Tâm điểm
Quan Thế Dân

Đưa con đi thi

Hôm rồi con gái tôi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, nên tôi thu xếp nghỉ để đưa con "đi thi" trước hội đồng. Chắc có người bảo vẽ chuyện, nó lớn tự đi được rồi. Vấn đề không phải là đi, mà là để con khi bảo vệ thêm vững lòng vì có người thân đang chờ ở ngoài.

Vả lại, thật ra con đồng ý cho bố đưa đi đã là nó chiếu cố bố lắm rồi đấy. Nhớ hồi bé tôi đi thi, mẹ cứ đi theo làm tôi ngượng với bạn bè, toàn giục mẹ về.

Ngày bảo vệ tốt nghiệp của con gái tôi trùng với ngày thi vào lớp 10 trường chuyên Đại học Quốc gia, sân trường, quán cà phê đông nghịt các ông bố bà mẹ đưa con đi thi, bán tán rôm rả về chuyện học hành, tỷ lệ chọi... làm tôi sống lại các kỷ niệm xưa.

Đưa con đi thi - 1

Thí sinh thi lớp 10 tại TPHCM trong buổi làm thủ tục sáng 4/6 (Ảnh: Hải Long).

Ngày tôi còn bé, mỗi lần đi thi là cả nhà bận rộn lo lắng. Bà ngoại tôi là người lo lắng nhất. Bà chỉ học đến lớp 3 rồi ở nhà buôn bán, nhưng bà rất coi trọng việc học hành. Bà là con gái phố Hàng Gai mà, con phố chuyên bán giấy, sách vở, bút mực cho các thầy khóa đi thi, con phố của sự học hành đất Kinh kỳ.

Kỳ thi đầu đời của tôi là ngày thi từ lớp 4 lên lớp 5, tức là thi chuyển cấp, từ cấp I lên cấp II. Quan trọng lắm.

Mới tờ mờ sáng, bà đã đánh thức tôi dậy: "Thế ơi, dậy đi cháu. Dậy rửa mắt đánh răng rồi ăn cháo, bà mua về rồi đây này, không lại muộn". Tôi ngái ngủ, chưa muốn dậy, nhưng mùi cháo lòng thơm lừng đã làm tôi tỉnh ngủ, nhanh nhẹn dậy.

Thời bao cấp cái ăn thiếu thốn, từ 3 giờ sáng, bà đã ra chợ Hàng Da xếp hàng mua cháo lòng cho tôi ăn để đi thi. Cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở chợ Hàng Da mỗi sáng tận dụng lòng lợn, tiết và thịt vụn nấu một nồi cháo lòng to tướng, giá 3 hào một bát. Người lao động tự do, xích lô... xúm lại mua một lúc là hết nên ai muốn ăn phải đi xếp hàng từ đêm, lúc cửa hàng còn chưa bật đèn.

Bà muốn cháu ăn có tý chất để đầu óc minh mẫn làm được bài. Mua phở thì đắt, 5 hào một bát, nên bà dậy sớm đi mua cháo lòng rẻ hơn, mà cũng nhiều chất bổ.

Tôi rửa mặt đánh răng quáng quàng rồi ngồi ngay vào ăn cháo. Từng thìa cháo ngọt thơm, từng miếng lòng bùi béo, ăn vào đến đâu tỉnh ra đến đấy, chỉ một loáng tôi đã ăn hết veo cặp lồng cháo đầy.

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy giận bản thân. Sao lúc ấy tôi không hỏi bà ăn gì chưa, sao tôi không sẻ mời bà ăn một nửa. Rồi ông tôi nữa. Ông bà quanh năm suốt tháng ăn rau, chắc nghe mùi cháo lòng thơm lừng như thế này chắc cũng thèm lắm. Nhưng ông bà nhịn để tôi ăn. Người già xưa nay toàn nhường nhịn cho con cháu như vậy. Mà bọn trẻ có biết đến đâu. Chúng cứ vô tư hưởng thụ, coi đó là điều hiển nhiên.

Như tôi cũng vậy. Đến bây giờ khi mình đã già, biết thương nhớ ông bà thì ông bà đã khuất núi lâu rồi, có còn biết đến lòng nhớ thương của cháu hay không!

Trong lúc tôi đang ăn cháo thì bà đã mặc áo dài nâu, đầu vấn khăn gọn ghẽ, đang thắp hương tất cả ban thờ. Ban thờ của ông bà gồm nhiều lớp với nhiều ảnh thờ các đời và nhiều bát hương. Chỉ những ngày giỗ và dịp quan trọng bà mới thắp hương tất cả ban thờ như thế này.

Bà chắp tay thành kính, khấn các cụ phù hộ cho cháu đi thi được thuận lợi. Bà khấn rất dài, vừa khấn vừa xuýt xoa, kiểu các cụ ngày xưa hay khấn. Bà khấn xong bảo tôi ra lễ các cụ. Tôi ra vái các cụ ba vái rồi khoác cặp sách, theo mẹ ra bến tàu điện ở phố Hàng Bông, đi tàu vào Cầu Giấy. Hồi đó tôi học trường cấp I Yên Lãng, ở ngay trong chùa Láng. Mẹ chỉ đưa tôi ra bến tàu rồi tôi tự đi tàu điện vào.

Những ký ức về ngày đi thi ấy tôi không bao giờ quên. Sau đó rồi bà và mẹ còn cùng tôi thi vào cấp III, thi vào đại học, chứng kiến tôi học xong đại học, ra bác sĩ, rồi bà mới mất. Mẹ còn chứng kiến tôi học xong tiến sĩ.

Tôi thấy tôi có học cao lên bao nhiêu thì cũng không báo đáp được gì nhiều cho bà, cho mẹ, cho người thân. Nhưng có lẽ ông bà, bố mẹ cũng không trông chờ gì vào việc báo đáp. Ông bà, bố mẹ chỉ trông mong tôi lớn lên từng ngày, thi đâu đỗ đấy là vui rồi.

Cũng như giờ tôi nhìn con tôi đi thi. Tôi cũng không trông mong con báo hiếu gì mình, mà tôi tự nhiên thấy vui khi con trưởng thành. Thế hệ tiếp theo, mang dòng máu của mình, thành đạt, là tự nhiên đã là một sự báo đáp rồi.

Các câu chuyện của các ông bố bà mẹ có con thi vào trường chuyên đang ngồi cạnh tôi trong quán cà phê này cũng vậy, không biết con có làm được bài không, có bị nhầm đề không, có bị quên ý nào không, rồi chia sẻ với nhau những mẩu chuyện về con mình, mang theo bao lo âu cho con nhưng cũng tràn đầy niềm tự hào.

Ở Việt Nam đầu tư của nhà nước cho giáo dục rất nhiều, nhưng đầu tư của người dân cho giáo dục có lẽ còn nhiều hơn. Học không chỉ là con đường thoát nghèo, mà còn cao hơn, là truyền thống hiếu học trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình.

Đã có nhiều phê phán về cái học coi trọng thi cử, coi trọng bằng cấp, đã có nhiều ý kiến về cải cách giáo dục, với mô hình Tây Âu này kia. Tôi theo dõi tất cả những tranh luận đó với sự dè dặt. Không có mô hình giáo dục nào là hoàn hảo cả. Những mô hình giáo dục thi cử khắc nghiệt như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản thì nền kinh tế của họ cũng làm cho thế giới phải kinh ngạc đấy thôi.

Tôi thấy các con tôi học hết chương trình phổ thông rồi đại học khá là thuận lợi, thì từ kinh nghiệm và tình thương của một người cha, với tôi, mô hình giáo dục nào là chuyện của các nhà chuyên môn, còn cái quan trọng nhất đối với các con là sự quan tâm của gia đình, luôn khích lệ động viên con trên mỗi bước đi nhỏ nhất.

Hôm trước, tiếp nối truyền thống gia đình, tôi và vợ mua hoa, thắp hương các ban thờ, để khấn các cụ phù hộ cho hôm nay cháu đi thi. Giờ thì ông bà và bố mẹ đã thành người thiên cổ, từ trên ban thờ dõi theo con cháu. Mỗi khi đứng trước ban thờ, trong tôi tràn ngập một cảm giác yêu thương thân thuộc. Chắc con tôi cảm thấy như vậy. Con đứng khấn các cụ và ông bà rất lâu.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!