiếu trên thị trường, mức tăng của chúng ta là rất thấp nếu so với nhiều thị trường lớn trên thế giới. 

Chúng ta cũng đã quen với những lời lý giải cho vấn đề trên, nào là thị trường thiếu vắng hàng hóa chất lượng và nhiều cổ phiếu "rác". Nào là cơ cấu các ngành thiếu những ngành mang tính xu hướng, tăng mạnh của thế giới như công nghệ… Nhưng, quy mô thị trường có lớn đến đâu và có giải thích theo hướng nào đi chăng nữa, việc VN-Index vẫn cứ lẹt đẹt là điều khiến không chỉ các nhà đầu tư băn khoăn, trăn trở.

Với tư cách một người làm công việc quản lý công ty chứng khoán, lẽ ra tôi nên nói về những điểm sáng, những khoản lợi nhuận trên thị trường. Nhưng thực tế thì khi so sánh tỷ suất sinh lợi của các kênh đầu tư khác nhau từ năm 2000 đến nay, tôi thấy rằng nếu lấy chỉ số VN-Index ra làm đại diện, chứng khoán không hề có tỷ suất lợi nhuận cao hơn kênh tiền gửi, chứ chưa nói đến các kênh đầu tư khác. Thậm chí nhiều người còn nói rằng rất nhiều nhà đầu tư đã và đang "gồng lỗ".

Việc chỉ ra chứng khoán nói chung hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác trong 5 năm hay 10 năm trở lại đây mà không sử dụng các danh mục mang tính cá biệt, sẽ là bài toán với người làm dữ liệu, đặc biệt sau cú sụp của thị trường trong năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận bình quân của các quỹ lâu đời trên thị trường những năm qua cũng cho thấy điều đó.

Nhưng, với việc "dọn dẹp" các tiêu cực và với những nỗ lực nâng hạng thị trường, thực tế là nửa đầu năm 2024 đã trôi qua tương đối tốt đẹp với chứng khoán Việt Nam khi VN-Index đã tăng 11,4% và là một trong những kênh đầu tư hiệu quả nhất. Giá vàng tăng mạnh nhưng nếu đầu tư vào vàng trong nước, nhà đầu tư cũng chỉ thu được lợi nhuận vừa phải khi có sự thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Kênh tiền gửi thì đang ở vùng thấp nhiều năm với lãi suất khoảng 4,5-5,5%/năm.

Vẫn còn đó những vấn đề như thị trường tiếp tục rớt điểm, lao dốc, khối ngoại miệt mài bán ròng…, và tôi không phải người lạc quan nên sẽ không đưa ra dự đoán triển vọng thị trường thế nào. Nhưng điều chúng ta có thể quan sát thấy, đó là những số liệu gần đây cho thấy kinh tế trong nước đang phục hồi ở cả tiêu dùng và sản xuất.

Nếu nhìn ở góc nhìn đầu tư, tôi thích và vẫn cho rằng sẽ có nhiều cơ hội trong một nền kinh tế đang phục hồi, dù cho chính sách tiền tệ có thể bớt lỏng đi đôi chút.

Khi những yếu tố khó khăn nhất qua đi và các giao dịch ngày càng minh bạch, chuẩn mực hơn, thị trường sẽ trở lại một cách bền vững.

Tác giả: Ông Bùi Văn Huy hiện là Giám đốc Chi nhánh TPHCM của Công ty Chứng khoán DSC. Trước đó, ông đã từng là Giám đốc chiến lược thị trường, Giám đốc môi giới tại Công ty chứng khoán TPHCM (HSC).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!