Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Giảng viên đại học "chạy show" như ca sĩ!

Tại hội nghị tập huấn của ngành Giáo dục hôm 22/3 vừa qua, GS.TS Vũ Văn Yêm đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội đã ví chuyện đi làm của giảng viên "như ca sĩ chạy show" (chương trình), chỉ đến trường khi có tiết dạy, dạy xong rồi về.

Chuyện này tưởng lạ mà thực ra không hề xa lạ trong nền giáo dục nước nhà. Nó tồn tại từ nhiều năm nay. Đơn cử, từ năm 2009, khi phát biểu về vấn đề học phí tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đã nói "với mức học phí hiện nay, giáo viên nếu không có thu nhập ngoài, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng. Tôi cũng phải "chạy show" các tỉnh giống như... các ca sĩ".

Vì sao giảng viên phải "chạy show"? Bên cạnh lý do thu nhập, thì lý do quan trọng khác nằm ở chỗ nơi làm việc của giảng viên quá khiêm tốn.

Giảng viên đại học chạy show như ca sĩ! - 1

GS.TS Vũ Văn Yêm, Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại hội nghị hôm 22/3 (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí nơi làm việc tại trường, tối thiểu 6m2/người. Nhưng trong thực tế đây là một thách thức lớn đối với các trường đại học, vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nổi. Thực tế này đã góp phần dẫn đến tình trạng nhiều giảng viên chỉ tới dạy xong rồi về, như kiểu chạy show.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, giảng viên là viên chức nhưng đồng thời cũng là người lao động. Ngoài thời gian lên lớp, họ còn soạn bài giảng, trao đổi với sinh viên, nghiên cứu, tham gia hoạt động chuyên môn, sinh hoạt nghiệp vụ... Chính vì thế, các trường cần đầu tư chỗ ngồi làm việc cho giảng viên.

Thiết nghĩ khi giảng viên chạy show như ca sĩ thì nhóm thiệt thòi đầu tiên chính là các em sinh viên, vì thiếu sự kết nối, trao đổi với thầy cô của mình; về phía giảng viên cũng không có sự gắn bó cần thiết với nhà trường, nhiều khi chỉ như một khách mời thỉnh giảng. Và cuối cùng nhà trường chính là nơi hứng chịu thiệt thòi vì chất lượng đào tạo vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế nêu trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ người học/giảng viên ở Việt Nam còn khá cao nếu so với các nước phát triển. Cụ thể một giảng viên ở các nước châu Âu là khoảng 15-16 người, tại các đại học nghiên cứu ở Mỹ là 11-12 người, còn tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cho các trường đại học Việt Nam là không cao hơn 40 người học/giảng viên.

Tỷ lệ trên nghĩa là để chuẩn hóa đại học Việt Nam theo xu hướng quốc tế, thì các đại học cần có thêm giảng viên để tỷ lệ người học trên giảng viên giảm đi đáng kể thay vì quá đông như hiện giờ. Đến đây thì bài toán đi vào luẩn quẩn, vì ngay cả với số giảng viên như hiện giờ thì cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được, nói gì đến tuyển thêm.

Nhìn ra thế giới, các đại học đều có quy định rất rõ công việc cần làm của các giảng viên, các giáo sư đại học, bao gồm giờ lên lớp và các công việc liên quan tới học thuật. Ví dụ như các giảng viên cần thiết kế chương trình giảng dạy cho một chương trình cấp bằng cụ thể, đóng vai trò cố vấn học thuật cho sinh viên đại học và sau đại học, đồng thời phát triển nhiều khóa học để giảng dạy trong suốt cả năm.

Ngoài ra, họ cũng cần thường xuyên hỗ trợ sinh viên thông qua giờ làm việc chính thức được công bố hoặc các cuộc họp bổ sung.

Ví dụ tại Cornell University của Mỹ, giờ hành chính được quy định chính thức như sau với phần công tác của giảng viên cần làm việc cùng sinh viên:

"Các giáo sư và giảng viên sắp xếp thời gian bên ngoài lớp học để gặp gỡ sinh viên. Đây được gọi là giờ hành chính. Giờ hành chính là thời gian bạn có thể gặp các giáo sư và giảng viên để thảo luận về tài liệu được trình bày trong lớp hoặc những mối quan tâm liên quan khác mà bạn có.

Các cuộc thảo luận liên quan đến khóa học bao gồm yêu cầu trợ giúp thêm, tìm cách làm rõ tài liệu được trình bày trong lớp và theo dõi các khía cạnh của lớp học mà bạn thấy hấp dẫn. Ngoài ra, sinh viên còn thảo luận về các chuyên ngành và chương trình học cũng như các yêu cầu tốt nghiệp cũng như các chương trình thực tập mùa hè, các chương trình đào tạo sau đại học, các sự kiện trong khuôn viên trường, v.v. "

Những giờ làm việc chính thức này sẽ được từng giảng viên thông báo lịch chi tiết trên website, trên tài liệu khóa học và ngay trong bài giảng đầu tiên của khóa học mà họ đảm trách. Nghĩa là trong toàn bộ thời gian này, thường vài giờ mỗi tuần, các sinh viên tha hồ "khai thác" thầy cô của mình. Chỉ có điều tại Mỹ, các sinh viên không bị ép buộc phải tham dự các giờ này mà được khuyến khích tham gia. Khi tham gia, các em sẽ được chỉ dẫn từ ban đầu là làm sao phải là chủ của cuộc gặp và tiết kiệm từng giây phút để làm việc với thầy cô.

Với cách thức nêu trên, từng em sinh viên sẽ phải đưa ra danh sách câu hỏi, các vấn đề quan tâm nhờ thầy cô gợi ý giải đáp. Và thường sau mỗi cuộc gặp, họ sẽ nhận thêm câu hỏi để tiếp tục về nhà tự học, tự tìm tòi, tự làm việc và khám phá, nếu cần lại tiếp tục gặp thầy cô trong các lần kế tiếp.

Các giảng viên đại học tùy từng người, tùy năng lực còn có mặt tại trường để làm việc trong các phòng thí nghiệm, các hội nghị, hội thảo, các dự án khoa học. Thậm chí với các đại học nghiên cứu thì công tác này là tối quan trọng nhằm tạo ra bộ mặt nghiên cứu của nhà trường với các thành tựu cụ thể, thiết thực.

Nếu các đại học ở ta làm theo các tiêu chí trên đây, thì giảng viên toàn thời gian sẽ có rất nhiều công việc cần làm trong khuôn viên nhà trường, và thời gian làm việc chính thức sẽ cũng có khung cụ thể, chứ không thể làm việc kiểu ca sĩ chạy show.

Như vậy để khắc phục vấn đề nêu trên, trước hết nhà trường phải quan tâm đến cơ sở vật chất, đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu 6m2/người cho giảng viên. Đồng thời đưa ra quy định cụ thể về những công việc cần làm của giảng viên trong giờ làm việc chính thức tại trường (không chỉ giờ lên lớp, mà tổng thể giờ làm việc).

Nếu không có quy định cụ thể, việc sử dụng và khai thác năng lực của các giảng viên đại học sẽ bị hạn chế. Tự ta lãng phí nguồn chất xám của giảng viên và biến đại học thành một kiểu "trường cấp 4", chứ không phải là trung tâm học thuật và nghiên cứu khoa học.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!