Bài toán "chạy đua" vào đại học
Trong những ngày này các gia đình có con thi vào đại học đang vui buồn với kết quả sau 12 năm phổ thông, khi các trường lần lượt công bố điểm chuẩn.
Nói chung giờ đậu đại học không mấy khó khăn. Là vì nếu không đậu trường công thì sẽ đậu trường tư, nếu không thì đậu vào trường quốc tế, vào các chương trình liên kết. Có nhiều cháu chưa nộp hồ sơ vào đâu đã nhận được thư mời mọc từ các đại học tư.
Nhưng đó là cái nhìn từ bên ngoài, còn vào trong cuộc, "ai ở trong chăn mới biết chăn có rận". Cha mẹ nào có con đi thi vào đại học hiện đều phải đối mặt với nhiều bài toán không dễ có đáp số.
Đầu tiên, có thể thấy dù mang tiếng là vào đại học nay không mấy khó khăn, nhưng vào được các trường công tốt, vào các ngành thu hút thí sinh nhất (ngành hot) vẫn rất khó và cạnh tranh khốc liệt. Ví dụ như vào được các trường Y khoa, Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, các trường thuộc Đại học quốc gia … ở HN và TPHCM, hay các đại học thuộc nhóm thu hút thí sinh nhất trong khối ngành quân sự, công an, là cả một vấn đề.
Thường chỉ các cháu nào có sức học tốt, chịu "cày cuốc" suốt những năm phổ thông, phấn đấu rất dữ mới đậu nổi.
Vì sao các cháu và ba mẹ các cháu nhìn chung đều mong con đậu được vào những trường này. Vì đó là các trường công tốt, các ngành hot trong nước, mà lại có chính sách học phí dễ chịu hơn cả. Trung bình tiền học phí chừng 30 triệu đồng cho các chương trình bình thường một năm. Số tiền này cộng thêm ăn ở cũng chỉ tốn chừng 60-70 triệu đồng mỗi năm là cha mẹ có thể lo nổi cho một con đi học.
Còn nếu vào các trường được miễn hoàn toàn học phí, ăn ở, như khối các trường quân đội, công an thì quá tốt với các gia đình nghèo, nhất là nếu các cháu có sở thích phù hợp với khối trường này.
Nhưng vì những ưu thế kể trên mà điểm đầu vào các trường đó rất cao. Điểm chuẩn một số ngành tại nhiều trường đại học công lập có thể lên tới trên 29 điểm, thậm chí gần 30 hoặc 30.
Ví dụ như 2 cháu thủ khoa khối A00 năm nay đã trượt nguyện vọng 1 khi nộp đơn vào ngành Khoa học Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu ai theo dõi giáo dục lâu năm sẽ thấy tình trạng điểm cao chót vót vẫn không đậu đã xảy ra nhiều năm nay, nên sẽ không ngạc nhiên gì, thậm chí có trường hợp 3 điểm 10 chưa chắc đã đậu (vì không đạt một số tiêu chí khác).
Cũng với ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu dùng phương thức lấy điểm chuẩn theo kết quả thi đánh giá tư duy là 83,9/100, thí sinh phải nằm trong top 5% điểm cao nhất kỳ thi mới vào nổi.
Còn nếu dùng phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải đạt 1.500/1.600 SAT (bài thi chuẩn hóa dùng tuyển sinh của đại học Mỹ), nghĩa là thuộc top 1% thế giới. Trong đó, môn toán đạt 750/800. Hoặc nếu dùng điểm ACT (kỳ thi đầu vào được chuẩn hóa của hầu hết các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ) thì cũng phải 34/36 điểm trở lên mới mong đậu; đã có cháu 36/36 điểm là điểm tuyệt đối mà còn suýt nữa trượt nguyện vọng 1.
Xin kể thêm là từ khi các đại học của ta dùng phương thức xét tuyển có ưu tiên điểm tiếng Anh quốc tế thì số lượng học sinh dùng IELTS (hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế) rất đông. Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay nhận được tới 11.000 hồ sơ dùng điểm IELTS, hơn 70% số hồ sơ đạt 6.5 và lượng thí sinh có điểm 7.0 trở lên cũng rất đông. Trong khi đó, trường này chỉ dành 2.800 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển ưu tiên IELTS.
Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay là số lượng thí sinh nạp điểm IELTS vào trường đang tăng dựng đứng. Năm 2017 chỉ có 50 hồ sơ. Một năm sau là gấp 8 lần, khoảng 400 hồ sơ. Năm sau nữa tăng 40 lần lên 2.000 hồ sơ. Và năm nay là 11.000 hồ sơ, con số quá khủng.
Những điểm số theo chuẩn quốc tế như IELTS, SAT, ACT nói trên đều rất cao và là ngưỡng dư sức đi du học, thậm chí vào được các đại học hàng đầu thế giới (nếu các em và gia đình đáp ứng thêm một số điều kiện khác cũng như đủ khả năng kinh tế) như MIT, Harvard, Yale, Oxford, Cambridge… Nhìn vào đó sẽ thấy học sinh Việt Nam căng thẳng chạy đua vào đại học nhóm trên khó khăn, thách thức như thế nào.
Vậy còn những cháu không vào được các trường công tốt, ngành tốt thì sao? Các cháu sẽ vào các trường còn lại. Hiện nay, học phí kèm các khoản chi tiêu khác của sinh viên một trường tư nhóm dưới hoặc trường công bình thường cũng phải cỡ 80-100 triệu đồng mỗi năm. Đó là những ngành không "hot", còn các ngành "hot" thì phải từ 120-200 triệu đồng.
Với đại học quốc tế, hay các chương trình liên kết, trung bình mỗi sinh viên tốn cỡ 300-400 triệu đồng trở lên mỗi năm, bao gồm cả học phí và ăn ở.
Điểm qua tình hình chung như trên để chúng ta thấy những vấn đề sau:
Một là, nếu nhìn vào chi phí đó sẽ thấy không dễ nuôi con ăn học đại học nếu cháu không vào được trường công nhóm trên. Giả sử thu nhập của cha mẹ hàng tháng chừng 30 triệu đồng, cũng là mức khá với nhiều người, thì một năm được 360 triệu đồng, nuôi một đứa con đi học đại học dù trường học phí thấp cũng là rất căng thẳng rồi.
Còn với thu nhập trên mà nuôi một lúc 2 con học đại học thì "đuối" luôn. Những phụ huynh nào không có thu nhập cỡ 30 triệu đồng một tháng trở lên (hai vợ chồng là 50 đến 60 triệu đồng/tháng), và cũng không có nguồn tiền hay tài sản nào có thể huy động được, thì coi như "thua trắng" với bài toán lo cho con vào đại học.
Hai là, cứ cho là gia đình sẽ vay mượn cho con học đại học và đầu tư thật lực để con có trình độ, có bằng cấp, thì sau khi tốt nghiệp việc làm, thu nhập thế nào là cả một vấn đề cần suy nghĩ. Ví dụ lương khởi điểm của bác sĩ theo quy định kể từ 1/7/2023 vùng 4 chỉ có 3,25 triệu đồng một tháng, vùng 1 cao nhất là 4,68 triệu đồng một tháng. Trong khi học phí cho một năm tại Đại học Y khoa TPHCM khoảng 80 triệu đồng, thêm ăn ở đi lại ước chừng 140-150 triệu đồng mỗi năm. Thi đỗ đã khó, học và ra trường, rồi xin việc làm và làm sao đủ sống cũng đều là những bài toán khó.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bàn lùi, các cháu giỏi có thể chọn làm việc ở khu vực công hoặc thi vào công ty, tổ chức nước ngoài để hưởng lương cao. Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là các em và cha mẹ cần tính toán kỹ dựa trên năng lực học tập của con, với những khó khăn, trở ngại như kể trên thì cứ phải quyết tâm vào đại học hay cho con đi học nghề, vào trung cấp, cao đẳng để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian rồi đi làm, nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội.
Trong trường hợp các con có khả năng học tập, gia đình đủ điều kiện thì cha mẹ nên cân nhắc cho con đi học trong nước hay du học sẽ hiệu quả hơn. Những cháu học giỏi, điểm thi quốc tế cao, thành tích tốt, tất nhiên nên chọn con đường thi đậu học bổng cao hay học bổng toàn phần hoặc một phần để đi du học.
Với những cháu điều kiện kinh tế gia đình khiêm tốn hơn, thì có thể chọn học ở các quốc gia, vùng lãnh thổ học phí vừa phải. Ví dụ, cùng tốn 100-300 triệu đồng một năm thì có thể học tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, thậm chí một số nước châu Âu.
Tóm lại, bài toán đầu tư rất đa dạng, nhiều chiều, tùy mong muốn cụ thể và điều kiện của gia đình, tùy sức học của con mà đưa ra chọn lựa. Khi chọn lựa phù hợp thì các con sẽ có tâm lý thoải mái và phát triển tốt, cha mẹ đỡ bị áp lực trong suốt quá trình con dùi mài kinh sử ở bậc đại học.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!