Đừng ví SEA Games như một "cái ao làng"!
Càng gần với ngày khai mạc SEA Games 32 (ngày 5/5), nước chủ nhà Campuchia càng cho thấy những động thái tích cực và đầy quyết tâm để kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm nay sẽ trở nên thú vị và thật sự đáng nhớ trong mắt bạn bè khu vực.
Năm 1959, Đại hội thể thao Bán đảo Đông Nam Á (Southeast Asian Peninsular Games - viết tắt là SEAP Games) lần đầu tiên được tổ chức, theo định kỳ 2 năm/lần, với mục đích tạo nên một sân chơi chung cho giới thể thao khu vực. Nó vừa nhằm tạo cơ hội để thể thao các nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau, vừa qua đó rèn luyện để nâng cao trình độ, hướng tới các đại hội thể thao quốc tế ở tầm mức cao hơn là Đại hội thể thao châu Á (Asian Games, còn gọi tắt là Asiad) hay Thế vận hội (Olympic Games).
Kể từ đó đến nay, SEA Games (tên gọi chính thức từ năm 1977, sau khi thêm các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philippines tham gia) đã trải qua 31 lần tổ chức. Trong tiến trình lịch sử 64 năm ấy, Đại hội đã có rất nhiều đóng góp trong việc nâng cao trình độ thể thao thành tích cao trong khu vực Đông Nam Á (qua đó thu hẹp khoảng cách với các nước có nền thể thao phát triển của châu lục và thế giới), đồng thời cũng góp phần tích cực để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế cũng như văn hóa - xã hội trong khu vực.
Không có SEA Games, các nền thể thao quốc gia tại Đông Nam Á sẽ không chỉ thiếu đi một "thước đo" quan trọng để thật sự "biết mình, biết người", mà hơn thế, không có cả cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Với riêng các quốc gia có vinh dự làm chủ nhà của Đại hội, mỗi kỳ SEA Games còn là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh của đất nước, đặc biệt là những đặc trưng văn hóa, bên cạnh đó là "cú hích" để thúc đẩy sự đầu tư cơ sở hạ tầng (không chỉ trong lĩnh vực thể thao), cũng như nâng cao năng lực tổ chức các sự kiện lớn…
Vậy nên, cũng dễ hiểu và cảm thông khi mỗi kỳ SEA Games diễn ra, nước chủ nhà đều cố gắng tận dụng cơ hội để đưa vào chương trình thi đấu những thế mạnh của mình, một phần để nâng cao cơ hội cạnh tranh thứ hạng trên bảng tổng sắp huy chương, phần cũng để giới thiệu những "đặc sản" thể thao truyền thống (mang những giá trị văn hóa dân tộc). Như Thái Lan có Muay Thái, Indonesia có Pencak Silat, Philippines có võ gậy, Việt Nam có Vovinam hay Campuchia có môn võ Bokator với cả ngàn năm lịch sử.
Việc "lồng ghép" ấy của các nước chủ nhà nhiều khi trở thành "quá tay", mang hơi hướng chạy theo thành tích, khiến hình ảnh và ý nghĩa thật sự của SEA Games ít nhiều bị ảnh hưởng. Thế là Đại hội bị một bộ phận công luận ví von với "ao làng" khi so sánh với tính chất chuyên môn cao hơn nhiều của các Đại hội thể thao quốc tế khác như Asiad hay Olympic.
Nhưng mới đây nhất, các giới chức thể thao trong khu vực ngồi lại với nhau trước thềm SEA Games 32 để khắc phục tình trạng trên, từ đó thống nhất đưa ra quyết sách đổi mới nhằm giảm thiểu sự can thiệp của các quốc gia chủ nhà với chương trình thi đấu. Theo đó, các môn thi tại SEA Games sẽ giàu tính chuyên môn, gần với tính chất cạnh tranh của Asiad và Olympic hơn. Tuy nhiên, tính chất quảng bá về văn hóa - xã hội của các quốc gia chủ nhà vẫn sẽ được tôn trọng, để SEA Games vẫn sẽ là "những ngày hội" của không chỉ giới thể thao khu vực mà còn là cơ hội tuyệt vời của mỗi đất nước có vinh dự làm chủ nhà của Đại hội.
Những hy vọng ở kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên tổ chức tại xứ sở Chùa Tháp
Hôm 18/4, Ban tổ chức SEA Games 32 của Campuchia phát đi một thông báo rất thú vị, gây ngỡ ngàng cho tất cả giới chuyên môn trong khu vực: Miễn phí toàn bộ tiền ăn ở cho các HLV, VĐV thể thao tham dự Đại hội. Đây là một quyết định chưa từng có tiền lệ, cho thấy quyết tâm tạo nên "điểm nhấn" về công tác tổ chức của nước chủ nhà.
Trên thực tế, Campuchia từng có cơ hội để tổ chức SEAP Games lần thứ 3 vào năm 1963, nhưng bởi tình hình chính trị bất ổn khi ấy nên xứ sở Chùa Tháp đành để lỗi hẹn. Không ai ngờ sự chờ đợi lại kéo dài tới đúng 60 năm bởi những biến chuyển của lịch sử. Trong suốt thời gian ấy, Campuchia chỉ đăng cai một kỳ Đại hội thể thao quốc tế - Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (gọi tắt là GANEFO) của châu Á vào năm 1966. Những khó khăn về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội buộc Campuchia phải lùi lại, dành toàn lực cho việc phục hồi kinh tế, từng bước thúc đẩy giao thương, hợp tác với các quốc gia trên thế giới (trong đó Việt Nam là đối tác quan trọng bậc nhất) trước khi có sự tái đầu tư mạnh mẽ cho thể thao.
Nhiều nhà chuyên môn phân tích: Riêng về thể thao, Campuchia đã và đang đi trên con đường tương tự Việt Nam, cũng với chủ trương "đi tắt đón đầu" ở một số môn cá nhân thế mạnh, song song nâng cấp cơ sở hạ tầng trong những năm qua với việc cử các lứa vận động viên đi tập huấn dài hạn ở các nước có nền thể thao phát triển hơn.
Rồi mọi thứ cũng đã chín muồi, SEA Games 32 sẽ diễn ra tại xứ sở Chùa Tháp sau đúng 6 thập kỷ chờ đợi. Nên nào phải tự nhiên mà đích thân Thủ tướng Hun Sen đứng đầu Ban chỉ đạo, còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Tea Banh làm Trưởng Ban Tổ chức.
Một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để Campuchia giới thiệu những hình ảnh đổi mới toàn diện của mình với thế giới. Trong đó, nhân dịp này, nước chủ nhà cũng rất mong muốn được quảng bá những sắc thái đặc trưng của nền văn hóa Khmer, về cả truyền thống lịch sử hào hùng và cũng rất bi tráng của đế chế Angkor cổ đại một thời… Việc miễn phí toàn bộ bản quyền truyền hình cũng như vé xem các sự kiện tại SEA Games 32 cũng cho thấy mong muốn và khát khao của nước chủ nhà được tận dụng tối đa cơ hội này để tạo nên "cú hích" toàn diện trên tiến trình phát triển của đất nước.
Việc Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như Tổng cục Thể dục Thể thao của Việt Nam thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối với nước bạn trong thời gian qua, cũng cho thấy ý nghĩa lớn lao của sự hợp tác trong lĩnh vực Thể dục thể thao vốn không chỉ nằm trong phạm vi của những tấm huy chương đơn thuần. Một lần nữa, Việt Nam khẳng định tình cảm gắn bó, mong muốn giúp đỡ Campuchia về công tác tổ chức (năm 2022, chúng ta đã tiếp đón trọng thị nhiều đoàn cán bộ của Campuchia sang tham quan, học hỏi công tác tổ chức SEA Games 31), cũng như các mặt liên quan để Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023 diễn ra thành công tốt đẹp.
Từ góc nhìn ấy, ý nghĩa về cuộc cạnh tranh thứ hạng ở tốp đầu của SEA Games 32 không còn quá "căng" như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta hãy cùng tin tưởng rằng đoàn thể thao Việt Nam - vừa lập kỷ lục về số HCV giành được và dẫn đầu tuyệt đối tại SEA Games 31 - dù gặp nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị, nhưng sẽ không đứng ngoài tốp 3 của SEA Games kỳ này. Tuy mất đi một số môn như bắn súng, đua thuyền Rowing và Canoeing… nhưng chúng ta vẫn có nhiều thế mạnh khác để có thể cạnh tranh cùng các đoàn bạn.
Một điều rất quan trọng nữa, như lời dặn dò của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Lễ xuất quân mới đây, bên cạnh cuộc đua thành tích, mỗi thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 cần là một "đại sứ thiện chí", để cùng các đoàn thể thao bạn tạo nên một kỳ SEA Games đặc biệt, thành công và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt bè bạn quốc tế.
Vậy nên, đừng lo lắng về thành tích tại SEA Games 32 mà hãy tận hưởng "những ngày hội thể thao" đầy ý nghĩa của các quốc gia Đông Nam Á. Từ góc nhìn toàn diện ấy, SEA Games đang và sẽ hoàn toàn không đáng bị ví von như một "cái ao làng"!
Tác giả: Nhà báo Doãn Hữu Bình hiện là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao); Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam, Ủy viên BCH Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam; thành viên Ban truyền thông của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).
Ông Bình nguyên là Trưởng Ban phóng viên Báo Thể thao TPHCM, đồng tác giả sách Sơ thảo Lịch sử Bóng đá Việt Nam. Tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2022, nhà báo Doãn Hữu Bình là Ủy viên Tiểu Ban Truyền thông của Ban Tổ chức, đồng thời là tác giả của khẩu hiệu "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" (For a stronger Southeast Asia) của SEA Games 31.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!