Tháo gỡ "nút thắt" môi trường kinh doanh: Nhìn lại 2023 và đề xuất cho 2024
Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023, có lẽ một trong những thành công quan trọng nhất là duy trì sự ổn định trong thế giới có quá nhiều biến động. Tốc độ tăng trưởng ở mức khá, lạm phát thấp, tỷ giá được kiểm soát tốt…
Năm 2023 cũng là một năm nhiều khởi sắc về hoạt động đối ngoại nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng khi Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; Việt Nam và Nhật Bản cũng nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới". Đồng thời, chúng ta đã tiếp tục nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác với Trung Quốc và nhiều đối tác lớn, đối tác truyền thống khác; ký kết và đang triển khai 16 hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh thành công, còn đó nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023 là năm có tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường rất cao, xuất nhập khẩu giảm, sản xuất công nghiệp có chiều hướng giảm.
10 tháng đầu năm có đến 146.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhưng cũng có cả những yếu tố chủ quan trong nước.
Một diễn biến đáng lo ngại trong năm nay là tình hình thiếu điện vào tháng 5-6 ở miền Bắc. Để Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn nữa các dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao trong giai đoạn sắp tới thì chắc chắn cần phải khắc phục được vấn đề này. Chúng ta đã chứng kiến Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra các chỉ đạo, giải pháp và kế hoạch cụ thể để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, việc hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh còn hạn chế. Hiện nay, dù các địa phương và bộ ngành liên quan đã rất cố gắng nhưng tiến độ lập và thông qua quy hoạch tích hợp cấp tỉnh còn quá chậm. Việc chậm trễ thông qua quy hoạch cấp tỉnh, nhất là các thành phố lớn và trung tâm kinh tế, cùng nhiều quy hoạch quan trọng khác đã tạo nhiều khó khăn cho các dự án đầu tư trên thực tế.
Để tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ, các cấp có thẩm quyền cần sớm triển khai giải pháp đẩy nhanh hơn nữa việc thông qua các quy hoạch cấp tỉnh, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế lớn.
Có thể kể thêm trong năm 2023 đã có một số vấn đề nóng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, kinh doanh, như: (i) Tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy làm cho rất nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng bị chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí. Một số tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy quá cao và cách áp dụng hồi tố và cứng nhắc tạo ra ách tắc và khó khăn trên thực tế; (ii) Hoàn thuế VAT chậm trễ làm cho các doanh nghiệp nhiều ngành như gỗ, cao su, sắn, điện tử... gặp nhiều khó khăn, thiếu dòng tiền.
Các cấp có thẩm quyền đã đưa ra những chỉ đạo để giải quyết các vấn đề nêu trên. Thời gian tới rất cần phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể, đặc biệt là sửa đổi văn bản pháp luật để tạo thuận lợi cho bộ máy thực thi các cấp, giảm rủi ro.
Theo tôi, để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh, Việt Nam cần phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa... Trong đó, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chính: Giảm chi phí kinh doanh; cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật.
Giảm chi phí kinh doanh
Các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay cao và có xu hướng tăng ở 4 nhóm chính như: Các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính ngoài thuế; chi phí vốn; chi phí vận tải, logistics.
Đối với chi phí liên quan lao động được chia thành 2 nhóm: (i) Chi phí nằm trong sự thỏa thuận giữa hai bên; (ii) Chi phí không nằm trong thỏa thuận giữa hai bên mà buộc phải chi do quy định của pháp luật. Đối với khoản chi đầu tiên, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được chất lượng và số lượng người lao động tốt hơn trên thị trường.
Chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam cũng rất cao. Từ cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất biến động tăng mạnh, dù hiện nay đã có chiều hướng giảm khá nhanh nhưng đó là lãi suất ngắn hạn. Lãi suất dài hạn và lãi suất trung bình của đồng tiền Việt Nam luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực.
Các doanh nghiệp nhà nước phải đồng thời làm nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ xã hội, các trách nhiệm giải trình (quan hệ cổ đông, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm) thường thấp hơn doanh nghiệp tư nhân có cùng quy mô. Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị các doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cần được khẩn trương thực hiện. Ví dụ, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm.
Ngoài các khoản thuế, các doanh nghiệp Việt Nam tùy từng ngành còn phải nộp thêm các khoản tài chính ngoài ngân sách, điều này cũng làm cho doanh nghiệp bị đội chi phí kinh doanh.
Chi phí vận tải và logistics của Việt Nam vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ. Mặc dù, Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, song tình trạng chi phí vận tải cao vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là ở khu vực miền Nam.
Rào cản về chi phí kinh doanh cao này làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích lũy vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Ví dụ: Lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang xếp sau Bangladesh. Nguyên nhân là do hàng hoá của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công thấp hơn, gồm cả lương tối thiểu và các khoản phải đóng khác.
Cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật
Năm 2023 cũng như nhiều năm trước, việc hoàn thiện thể chế và tăng cường chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm. Trong năm 2023, nhiều đạo luật lớn được sửa đổi, đã và sẽ thông qua trong thời gian tới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật: (i) Tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; (ii) Nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới; (iii) Các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iv) Bãi bỏ dần quy định về thời hạn của các loại giấy phép con; (v) Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật.
Chất lượng pháp luật rất quan trọng nhưng đi kèm với đó là phải đảm bảo việc thực thi pháp luật. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng hiện nay.
Khảo sát doanh nghiệp hàng năm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Tỷ lệ doanh nghiệp "luôn luôn" hoặc "thường xuyên" dự đoán được sự thay đổi quy định pháp luật của chính quyền cấp tỉnh giảm từ mức 16% năm 2014 xuống mức 5% năm 2021 và 3,42% năm 2022.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, khả năng dự đoán việc áp dụng pháp luật của cơ quan chính quyền cũng thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được việc thực hiện quy định quanh mức 3,48% năm 2022. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán áp dụng pháp luật càng thấp.
Điều nổi bật trong giai đoạn vừa qua là tình trạng một bộ phận cán bộ các cấp có xu hướng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định, né tránh làm việc. Do vậy, thời gian tới phải loại bỏ được tâm lý này, tạo ra tâm lý an toàn, hình thành nên động lực làm việc cho bộ máy các cấp là điều rất quan trọng.
Tác giả: Ông Đậu Anh Tuấn là Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!