Thấy gì từ mức lương "nghìn đô" của giảng viên đại học?
Dịp vừa rồi gặp lại bạn cũ đang công tác, giảng dạy ở các trường đại học trong nước, một số người chia sẻ với tôi rằng, mặc dù vất vả bảo vệ xong thạc sĩ rồi tiến sĩ nhưng mức lương nhận được với họ vẫn đang đúng nghĩa "3 cọc 3 đồng".
Ngoài lương (phụ thuộc vào hệ số thâm niên, hệ số ưu đãi, hệ số chức vụ) thì trong cơ cấu thu nhập của giảng viên có thêm khoản đứng lớp. Phần tăng thêm này thường phụ thuộc vào số giờ dạy thêm, lượng sinh viên theo học… Thế nhưng, ngay cả khi cộng thêm phụ cấp, thu nhập hàng tháng của giảng viên một trường đại học lớn có khi cũng chẳng đến 10 triệu đồng.
Nếu như không làm thêm (dịch thuật, viết lách), không tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo ngắn hạn hay tập trung nghiên cứu, viết bài báo khoa học... thì việc trang trải cuộc sống đối với một giảng viên đại học thật sự chật vật. Không ít người buộc phải bỏ nghề, chuyển công tác vì danh xưng không đổi lấy được cơm ăn, áo mặc hàng ngày.
Tuy nhiên, lương giảng viên đại học không phải ai cũng giống ai, trường nào cũng như trường nào. Trong cùng một lĩnh vực giảng dạy, lương, thu nhập của giáo viên giữa các trường đại học dựa vào ngân sách Nhà nước và các trường tự chủ tài chính đang cho thấy có một khoảng cách, chênh lệch lớn.
Theo phản ánh của báo Dân trí, sau một thời gian thực hiện tự chủ, mức lương giảng viên nhiều trường đại học đã tăng "chóng mặt" lên cả nghìn USD và mức vài nghìn USD cũng không còn là của hiếm.
Đơn cử như tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, năm 2019, chỉ sau 3 năm thực hiện tự chủ, thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên tăng 150%. Thu nhập bình quân của cán bộ giảng viên tăng từ 15 triệu/tháng lên 22 triệu/tháng. Thu nhập bình quân của phó giáo sư là 63 triệu đồng/tháng, tiến sĩ là 33 triệu đồng/tháng, có người còn đạt tới mức 100 - 200 triệu đồng/tháng. Từ đó đến nay, thu nhập của giảng viên, nhân viên tại trường vẫn không ngừng tăng, mới nhất tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/người tùy vị trí, chức danh, thâm niên.
Những tín hiệu này cho thấy sự vận động đi lên trong cải thiện thu nhập người dạy học sau khi thực hiện tự chủ bậc đại học. Với các cán bộ, giảng viên đại học, cùng với quá trình tạo ra giá trị cho xã hội thì được hưởng mức thu nhập thỏa đáng là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc tăng thu nhập của giáo viên ở các trường đại học tự chủ ở ta cho đến nay vẫn chủ yếu đến từ học phí, nguồn thu từ các hoạt động khác chiếm tỷ lệ rất thấp. Khi học phí vẫn là nguồn tài chính chủ yếu để các nhà trường chi trả cho xây dựng cơ sở vật chất và lương, thưởng giáo viên, thì ở chiều ngược lại sẽ dồn gánh nặng cho người học.
Thiết nghĩ, trong tự chủ đại học, việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho giảng viên hoàn toàn cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực không nên chỉ dựa vào học phí.
Trả lời báo chí, GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Hoa Kỳ) cho hay nguồn thu của các trường đại học ở nước này đến từ nhiều kênh khác nhau, trong đó học phí chỉ là một phần. Đó có thể từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tài trợ, từ đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, từ quỹ đầu tư của nhà trường… Còn theo báo cáo của Trường Kinh doanh Harvard thì nguồn thu hàng năm khá đa dạng, trong đó có phần đáng kể dựa vào xuất bản, nghiên cứu.
Việc trường đại học ở Việt Nam đa dạng hóa nguồn thu là không dễ, nhưng không thể không tính đến, không hướng đến khi phấn đấu mở rộng tự chủ đại học.
Hàng năm ngành giáo dục nên rà soát và đưa ra đánh giá chất lượng, xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng các trường đại học trong cả nước. Theo đó, các trường dựa trên chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất để đưa ra mức học phí phù hợp. Người học cũng căn cứ vào các tiêu chí này và mức học phí để chọn lựa.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ dự kiến ban hành nghị quyết điều chỉnh một số nội dung của Nghị định 81/2021 theo hướng giữ ổn định học phí đại học công lập như năm 2021. Đây trước hết là tin vui với các em sinh viên nghèo, con em những gia đình lao động thu nhập thấp.
Tuy nhiên, câu chuyện học phí liên quan đến lương của giảng viên, trong bối cảnh lương của giảng viên tại các trường tự chủ tăng lên và tạo ra độ vênh lớn so với các trường dựa vào ngân sách thì khó tránh khỏi xảy ra hiện tượng "chảy máu" chất xám. Giảng viên giỏi sẽ rời khỏi các trường đại học công lập chưa tự chủ, tương tự như vấn đề bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công thời gian qua.
Tăng chi trả cho giảng viên cùng lúc chia sẻ gánh nặng học phí với sinh viên là những bài toán khó, song không phải là không thể. Khuyến khích tự chủ, cho phép thành lập nhiều hơn các trường tư không đồng nghĩa với việc xóa bỏ vai trò của nguồn lực ngân sách Nhà nước với giáo dục đại học.
Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam tính trên GDP hiện mới chỉ từ 0,25-0,27%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực từ 0,6-1%. Như vậy, khuyến khích tự chủ nhưng Nhà nước vẫn cần tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học để giảm gánh nặng cho người học và xã hội. Chúng ta cũng cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ về tín dụng đầu tư, tín dụng sinh viên… nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người dân.
Về phía các nhà trường, suy cho cùng, dù là trường ở nhóm tự chủ hay không, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách cũng như từ học phí, cần chủ động, sáng tạo trong việc tìm kiếm các nguồn hợp pháp khác dựa trên thế mạnh của mình. Đây mới là con đường phát triển bền vững.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!