Facebook sập và thế hệ "cúi đầu"
Gia đình bạn tôi du lịch ở Đà Lạt, đêm xuống cả năm thành viên đang ngồi cà phê bên lò sưởi trong ngôi biệt thự kiểu Pháp, trên tay mỗi người cầm đều cầm smartphone, không ai nói với ai một câu. Bỗng dưng, tất cả trở nên hoảng hốt, có chuyện gì động trời vừa xảy ra chăng? Không, xung quanh vẫn yên lặng, lửa vẫn cháy tí tách trong lò sưởi, cà phê lắng đọng trong ly. Nhưng Facebook bị sập!
Với năm người ấy, Facebook bị sập chẳng khác nào thế giới đang đảo lộn, những câu hỏi, câu cảm thán vang lên: "Facebook của bố có bị out không?"; "Sao con không đăng nhập được Facebook nữa?"; "Ôi trời, Facebook của em bị bay màu?"…Lập tức, cả 5 người gần như đồng thời vào các mạng xã hội khác để kiểm tra xem điều gì xẩy ra.
Một người bạn của tôi nhanh tay đăng mạng xã hội X (trước đây là Twitter): "Hello X, FB đang bị sập"; một status khác trên Zalo: "Không ai sống thiếu ai mà chết đâu, nhưng thiếu FB thì không".
Những tâm trạng về Facebook bị sập được chia sẻ trên các mạng xã hội khác. Một người lo lắng vì những mối quan hệ đều tương tác qua tài khoản Facebook, không có điện thoại, không địa chỉ, mất Facebook coi như mất quan hệ. Rồi những Fanpage cả triệu người theo dõi, truyền thông, bán hàng, giao dịch đủ thứ tất cả đều qua Facebook. Rồi cả kho ảnh dày công chụp để flex (khoe) trên Facebook giờ bỗng chốc tan biến? Rồi những status lao tâm khổ tứ để viết cả vạn người like giờ cũng một đi không trở lại. Rồi những tin nhắn riêng tư, cả một phần đời bí mật trong Facebook liệu có lộ lọt ra ngoài?
Với nhiều người, trong đó có gia đình anh bạn tôi, Facebook ngừng hoạt động chẳng khác nào cuộc sống bị dừng lại. Tất cả nhận ra họ đã quá lệ thuộc vào mạng xã hội này. Anh bạn tôi trước đây dùng Facebook như một thói quen, rồi lâu ngày thói quen biến thành nhu cầu. Nhu cầu ngày càng tăng, anh đã "nhúng" cả cuộc đời mình vào Facebook, ăn Facebook, ngủ Facebook.
Một nghịch lý đã xảy ra, càng kết nối dày đặc trên mạng xã hội thì những những kết nối trong đời thực càng trở nên lỏng lẻo, phai nhạt. Điều đó xảy ra trong chính gia đình anh bạn tôi. Hai vợ chồng và 3 đứa con thế hệ Z ngày càng ít nói chuyện với nhau, thậm chí bữa cơm mỗi người cũng một chiếc điện thoại để lướt mạng xã hội. Họ nói chuyện với nhau bằng tin nhắn trên messenger nhiều hơn trong đời thực, nhất là 3 đứa con.
Đó chỉ là một dẫn chứng cho thực tế thời gian dùng mạng xã hội của người Việt ngày càng tăng. Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me mới đây cho thấy người Việt Nam năm 2023 dành trung bình 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng smartphone, nhưng lại dành 2/3 thời lượng dùng smartphone chỉ để vào 5 ứng dụng mạng xã hội, Facebook vẫn đứng số 1 ở Việt Nam.
Và không có gì lạ khi xuất hiện một "thế hệ cúi đầu". Họ dành quá nhiều thời gian cho smartphone, cho mạng xã hội, thậm chí ngay cả khi gặp nhau để tương tác trong đời thật như đi cà phê, đi ăn thì hầu như người trẻ gen Z đều "cúi đầu" trước điện thoại và trở thành một cảnh tượng thường thấy.
Đó một phần cũng bị tác động bởi hội chứng: "FOMO" (viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out), được tạm dịch là "Hội chứng sợ bỏ lỡ". Như tên gọi của nó, đây là hội chứng sợ bản thân bị bỏ lỡ mất những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2012 của J.Walter Thompson, 70% người thuộc thế hệ Millennials đã và đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO.
Có những "hội chứng" khác từ thói quen lướt mạng xã hội, khi các nghiên cứu chỉ ra rằng càng "cúi đầu" thì khả năng giao tiếp càng hạn chế, dẫn đến tình trạng lười trò chuyện. Càng giao tiếp trên không gian ảo con người càng cô đơn và nghiên cứu cho thấy mạng xã hội có tác động lớn trong việc lan truyền nỗi cô đơn cho nhiều người. Ngoài ra, không ít người trẻ chìm đắm trong mạng xã hội, tình cảm đã trở nên phai nhạt đi trước những giá trị truyền thống. Anh bạn tôi rất buồn trước cảnh ngày giỗ bố mình, ba đứa con vẫn cắm mặt lướt Facebook mà quên cả việc thắp hương cúng ông nội. Anh buông ra một câu (mà anh cũng đọc được trên Facebook): "Bố mẹ thờ tổ tiên, ông bà, còn các con thì… thờ ơ".
Nhưng đêm nay ở Đà Lạt, khi Facebook sập, cả 5 thành viên trong gia đình bỗng buông điện thoại và trò chuyện với nhau. Thằng con trai anh nói: "Dạo này da bố xanh và để râu dài quá". Thì ra, đã lâu lắm rồi con anh không nhìn vào bố bởi vì bố con chủ yếu chat với nhau. Anh nhận ra 3 đứa con đã cao hơn và tóc vợ mình đã bạc. Cũng đã lâu, gia đình ít nhìn vào nhau để nói chuyện đủ để nhận ra những thay đổi của nhau trong đời thực. Họ chỉ mải sống ảo bằng các bức ảnh check in ở những nơi sang chảnh để flex trên mạng.
Trong một khoảnh khắc, khi Facebook sập, cả gia đình trở lại dòng thời gian thực, họ bỗng nhận ra ngoài cửa sổ của ngôi biệt thự rừng thông trong sương mù rất lãng mạn, ngọn lửa cháy tí tách trong lò sưởi mới ấm cúng làm sao và ly cà phê chưa bao giờ ngon đến thế. Trước đây, họ đi du lịch nhưng chủ yếu bị cuốn vào mạng xã hội. Ngay cả khi chụp ảnh cùng nhau, tâm trí cũng đã rời bỏ thời gian thực, mà chỉ để ý vào tấm hình sẽ post lên mạng.
Anh bạn chia sẻ qua chat: "Thật lâu trước kia tôi đã từng có một cuộc đời, cho tới khi người ta bảo tôi hãy lập một tài khoản Facebook" (à mà câu này tôi cũng đọc trên Facebook).
Khi Facebook sập - nhiều người Việt đã nhận ra mình đã quá lệ thuộc vào mạng xã hội này. Tâm tư, tình cảm, dữ liệu cá nhân, công việc làm ăn, kinh doanh, các mối quan hệ xã hội - rất nhiều thứ quan trọng của đời sống đều trao gửi vào một cái mạng ảo. Mọi thứ tưởng như bền vững, tưởng như bảo mật ghê lắm, nhưng sụp đổ nhanh hơn cả một cái nhấp chuột.
Facebook sập - như một ví dụ cho thời đại VUCA ( Volatility (Biến động) - Uncertainty (Không chắc chắn) - Complexity (Phức tạp) - Ambiguity (Mơ hồ). Facebook sập và mọi người trở nên náo loạn cho thấy chúng ta phải học cách quản trị cuộc đời mình sao cho cân bằng và an toàn, không nên quá phụ thuộc vào một nền tảng. Facebook sập cũng giúp con người nhận ra sự quý giá và vẻ đẹp của giây phút hiện tại. Đó chính là lối sống chánh niệm, chú tâm vào giây phút hiện tại.
Tháng 9/2013, Google, một trong những tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất thế giới, mời thiền sư Thích Nhất Hạnh tới trụ sở chính ở California để giảng trọn một ngày về chánh niệm. Thiền sư đã nói: "Có cảm giác như chúng ta đang bị ngập trong thông tin. Chúng ta không cần nhiều thông tin đến vậy". Và Caleb Carr tiểu thuyết gia người Mỹ đã viết: "Đây là sự thật lớn nhất của thời đại chúng ta: Thông tin không phải là tri thức".
Tác giả: Nhà báo Phùng Nguyên hiện công tác tại báo Nhân Dân. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí Quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!