Đường lên đỉnh Olympia và "những kẻ mộng mơ" ở Huế
Sáng 13/10, đầu cầu Huế của chương trình Đường lên đỉnh Olympia khiến khán giả ngỡ ngàng với một màn đại cảnh đặc sắc cổ vũ Võ Quang Phú Đức - học sinh trường Quốc học Huế, người sau đó đã giành ngôi vị quán quân năm thứ 24.
Sự kiện được chính quyền thành phố Huế tổ chức tại quảng trường Ngọ Môn. Mở đầu là hoạt cảnh tái hiện lễ Truyền Lô - nghi thức rước bảng vàng, xướng danh những người đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn - trải dài từ điện Thái Hòa tới lầu Ngũ Phụng.
Chiếc ống quyển đựng danh sách các tiến sĩ được đặt vào Long Đình và rước ra quảng trường. Học sinh trường Quốc học Huế tiếp nhận như một biểu tượng cho sự trao gửi, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tài của đất cố đô.
Ngay sau nghi thức trang nghiêm này, âm nhạc vang lên. Nhưng không phải nhã nhạc cung đình, không phải ca Huế. Đó là Dreamers - bản nhạc nổi tiếng của một ca sĩ thần tượng Hàn Quốc tên Jung Kook, thành viên nhóm BTS.
Dreamers được đặt lời Việt để cổ vũ cho Võ Quang Phú Đức - học sinh thứ 7 của trường Quốc học Huế vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Hơn 8.000 học sinh và người dân Huế đội nón lá, mặc áo dài tham gia màn đồng diễn. Tại trung tâm đại cảnh, những nam thanh nữ tú tuổi trăng tròn diện áo ngũ thân đủ màu sắc trình diễn điệu nhảy sôi động, trẻ trung.
Chiếc nón lá trên tay họ có mặt ngoài màu trắng và mặt trong màu đỏ hoặc vàng, liên tục được xoay tròn, lật mở, cuối cùng tạo nên hình ngôi sao hy vọng vàng rực rỡ trên nền cờ đỏ lộng lẫy phủ kín quảng trường Ngọ Môn rộng lớn.
Tiếng nhạc Dreamers vẫn không ngừng vang lên. Bầu không khí náo nhiệt, phấn khích và choáng ngợp.
Sự thể hiện của người Huế đã khiến 3 đầu cầu còn lại trở nên mờ nhạt. Tất nhiên, với 24 năm tổ chức Festival Huế, người Huế có quá nhiều kinh nghiệm làm đại cảnh. Nhưng lần này, Huế không phô bày sự hoành tráng. Huế phô bày một diện mạo mới đầy năng lượng, tươi trẻ, hấp dẫn, trên một nền tảng văn hóa truyền thống vững chãi.
Dreamers (Những kẻ mộng mơ) của Jung Kook là ca khúc chủ đề của World Cup 2022 tại Qatar. Vô tình, tên ca khúc trùng với ý niệm "xứ Huế mộng mơ" trong tiềm thức của nhiều người Việt.
Xứ Huế mộng mơ xưa và những người trẻ mộng mơ hôm nay trên đất Huế có gì giống và khác nhau?
Khoảng 15 năm trước, tôi đến Huế lần đầu tiên, ghé vào 1 nhà hàng, đợi nửa tiếng vẫn chưa có món nào được dọn ra. Đi cùng đoàn có cố nhạc sĩ Phú Quang. Thấy mọi người sốt ruột, ông bảo "Huế thì đừng có vội. Vội đâu thì vội chứ vào đến Quảng Bình là đã dô khoan hò khoan rồi".
Huế ngày đó quang vắng, chậm và buồn. Dù Festival Huế đã tổ chức được khoảng 7 mùa hè. Nơi khả dĩ nhất để ngồi cà phê tối là mấy cửa tiệm đầu đường Hùng Vương, gần cầu Tràng Tiền.
Còn sinh viên Huế dạt về ga Huế chơi đêm, nơi vẫn còn đèn dầu, trà đặc. Mỗi chiếc bàn nhựa không thể thiếu 1 ống điếu với 1 chiếc cốc nhỏ đựng đóm làm từ thanh giấy vụn gấp 3. Họ ngồi đó, quay mặt vào ga hết đêm.
Du lịch Huế ngày ấy chỉ có đền đài lăng tẩm, sông Hương và ẩm thực. Mà sông Hương ngày ấy cũng chỉ có lên thuyền nghe ca Huế và thả đèn hoa đăng. Trung tâm thương mại là chợ Đông Ba. 8h tối ra đường rất hiếm gặp con gái Huế. Khách nữ ghé Huế vào đêm Rằm hay mùng Một vẫn được các bà các mẹ nhắc nhở buộc tóc gọn gàng.
Ông chủ quán cafe Mandarin trên đường Trần Cao Vân kể với tôi câu chuyện nửa thực nửa hư: Có một cô gái vạn đò sông Hương từ chối theo người yêu sang Mỹ sống chỉ vì "ở bên đó cái gì cũng có, nhưng một thứ không có, đó là tiếng gió lùa trong tre".
Thời gian ở Huế chầm chậm trôi bên những con người kín đáo và từ tốn.
Nhưng một ngày, Huế đổi thay.
Dễ nhận thấy nhất về sự đổi thay ở Huế có lẽ là cà phê. Bắt đầu từ hai tiệm cà phê muối ở Nguyễn Lương Bằng và Đặng Thái Thân, dưới ảnh hưởng của mạng xã hội, cà phê muối của Huế thành xu hướng, tràn ra Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác từ cuối năm 2022 trở về đây.
Các tiệm cà phê ở Huế nở rộ như nấm sau mưa. Nhưng thú vị là, dù ồ ạt và vội vã ra đời, dù trang hoàng nội thất theo phong cách nào, cà phê Huế vẫn không thoát ra khỏi cái tâm trạng hoài niệm bảng lảng. Đôi khi là do cách họ sử dụng ly cốc, lọ cắm hoa, đôi khi là do cách họ sắp đặt quầy pha chế.
Trên sông Hương, người dân và du khách trẻ thích thú hơn với chèo sup ngắm bình minh lên hay hoàng hôn rơi ở chùa Thiên Mụ.
Phố cổ Bao Vinh và những lăng tẩm đền đài, người trẻ đông hơn người không trẻ. Họ mặc cổ phục, quay TikTok. Các kênh mạng xã hội của giới trẻ Huế tích cực giới thiệu một vẻ đẹp Huế khác biệt, cổ xưa và hiện đại, góc nào cũng có thể "sống ảo".
Ngay giữa trung tâm thành phố, một bảo tàng kỹ thuật số ánh sáng đầu tiên của Việt Nam được dựng lên, mang tên SốngLab, mở ra một không gian trải nghiệm giải trí sáng tạo và nghệ thuật đậm màu sắc đương đại. SốngLab vừa là nơi thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ thị giác trẻ, vừa là một địa chỉ du lịch đắt khách quốc tế bên cạnh Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị và Bảo tàng Lê Bá Đảng.
Và Huế cũng thức khuya, rộn ràng góc phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An.
Thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo chủ trương đã được Trung ương phê duyệt.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên - Huế là thành phố với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; đồng thời là thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Trước đó, trong bản dự thảo được địa phương trình lên, Thừa Thiên Huế hướng đến là "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng".
Tinh thần "tràn đầy năng lượng" có lẽ chính là yếu tố cốt lõi cho việc định hình diện mạo Huế ở hiện tại và trong tương lai. Điều đó thực sự thể hiện rõ nét qua một đại cảnh dài hơn 5 phút trên sóng truyền hình. "Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư" của xứ Huế vẫn thế, chỉ khác là sự mộng mơ của người Huế nay là sự dấn thân.
"Hãy nhìn xem chúng tôi là ai, chúng tôi là những kẻ mộng mơ. Chúng tôi sẽ biến ước mơ thành hiện thực bởi vì chúng tôi tin vào điều đó", đó là lời bài hát Dreamers, vốn dĩ dành để nói về trường Quốc học Huế và cổ vũ Võ Quang Phú Đức. Trong phần trình diễn lời Việt có một câu tiếng Anh được giữ nguyên gốc và điệp đi điệp lại: "This what we do, how we do" (Tạm dịch: Đây là những gì chúng tôi làm, cách chúng tôi làm).
Võ Quang Phú Đức đã vô địch Olympia năm thứ 24, giúp trường Quốc học Huế xác lập kỷ lục mới là trường sở hữu nhiều quán quân Olympia nhất. "This what we do, how we do", tuyên ngôn đó cũng đúng với thành phố Huế của hôm nay trên hành trình trở thành "xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng".
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!