Dẹp nạn cướp giật trên đường phố
"Thành phố bị mang tiếng rất nhiều về nạn cướp giật. Có gia đình nghèo khó phải đi vay mượn tiền để chữa bệnh thì bị móc túi sạch, khổ càng thêm khổ. Cần cương quyết triệt phá, xử lý nghiêm các loại tội phạm này, không thể chấp nhận nạn cướp giật ngang nhiên giữa ban ngày".
Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị lần thứ 19 của Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI vào ngày 30/11 vừa qua.
Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Nên đề cập nhiều vấn đề, trong đó ông kêu gọi cả hệ thống chính trị và người dân quyết tâm kéo giảm các loại tội phạm.
Tình trạng cướp giật ở TPHCM không phải bây giờ mới xảy ra. Đây là thực tế lâu nay. Những năm qua thành phố đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự, trong đó có phòng chống cướp giật. Lực lượng chức năng thành phố đã triệt phá hàng loạt băng nhóm và các đối tượng cộm cán; thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vụ việc an ninh trật tự trên đường phố, không để phát sinh "điểm nóng".
Mặc dù tội phạm cướp giật ở TPHCM đã được kiềm chế, kéo giảm so với trước, tuy nhiên như Bí thư Thành ủy phát biểu ở trên thì thành phố cần tiếp tục có những biện pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa để không còn "mang tiếng" về tình trạng này.
Cá nhân tôi từ mấy năm trước đã từng phát biểu và đặt vấn đề về vấn nạn cướp giật ở TPHCM trên diễn đàn Quốc hội. TPHCM là nơi đông dân cư nhất nước, một trong những địa bàn mà các loại tội phạm từ địa phương khác đến ẩn náu và hoạt động. Do vậy tình hình an ninh trật tự có những điểm phức tạp, song không vì thế mà chúng ta chấp nhận nạn cướp giật ngang nhiên giữa ban ngày.
Tôi đã nhiều lần nghe người quen kể về hiện tượng tội phạm chạy xe máy cướp giật dây chuyền, túi xách, điện thoại, thậm chí xông lên vỉa hè cướp giật của người đi bộ… Rõ ràng vì cuộc sống bình yên của người dân, vì sự yên tâm của du khách và để xây dựng thành phố trở thành nơi đáng sống thì cần phải thực hiện bằng được chỉ đạo của Bí thư Thành ủy.
Trước hết, tôi cho rằng thành phố cần tiếp tục mạnh tay trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm cướp giật, nhất là ở các khu trung tâm và địa bàn giáp ranh, sao cho các đối tượng tội phạm không bao giờ dám manh động; hay nói cách khác là chúng phải hiểu rằng nếu có hành vi cướp giật trên đường phố thì hoặc là bị ngăn chặn sớm hoặc sẽ bị bắt và xử lý theo quy định pháp luật ngay sau đó. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong việc triển khai biện pháp nghiệp vụ; tăng cường các hoạt động tuần tra, quán xuyến địa bàn; tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên đề, đấu tranh chuyên sâu với loại tội phạm cướp giật…
Tiếp theo, đặc điểm của tội phạm cướp giật là diễn ra trên đường phố và có sử dụng phương tiện giao thông, vì vậy thành phố cần tiếp tục mở rộng hệ thống camera an ninh trật tự, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sự tham gia tương tác của người dân trong quản lý trật tự đô thị, trong nhận diện tội phạm…
Cũng từ đặc điểm trên, về phía người dân cũng cần cảnh giác để không trở thành nạn nhân của các loại tội phạm trên đường phố; khi ra đường chú ý cất giữ tài sản cẩn thận, chỉ sử dụng điện thoại khi cần thiết và quan sát cẩn thận…
Ở TPHCM đã có nhiều "hiệp sĩ đường phố" tham gia bắt cướp trong những năm qua. Cá nhân tôi cho rằng đây là mô hình có tác dụng tích cực trong việc góp phần giữ gìn an ninh trật tự, cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tất nhiên trong hoàn cảnh cụ thể thì phải tùy theo khả năng và diễn biến để tránh gặp nguy hiểm.
Khi người dân đoàn kết, không coi chuyện bị cướp giật là chuyện của người khác mà tùy theo khả năng của mình để giúp đỡ người gặp nạn, để ngăn chặn, truy bắt tội phạm thì chắc chắn rằng cướp giật sẽ không còn "đất sống" ở thành phố. Bởi vì lúc đó không chỉ có các cơ quan chức năng mà toàn thành phố đã "tuyên chiến" với cướp giật.
Về lâu dài, giải pháp căn cơ là phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh niên, qua đó góp phần chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, nhất là các địa bàn trọng điểm về hình sự.
Dẹp hẳn nạn cướp giật ở TPHCM, để thành phố không còn mang tiếng xấu này là việc khó, nhưng đã đến lúc cần làm dứt khoát.
Tác giả: Ông Phạm Văn Hòa xuất thân từ ngành công an; từng là Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Đồng Tháp; hiện ông là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp; đại biểu Quốc hội khóa XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!