Chào đón SEA Games 31
Kể từ SEA Games đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2003, sau 19 năm, chúng ta lần thứ hai đăng cai Đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Một sự kiện đặc biệt diễn ra ngay sau khi Đại dịch Covid được kiểm soát, chắc chắn sẽ mang lại cơ hội tốt cho các vận động viên hàng đầu khu vực tranh tài, qua đó cũng phục vụ hàng triệu người hâm mộ xem trực tiếp cũng như qua màn hình.
Khi nói đến giải thể thao khu vực, đâu đó vẫn có những người giữ ấn tượng đây là "ao làng". Tuy nhiên, cách nghĩ này đã không còn phù hợp. Trước hết, không phải bây giờ mà ngay từ 19 năm trước, SEA Games đã trở thành cú hích quan trọng đối với thể thao Việt Nam, cả về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như phát triển một số bộ môn thể thao đỉnh cao. Các chuyên gia đã phân tích rằng, chính nhờ các giải đấu ở SEA Games 2003 tạo nền móng mà về sau Việt Nam mới có những thành tích vượt bậc trên tầm khu vực, trong đó có tấm huy chương vàng lịch sử ở Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh. Tương tự, cũng nhờ các giải đấu ở cấp khu vực mà bóng đá Việt Nam dần trưởng thành và có được những thành công như thời gian qua.
Nói một cách hình ảnh, nếu chúng ta không vượt qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện thì khó nói đến thi cấp tỉnh, cấp quốc gia hay quốc tế. SEA Games là một giải như thế. Thể thao Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đã có những huy chương Olympic, đã có thành tích vượt ra khỏi "ao làng", nhưng không vì thế mà SEA Games không quan trọng. Đơn cử, với đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam, ngay sau sân chơi khu vực sẽ là Vòng chung kết U23 châu Á, rõ ràng giải đấu lần này là một dịp lửa thử vàng. Nếu thành công, các em sẽ tự tin bước lên những bậc thang cao hơn. Cần nhớ rằng, chính các cầu thủ trẻ hôm nay sẽ là nòng cốt của đội tuyển quốc gia ngày mai, những gương mặt quan trọng cho giấc mơ World Cup tương lai. Đối với đội tuyển bóng đá nữ, một hành trình đẹp và kết thúc tốt ở SEA Games này có tác dụng như một trong những đợt chuẩn bị cho họ ở Vòng chung kết World Cup nữ 2023 sau đây một năm nữa.
Tất nhiên, thể thao không chỉ có bóng đá. Ở một số kỳ SEA Games trước đây, nước chủ nhà thường đưa vào những bộ môn tuy không phổ biến song họ có lợi thế và chắc chắn sẽ giành huy chương. Còn tại SEA Games lần này, 40 môn thể thao nằm trong danh sách chủ yếu là những bộ môn thi đấu tại Đại hội Thể thao châu Á và Thế vận hội - nghĩa là những môn thể thao đỉnh cao với rất nhiều bộ huy chương. Với tôi, điều này cho thấy "cái tâm" của thể thao Việt Nam với giải đấu này cực kỳ lớn. Mục tiêu cuối cùng của thể thao là vượt lên chính mình, và bằng việc tổ chức SEA Games 31 với danh sách thi đấu đó, Việt Nam sẽ cùng các nước trong khu vực hướng đến những mục tiêu xa hơn, hướng tới Olympic mùa hè 2024.
Với tư cách là chủ nhà, Việt Nam vừa phải tổ chức tốt Đại hội thể thao lần này, vừa phải nỗ lực hướng tới thành tích đã đặt ra. Vì vậy áp lực sẽ rất lớn. Chúng ta đang đứng trước thách thức mới ở một số bộ môn quan trọng, ví dụ môn bơi, lần này chúng ta sẽ không có Ánh Viên, vận động viên đã giành tổng cộng 25 huy chương vàng qua 4 kỳ SEA Games từ 2013 đến 2019.
Chắc chắn rằng, những thành công và cả thất bại ở SEA Games sẽ giúp thể thao Việt Nam có thêm bài học, thêm trưởng thành để phát triển tốt hơn. Nhìn rộng ra, để đưa thể thao Việt Nam vươn tầm, rất nhiều vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như xã hội hóa thể thao như thế nào trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn; việc đào tạo và tuyển chọn vận động viên, nhất là những môn có tính chuyên biệt như đấu kiếm, võ, bóng đá nữ… gặp nhiều khó khăn. Các huấn luận viên và vận động viên một số môn thể thao đỉnh cao nói với tôi rằng, rất khó tuyển chọn vận động viên, vì bố mẹ ngại cho các con theo các môn này, "nắng nôi đen đúa" và điều quan trọng hơn là họ không nhìn thấy tương lai con em mình khi tham gia thể thao, đặc biệt là gia đình có con gái. Đây không chỉ là câu chuyện của SEA Games, mà của tương lai mà chúng ta phải giải quyết.
Một vấn đề khác là gần đây chúng ta đã có các chủ trương liên quan đến thể thao học đường, nhưng còn phải chờ đợi xem nó được thực hiện như thế nào? Nhiều nước trong khu vực đang làm rất tốt mô hình thể thao học đường với những bài học từ thể thao Mỹ (đa số thành viên đoàn vận động viên Mỹ dự Olympic đến từ thể thao học đường). Đây là bài toán không chỉ trong việc đào tạo ra các thế hệ vận động viên đỉnh cao mà còn tạo ra các thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh, tự tin.
Không khí SEA Games 31 sẽ nóng dần lên cùng với lễ khai mạc hoành tráng sắp diễn ra, khi các bộ môn lần lượt thi đấu và những tấm huân chương đầu tiên được trao. Hãy cùng chào đón SEA Games 31, chúc một kỳ Đại hội thành công và "vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là một trong những phóng viên thể thao, bình luận viên hàng đầu Việt Nam, đặc biệt là bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.