Từ mùa vàng SEA Games, nghĩ đến Olympic
Việt Nam khép lại SEA Games 31 với mùa vàng bội thu. Chúng ta nhất toàn đoàn với tổng số 446 huy chương, trong đó có 205 HCV, bỏ xa Thái Lan xếp thứ hai với 92 HCV.
Điều quan trọng hơn, mùa vàng bội thu lần này có rất nhiều HCV thuộc hệ thống thi đấu Olympic, trong đó chúng ta đã áp đảo các nước khác về số lượng HCV ở hai bộ môn tiêu biểu: Điền kinh và bơi lội. Các vận động viên Việt Nam đã giành 22 huy chương vàng điền kinh, 11 huy chương vàng bơi lội, 7 huy chương vàng thể hình, thể dục dụng cụ và đặc biệt là hai huy chương vàng bóng đá. Có thể khẳng định rằng những kết quả này đã làm hài lòng tất cả. Trên khán đài sân Mỹ Đình ngày 22/5, khi tuyển U23 Việt Nam thi đấu với Thái Lan, có sự hiện diện của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng hàng chục nghìn cổ động viên. Điều đó phần nào cho thấy thể thao nói chung và bóng đá nói riêng nhận được sự quan tâm to lớn. Và tại kỳ SEA Games lần này thể thao Việt Nam đã đáp ứng lòng mong mỏi của người hâm mộ.
Từ thành công hôm nay, chúng ta nhớ về những ngày gian khó tái hội nhập với sân chơi khu vực và thế giới. Năm 1989, thể thao của nước Việt Nam thống nhất bắt đầu đi thi đấu các giải trong khu vực với tinh thần chủ yếu "chào sân", chưa dám nghĩ nhiều đến thành tích.
Ba kỳ SEA Games đầu tiên kể từ ngày đó, Việt Nam chỉ có được một số HCV bắn súng của Đặng Thị Đông, Bùi Thiết… Đến năm 1995, chúng ta giành được hai tấm HCV quan trọng là chạy 100m của Vũ Bích Hường (thành tích 13s69) và bóng bàn đơn nam của Vũ Mạnh Cường. Ông Đoàn Thao - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở 8 kỳ đại hội liên tiếp tại Olympic, Asiad và SEA Games, từng nhận xét rằng hai tấm HCV này là "cột mốc" của thể thao Việt Nam. Những cuối thập niên 1990, chúng ta vẫn chưa có thành tích đáng kể và chủ yếu "đi tắt đón đầu" bằng các môn võ đối kháng.
Đến đầu thế kỷ 21, Việt Nam bắt đầu tấn công vào các môn Olympic và đón nhận những kết quả đầu tiên. Cụ thể là tại SEA Games 21 ở Kuala Lumpur, chúng ta đã có một loạt vận động viên giành được HCV ở môn điền kinh là Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Phan Văn Hóa, Phạm Thị Thu Lan, Bích Vân… Lúc này xuất hiện một ngôi sao điền kinh là Hoàng Lan Anh. Đó cũng là năm chúng ta lại có HCV bóng bàn đơn nam của Vũ Mạnh Cường.
Những bước đi kể trên là nền tảng để đến năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games. Kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đó, trên sân nhà, thể thao Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc khi nhất toàn đoàn với 159 HCV, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Thái Lan 90 HCV.
Khi nhìn lại, chúng ta thấy sự phát triển theo năm tháng của thể thao Việt Nam và thấy sự quan trọng của các kỳ SEA Games. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng vẫn tồn tại "lệ làng" ở Đông Nam Á, đó là việc các nước chủ nhà đưa vào danh sách thi đấu những bộ môn có lợi thế để tranh thủ giành nhiều huy chương hơn. Chẳng hạn như Việt Nam đưa vào môn đá cầu, còn Philippines thì võ gậy; Malaysia là cầu mây; Thái Lan là Muay Thái; Indonesia lại đưa vào môn leo tường, đánh bài…
Tình trạng nhiều môn thi đấu ở SEA Games không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic tồn tại từ lâu, song điều đáng mừng là các kỳ SEA Games gần đây đã dần khắc phục, dần giảm thiểu các môn "phi Olympic".
Theo thống kê, tại SEA Games 28 (năm 2015) và 29 (năm 2017) tổ chức lần lượt ở Singapore, Malaysia, chúng ta đều thua Thái Lan ở số huy chương các môn cơ bản. Nhưng đến SEA Games 30 tổ chức tại Philippines năm 2019, Việt Nam chỉ thua đoàn chủ nhà. Tại kỳ Đại hội này, chúng ta vươn lên giành 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ. Thái Lan chỉ đoạt 92 HCV và 103 HCB, 123 HCĐ.
Điều đáng ghi nhớ và nhắc lại là trong 98 HCV đoạt được ở Philippines, Việt Nam có 71 HCV thuộc các bộ môn cơ bản, trong đó 16 HCV điền kinh (Thái Lan 11).
Cho đến SEA Games 31 lần này với sự đầu tư lớn và chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam đã giành được 22 HCV điền kinh, vượt xa Thái Lan vì họ cũng chỉ giành được 11 HCV điền kinh. Với bơi lội, dù chúng ta không có Ánh Viên, song vẫn giành được 11 HCV. Việc hai môn cơ bản (điền kinh, bơi lội) vượt trội và giành chiến thắng trong cả hai trận chung kết bóng đá là những điều ngọt ngào với những người làm thể thao Việt Nam cũng như hàng triệu người hâm mộ.
Tất nhiên cũng có những ý kiến thắc mắc về việc Việt Nam - với tư cách là nước chủ nhà, đã giành được số HCV bỏ xa các nước xếp thứ hai, thứ ba… trên bảng tổng sắp. Tôi cho rằng kết quả này hết sức bình thường và phản ánh đúng thực chất. Trước hết, bất cứ nước nào cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho giải thi đấu sẽ diễn ra trên sân nhà, bao gồm cả công tác tổ chức và đầu tư cho vận động viên. Những tấm huy chương là sự ghi nhận cả "danh và thực" với vận động viên, qua đó sẽ thu hút sự quan tâm của xã hội, thu hút các nguồn tài trợ và trở thành động lực phát triển đối với mỗi cá nhân cũng như cả ngành thể thao. Vậy nên những nỗ lực thi đấu trên sân nhà để giành huy chương là có thể hiểu được. Nói như Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, các VĐV thi đấu hết mình trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và giành huy chương nếu có thể, vì đây là sân chơi rất sòng phẳng. Việc chủ nhà lập kỷ lục 205 HCV là bất ngờ nhưng không mờ ám.
Hơn nữa quá trình thi đấu công khai với các trọng tài quốc tế và giám sát của công nghệ, rất khó để "xử" không công bằng. Tôi ví dụ, VĐV điền kinh Lò Thị Thanh chỉ vì sử dụng giày vượt quá quy chuẩn của Liên đoàn Điền kinh châu Á (IAAF) mà đã bị tước HCB. Chúng ta chấp nhận và không phản ứng vì đó là "luật chơi". Cho đến giờ phút này, chúng ta chưa nhận được kiện cáo nào về công tác trọng tài tại SEA Games 31, chỉ một lần đoàn Indonesia có phàn nàn và được giải thích rằng trọng tài, quan chức mời đến đều là quốc tế, không phải của Việt Nam.
Cũng cần nói thêm, tại kỳ Đại hội lần này, một số nước với điều kiện cụ thể của mình nên họ không đưa hết vận động viên đi thi đấu. Được biết Trưởng đoàn của các quốc gia nói do Covid-19, VĐV của họ có sự ngắt quãng trong tập luyện. Việt Nam thì VĐV được đầu tư suốt hai năm qua, chỉ là không tập huấn thi đấu ở nước ngoài.
Dù SEA Games 31 mang đến mùa vàng bội thu, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là thể thao Đông Nam Á còn khoảng cách lớn so với Asiad hay Olympic. Việt Nam cần cố gắng cùng với các nước trong khu vực tổ chức tốt hơn nữa, hoàn thiện các kỳ SEA Games để Đại hội thể thao Đông Nam Á ngày càng trở thành "tiểu Olympic".
Thời gian tới, theo tôi Việt Nam cần quyết tâm đầu tư có trọng điểm vào các bộ môn cơ bản, "Olympic hóa" triệt để hơn nữa. Lần này Ban tổ chức SEA Games công bố 4 VĐV xuất sắc nhất, trong đó có 2 VĐV Việt Nam là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Đây là điều đáng mừng. Muốn tiến lên với châu Á, với thế giới thì chúng ta phải tập trung vào hai bộ môn cơ bản là điền kinh và bơi lội.
Và chúng ta cũng phải nhớ rằng thành tích của Thái Lan, Philippines, Malaysia … tại Olympic là cao hơn thành tích của Việt Nam.
Cuối cùng tôi xin kể một câu chuyện: Ở SEA Games lần trước, hai đội tuyển bóng chuyền Việt Nam ở cùng khách sạn với đội tuyển Thái Lan. Tôi quan sát thấy bữa ăn bình thường của các VĐV cơ bản như nhau, VĐV Thái Lan dường như ăn ít hơn. Tìm hiểu mới biết, ngoài khẩu phần ăn chung ở khách sạn, họ còn có khẩu phần ăn chất lượng cao, áp dụng khoa học công nghệ về thực phẩm dinh dưỡng. Còn nữa, năm xưa tay vợt Lee Chong Wei của Singapore dự giải có đến 28 thành viên chăm sóc. Người xưa bảo nghề chơi lắm công phu, thực túc binh cường, nói thế để thấy rằng ngày nay, kinh tế phát triển tác động vào thành tích của thể thao và ngược lại, thành tích thể thao sẽ đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Điều rất đáng mừng là thể thao Việt Nam đã và đang được đầu tư tốt để đồng hành cùng dân tộc.
Tác giả: Nhà báo, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu năm nay 80 tuổi. Ông là cây viết thể thao nổi tiếng, từng tham dự và đưa tin 16 kỳ SEA Games trong 30 năm qua. Ông cũng được biết đến là tác giả của nhiều đầu sách chuyên sâu về thể thao.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và cho biết suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!.