Di sản Park Hang Seo và tình thế "nguy hiểm" của HLV Philippe Troussier
Với màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup, đa phần người hâm mộ đã không còn đủ kiên nhẫn. Trong làn sóng khen và chê sau hai trận đấu, nổi lên các ý kiến chỉ trích và muốn HLV Philippe Troussier từ chức, thậm chí trong số đó có cả những người không mấy khi xem bóng đá, như một số người thân của tôi cũng thế.
Bên cạnh đó, trên nhiều diễn đàn về bóng đá có những người đưa ra góc nhìn bình tĩnh hơn. Họ không "bênh" ông Troussier, nhưng thấy rằng, con đường mà ông đang chọn là con đường phải làm. Đó là một con đường đúng đắn.
Sự thất vọng của người hâm mộ là dễ hiểu, vậy nên khi bầu Đức đưa ra nhận xét phê bình ông Troussier thì nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, thử xem qua nội dung mà bầu Đức đề cập về cách làm của HLV Troussier, ví dụ như "đập bỏ quá khứ, không sử dụng công thần".
Vấn đề ở đây là tình trạng của những công thần ấy nay ra sao? Thế hệ vàng trong suốt 5 năm thời HLV Park Hang Seo có còn là họ của trước đây nữa không? Hầu hết các tuyển thủ này tuy chưa đến tuổi 30, nhưng đa phần đã xuống phong độ, hoặc chấn thương liên miên, hoặc trong suốt bao nhiêu năm qua không trở lại được là mình. Đình Trọng hay Văn Hậu là những trường hợp điển hình.
Có những cầu thủ vật vã để quay trở lại phong độ của ngày xưa nhưng rất khó khăn, như Quang Hải. Rồi có những cầu thủ đạt đỉnh cao ở thời kỳ đó như Công Phượng, song khi xuất ngoại thời gian gần đây lại không được đá chính.
Tôi cho rằng, HLV nào cũng đều mong muốn thành tích, nhưng để có được thành tích thì phải xây dựng. Ông Troussier không đập đi cái gì của giai đoạn cũ. Khi triệu tập đội hình cho Asian Cup, vẫn có rất nhiều tên tuổi từ thời cũ, nhưng cũng rất không may khi số lượng cầu thủ phải rời trại tập (không đi Qatar) vì chấn thương đã lập đủ một đội hình.
Những di sản của HLV Park Hang Seo được tất cả chúng ta trân trọng. Nhưng, cần thẳng thắn với nhau, rằng: Thời của ông Park Hang Seo không thể lặp lại!
Vì sao HLV Park ra đi? Vì ông thấy chu kỳ của ông với những cầu thủ của mình đã kết thúc. Trong 5 năm đó, chúng ta đã có những thời khắc rất đỗi sung sướng, tự hào, tuy nhiên tuyển Việt Nam vẫn chưa đứng đầu Đông Nam Á một cách bền vững. Thái Lan vẫn là số một.
Di sản của ông Park Hang Seo để lại cho ông Troussier là một áp lực rất lớn, là sự so sánh với quá khứ, song phải nhìn thẳng là, ngay cả trong thời kỳ vàng son thì ĐT Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề chưa thể giải quyết.
Rất nhiều người coi HLV Park như một "thầy phù thủy", đi đến đâu chiến thắng đến đó. Không phủ nhận tài năng của ông Park, song bên cạnh đó, ông còn có may mắn khi kế thừa một đội ngũ tốt, một lứa cầu thủ tuyệt vời.
Giai đoạn cuối của HLV Park Hang Seo, chúng ta không giành được chiến thắng nào, cụ thể ở AFF Cup, khi thua Thái Lan, đó là một giai đoạn đi xuống, những cầu thủ công thần đã "no nê chiến thắng" và đã bị vắt kiệt sức, không thể trở lại đỉnh cao, người chấn thương vật vã bình phục, người sa sút và đánh mất mình. Họ là những con người thuộc thế hệ vàng của giai đoạn đó và thành công nữa với họ rất khó lặp lại.
Đó là một thực tế mà nhiều người, khi nói rằng ông Troussier xóa bỏ quá khứ, loại bỏ công thần đã bỏ qua, không chịu nhìn nhận. Ông Park đã ra đi khi nhận thấy 5 năm là quá đủ và khó có thể thành công nữa với những cầu thủ ông đã sử dụng.
Chúng ta tri ân ông Park Hang Seo vì 5 năm tuyệt vời đã qua nhưng cũng phải thấy rằng, sau thời kỳ đó có nhiều vấn đề để lại cần được giải quyết. Người hâm mộ cần có cái nhìn thực sự công tâm và khách quan. Việc mà ông Troussier đang làm là không thể khác: Phải trẻ hóa, phải tìm ra được những gương mặt mới trong thế hệ trẻ. Bóng đá là sự tiếp nối của các thế hệ, chứ không phải là sự kéo dài của một cái gì đó đã cũ kĩ và khó có thể tiếp tục.
Nhìn ra thế giới, bất cứ một đội tuyển lớn nào, từ Brazil đến Argentina, đến các câu lạc bộ lớn, khi trải qua quá trình chuyển giao thế hệ đều phải vật vã về mặt thành tích. Đến cả một đội tuyển có quá khứ lớn như Đức thì bây giờ họ cũng rất khó khăn.
Bởi vậy, chúng ta cần phải kiên nhẫn.
Vì sao chúng ta lại quay ngoắt 180 độ như vậy? Vừa khen ông Troussier lên mây khi ghi tuyển Việt Nam được 2 bàn vào lưới đội tuyển Nhật Bản thì sau khi thua Indonesia đã chỉ trích ông ấy thậm tệ.
Tất nhiên ở trận với Indonesia, ông Troussier cũng có một số quyết định mà bản thân tôi cho là "khó hiểu". Chẳng hạn, chúng ta cần một chiến binh trong hiệp 2 để xốc lại toàn bộ hàng tiền vệ, nhưng ông lại không đưa Hùng Dũng vào sân mà dùng Thành Long. Trong cả 2 trận đấu, ông Troussier đều dùng Thành Long ở hiệp 2 và Thành Long đã không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn bị thẻ đỏ dẫn đến việc mất người, thiếu người vào cuối trận với Indonesia.
Dù có những câu hỏi đặt ra về việc ông Troussier dùng người trong một trận đấu cụ thể như vậy, nhưng tôi vẫn mong, người hâm mộ đừng vì những vinh quang đã có dưới thời ông Park Hang Seo mà phủ nhận tất cả nỗ lực mà ông Troussier đang làm.
Nếu sau một thất bại mà cứ đòi sa thải thì lấy đâu ra huấn luyện viên. Hãy nhìn trường hợp ông Shin Tae Yong (HLV Indonesia), để có được chiến thắng trước Việt Nam, ông đã phải mất 4 năm. Áp lực của người hâm mộ Indonesia với ông Shin Tae Yong là rất lớn. Họ từng thua chúng ta liên tục và tụt xuống thứ 150 trên thế giới, họ cũng đã có thời gian loay hoay để đổi mới và lột xác.
Có mấy sự thật mà chúng ta phải hiểu:
Một là, lứa cầu thủ bây giờ đã không còn được như trước nữa.
Hai là, quá trình chuyển giao thế hệ không thể nhanh. Trong quãng thời gian đó không thể đòi hỏi thành công ngay. Những giá trị quá khứ chỉ nên để ta nhìn lại nhằm tham khảo với thái độ tự hào mà thôi.
Ba là, đừng tạo những áp lực một cách quá đáng khi so sánh với thời kỳ cũ bởi mỗi một thời kỳ đều có tính chất riêng, các HLV có triết lý khác nhau, có tư duy khác nhau và có những con người khác nhau, phù hợp với từng thời kỳ đó.
Quan điểm của tôi là cần phải khách quan. Tôi tôn trọng ông Troussier vì những gì ông ấy làm. Tôi ủng hộ con đường của ông ấy đi và sẽ kiên nhẫn.
Rất nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao ông Troussier không đặt ra một lối chơi phù hợp với người Việt Nam? Cụ thể dưới thời của ông Park áp dụng lối chơi phòng ngự phản công nhưng ít người để ý rằng, giai đoạn sau này ông Park cũng muốn thay đổi, muốn chúng ta chơi cầm bóng nhiều hơn nhưng chưa thể thực hiện rốt ráo. Trên góc độ chuyên môn tôi hiểu được tư tưởng, triết lý, cách làm của ông Troussier. Cái khó đặt ra cho ông Troussier là kết hợp được lứa cầu thủ kinh nghiệm và lứa cầu thủ trẻ với nhau.
Một điều đáng tiếc, ở Asian Cup lần này, những cầu thủ nổi bật dưới thời ông Park, 10 người lần lượt phải rời trại tập trung của đội tuyển. Nếu họ có mặt, có thể thành tích của chúng ta sẽ khác và người hâm mộ cũng sẽ biết được ông Troussier sử dụng họ như thế nào.
Tôi không đồng ý với bầu Đức khi cho rằng ông Troussier phủi sạch quá khứ. Nói như vậy là chỉ trích cá nhân. Cần thấy một thực tế, chúng ta chưa bao giờ xảy ra một cuộc khủng hoảng nào về mặt nhân sự trước một giải đấu lớn như vậy và đó là điều hoàn toàn khách quan.
Hành trình Asian Cup đã khép lại, chúng ta vẫn còn chặng đường quan trọng khác, đó là vòng loại thứ 2 của World Cup. Trong tháng 3 chúng ta gặp Indonesia 2 lần. Họ đã đánh bại chúng ta và đã bắt bài được chúng ta trong trận vừa rồi nên bây giờ họ rất tự tin. Nếu như tới đây không thể vượt qua được Indonesia trong 2 trận đấu - đối thủ có thể coi là xứng tầm nhất trong vòng loại thứ 2 - thì số người ủng hộ ông Troussier sẽ tụt xuống rất nhiều.
Có thể nói tình huống hiện tại đối với ông Troussier đang rất "nguy hiểm"! Tôi vẫn mong VFF sẽ kiên nhẫn và ủng hộ ông. Tất nhiên tôi phải nhấn mạnh, ở đây không phải là sự "ủng hộ tuyệt đối", ủng hộ một cách "mù quáng".
Nói cho cùng, bóng đá là thành tích. Trong một năm qua, người hâm mộ đã dần mất kiên nhẫn nhưng tôi vẫn hi vọng rằng ông Troussier đủ chuyên môn và bản lĩnh để biết mình cần phải làm gì tiếp theo.
Những thất bại vừa qua, xét ở một góc độ nào đó cũng là điều tốt. Cái đích lớn nhất của chúng ta trong năm 2024 này là vượt qua được vòng loại thứ 2 của World Cup và sau đó là vòng chung kết U23 châu Á. Trong đó, VCK U23 châu Á là cơ hội để những cầu thủ trẻ của ông Troussier thể hiện được mình.
Mong rằng các cầu thủ sẽ nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa. Bóng đá là một môn thể thao tập thể, rất cần sự kết nối, phối hợp. Các cầu thủ công thần dù không được sử dụng thời gian vừa qua vì lý do kỹ thuật nào đó như Duy Mạnh, Hùng Dũng cần thể hiện mình là những người có sức mạnh kết nối toàn bộ đội bóng, thúc đẩy tinh thần của những cầu thủ trẻ. Đây là lúc mà các cầu thủ cho thấy kinh nghiệm và sự trưởng thành của họ. Bởi đã có nhiều tấm gương, dù không ra sân nhưng vẫn là những thủ lĩnh trong phòng thay đồ.
Mong các cầu thủ hãy chiến đấu vì màu cờ sắc áo, bất kể gặp vấn đề gì đi chăng nữa.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!