Giới thiệu những nhân sự tiêu biểu để tạo nguồn cán bộ cho Trung ương
Thời gian gần đây, các bộ ngành, địa phương đã và đang thực hiện công tác giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhiệm kỳ 2026-2031. Đây là một trong những bước quan trọng để chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Những cán bộ được giới thiệu để quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét theo quy trình chặt chẽ, và có thể được Đại hội Đảng lựa chọn, sau đó được bổ nhiệm vào các vị trị lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị, trở thành đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước.
Như vậy, cán bộ được giới thiệu để đưa vào quy hoạch phải là những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất và năng lực, thể hiện qua thành những thành tích công tác nổi trội, uy tín cá nhân vượt trội, nhiều triển vọng phát triển trong tương lai. Đây cũng phải là những cán bộ có tư duy chiến lược tổng thể để có thể nhanh nhạy nắm bắt các vấn đề quản trị đất nước, tham gia đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chủ trương và đường lối lãnh đạo của Đảng, và chính sách của Nhà nước.
Nếu nhìn theo lăng kính chính trị học thì mỗi ủy viên Trung ương Đảng là một chính trị gia ở cấp quốc gia, nắm trong tay sứ mệnh chèo lái con thuyền đất nước trong một giai đoạn nhất định. Vì thế, tầm nhìn lãnh đạo, quan điểm chính sách và năng lực hành động của mỗi người sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các quyết sách về tiến trình phát triển đất nước.
Các Nghị quyết gần đây của Đảng về công tác cán bộ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã nhận định đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cũng cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân.
Đơn cử, giai đoạn 2012-2022, đã có tới 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đáng chú ý là, có những cán bộ cấp cao bị kỷ luật ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, với những vi phạm nghiêm trọng đã diễn ra từ lâu.
Theo cơ quan chức năng thì hàng loạt vi phạm của các cán bộ trong diện bị kỷ luật và đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đã "gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương". Có thể thấy những vi phạm đó diễn ra trong nhiều năm, song nhiều vi phạm chỉ được phát hiện sau khi cán bộ đã về hưu, nghĩa là không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý lúc cán bộ đương chức.
Thực tiễn nêu trên cho thấy nhu cầu tiếp tục hoàn thiện quy trình giới thiệu, quy hoạch cán bộ theo hướng chặt chẽ và ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn nữa, nhằm không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Trong số những giải pháp được đề xuất, một vấn đề đã được đề cập lâu nay, đó là cần nghiêm khắc xem xét và xử lý cả trách nhiệm của những chủ thể đã thực hiện công tác quy hoạch cán bộ kém chất lượng; cần có những chế tài kiên quyết hơn nữa để các bên liên quan ý thức rõ hậu quả nghiêm trọng sẽ phải gánh chịu nếu họ có ý định làm công tác nhân sự nhằm thỏa mãn các mục đích vị kỷ, thiển cận.
Giới thiệu nhân sự và quy hoạch cán bộ là một quy trình thể chế đã được sử dụng từ lâu ở nước ta, từng bước hoàn thiện nhằm phát hiện, bồi dưỡng, và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Tương ứng với mỗi cấp độ quản trị, việc được phát hiện, giới thiệu, và phê chuẩn trong danh sách cán bộ quy hoạch chính là "cửa ải" đầu tiên để mỗi cá nhân có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai. Cũng bởi thế, chất lượng lựa chọn nhân sự lãnh đạo chính trị cấp cao tại đại hội Đảng toàn quốc phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng đội ngũ ứng viên được giới thiệu và quy hoạch trong giai đoạn hiện nay.
Những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đối với ủy viên Trung ương được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng, đáng chú ý nhất là quy định số 214/2020. Có thể thấy, những yêu cầu về độ tuổi, sức khỏe, bằng cấp là dễ đo lường và có thể đánh giá khách quan nhất. Còn lại các yêu cầu về chính trị, đạo đức, lối sống, uy tín, tố chất lãnh đạo, năng lực cá nhân… thì chỉ có thể được đánh giá qua thực tiễn nhiều năm, dễ biến động cho nên ở mức độ nào đó phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của các cấp thực hiện quy trình quy hoạch. Đây là vấn đề cần lưu ý nhằm không để lọt những ứng viên lệch chuẩn vào quy trình.
Một thách thức cũng cần quan tâm là ở giai đoạn giới thiệu nhân sự, không dễ để đánh giá xem một cán bộ nào đó có tư duy và tầm nhìn chiến lược hay không, tố chất lãnh đạo thế nào, năng lực quản lý ra sao.
Liên quan đến năng lực lãnh đạo, quy định 214/2020 đã nêu ra một số yêu cầu như: "Có tầm nhìn chiến lược…có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược". Thiết nghĩ, công tác giới thiệu và quy hoạch nhân sự cần thêm những tiêu chí và "thước đo" cụ thể hơn nữa, nhằm phục vụ tốt hơn việc đánh giá chính xác năng lực lãnh đạo hiện tại cũng như tiềm năng phát triển của ứng viên trở thành cán bộ cấp chiến lược của quốc gia.
Một trong những điều kiện giúp chúng ta dự báo năng lực lãnh đạo trong tương lai của cá nhân là biết rõ và chính xác sự thể hiện của họ trong các vai trò lãnh đạo đã đảm nhiệm trong quá khứ. Vì thế, hồ sơ của nhân sự được giới thiệu quy hoạch không nên chỉ dừng lại ở liệt kê các mốc thời gian và những vị trí đã từng đảm nhiệm. Thay vào đó, gắn với mỗi vai trò lãnh đạo đã từng đảm nhiệm, cá nhân cần nêu rõ hơn những thành tích lãnh đạo mà họ đã góp phần tạo ra. Đó là những thay đổi tích cực cho cơ quan, đơn vị, bộ ngành, địa phương.
Ứng viên cũng có thể nêu rõ những thách thức lãnh đạo mà họ từng phải đối diện khi đảm nhiệm các vị trí khác nhau, tầm nhìn lãnh đạo mà họ đã đề ra, cách thức tập hợp sự ủng hộ chính trị cũng như huy động và sử dụng các loại nguồn lực để hiện thực hóa tầm nhìn cá nhân. Thành tích hay di sản lãnh đạo của cá nhân cần phải được kiểm chứng thông qua những thay đổi tích cực trên thực tế trong hoạt động của đơn vị và lĩnh vực liên quan.
Hẳn nhiên, khi phải đáp ứng những yêu cầu nhằm thẩm định tố chất lãnh đạo, cá nhân sẽ ý thức rõ hơn về vị thế và vai trò của một chính trị gia ở tầm quốc gia trong tương lai.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!