"Dọn ổ cho đại bàng"
52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã chính thức đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Theo Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.
Trong số những doanh nghiệp này có nhiều tên tuổi đáng chú ý như Công ty Hàng không vũ trụ Boeing, Tập đoàn Công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Tập đoàn Công nghệ SpaceX hay những cái tên quen thuộc như Apple, Coca-Cola, Ford, Netflix...
Sự kiện này phần nào cho thấy niềm tin, sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung đến môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, phát tín hiệu tích cực, bước đầu tháo gỡ lo ngại về các diễn biến phức tạp trên thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… thời gian gần đây có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài.
Nói cho cùng, việc xử lý sai phạm, làm sạch thị trường chẳng phải cũng nhắm đến việc tạo môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư cập bến hay sao?
Bên cạnh đó, việc 52 "đại bàng" từ Mỹ đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác cũng gợi mở hy vọng về sự cải thiện thu hút vốn FDI trong tương lai gần, "hâm nóng" lại hoạt động này - vốn đã trầm lắng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu được Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa mới công bố cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm nay sụt giảm rất mạnh, chỉ bằng 61,2% cùng kỳ với gần 5,45 tỷ USD.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng đầu năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án LEGO, tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022. Nói cách khác, trong 3 tháng đầu năm nay, chúng ta đang thiếu vắng những dự án quy mô lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, người viết quan tâm nhiều hơn đến vốn giải ngân trên thực tế. Nếu đăng ký nhưng không giải ngân thì hiệu ứng với nền kinh tế không có nhiều ý nghĩa. Trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Theo đó, đối với việc 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ tìm hiểu cơ hội hợp tác ở Việt Nam, trước hết là tin vui, nhưng làm thế nào để biến "mối quan tâm" trở thành hành động "xuống tiền" trên thực tế lại là một bước tiến dài, cần sự phối hợp tạo điều kiện của nhiều cơ quan hữu quan.
Dòng vốn FDI được giới chuyên gia nhận định là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
"Nguồn FDI ổn định kể cả trong bối cảnh thắt chặt tài chính toàn cầu hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc duy trì đà tăng trưởng. Năm 2022, Việt Nam và Malaysia là 2 nước nổi bật hơn hẳn trong khu vực về thu hút FDI và lợi thế này tiếp tục duy trì trong năm nay. Đặc biệt, Việt Nam ở một vị thế tốt hơn các nước trong khu vực về thu hút vốn ngoại cho các dự án xanh nhờ những hiệp định thương mại với Anh và châu Âu", bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC, nhận định.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5% - đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định. Nếu hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt được kết quả tích cực thì sẽ là một động lực quan trọng để lan tỏa sang các khu vực kinh tế khác.
Muốn thu hút đối tác thì trước hết phải tìm hiểu những lĩnh vực mà họ quan tâm, tạo điều kiện trong khả năng cho phép, tháo dỡ những rào cản để nhà đầu tư có thể thuận lợi "rót vốn", đặc biệt là hút được nguồn vốn chất lượng cao.
Trong bối cảnh hiện nay, thách thức dễ thấy nhất đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đó là xu hướng tăng lãi suất trên thế giới mặc dù đã chậm lại nhưng chưa đảo chiều, đồng USD tăng giá đe dọa hoạt động "rút vốn" và hạn chế nguồn vốn mới.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì có lẽ, Việt Nam vẫn còn những điểm mạnh có thể khai thác, và không phải ngẫu nhiên mà "đại bàng" lại "nhòm ngó" môi trường đầu tư ở Việt Nam. Cụ thể đó là sự ổn định về chính trị, sự năng động của một nền kinh tế trẻ, sự hợp lý về chi phí, sự thân thiện của các chính quyền địa phương và cả những lợi thế về đất đai, nguồn lao động vẫn còn đó. Việt Nam còn là một nền kinh tế mở với hàng chục hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Đáng chú ý, tới đây khi Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều chính sách pháp luật khác về kinh tế nếu được hoàn thiện và thông qua thì sẽ tháo gỡ đáng kể vướng mắc về mặt pháp lý, khơi thông ách tắc cho thị trường.
Cần thấy rằng, trong nguy có cơ, trong khó khăn luôn tiềm ẩn cơ hội. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải trải qua giai đoạn khó khăn với nhiều biến số khó lường, nhiều nền kinh tế lớn đứng trước nguy cơ suy thoái. Như vậy, nếu các nhà điều hành đạt được sự cân bằng về chính sách, kiểm soát lạm phát ở mức cho phép mà vẫn hỗ trợ được tăng trưởng, nếu các địa phương luôn trong tư thế sẵn sàng "dọn ổ cho đại bàng" thì Việt Nam vẫn có thể tận dụng được thời cơ, đón về những dự án FDI chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!