Bắt cướp
Mới đây, lãnh đạo Bộ Công an đã có thư khen Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Đại học An ninh nhân dân - người đã có hành động dũng cảm khống chế, bắt giữ đối tượng cướp giật tài sản.
Theo đó, chiều 17/4, Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm đang đi trên đường, nghe tiếng tri hô và phát hiện đối tượng tình nghi, anh đã điều khiển ô tô của mình chặn đường khiến tên cướp ngã xuống. Khi đối tượng bỏ chạy, Trung tá Lâm đuổi theo, vật tên cướp xuống đường, cùng người dân khống chế, bắt giữ thành công.
"Khi chặn đường, tôi phải cố giữ làm sao cho xe va chạm nhẹ, tránh rủi ro, nguy hiểm sau tai nạn", Trung tá Lâm cho biết. Quá trình bắt cướp, anh đã bị thương, trầy xước tay và đầu gối, phải uống thuốc phơi nhiễm HIV do tên cướp bị mắc căn bệnh thế kỷ.
Hành động của Trung tá Lê Hoàng Việt Lâm rất dũng cảm và đáng khen ngợi. Sự việc diễn biến mau lẹ, và anh Lâm với nghiệp vụ của mình đã kịp tính toán để xe va chạm vừa đủ, sử dụng võ thuật cùng với người dân bắt cướp.
Những năm qua đã có nhiều vụ truy bắt cướp trên đường phố, nhiều vụ khống chế kẻ cướp thành công nhưng không ít vụ để lại hậu quả đáng tiếc, do không phải người dân nào cũng được trang bị nghiệp vụ cần thiết. Đơn cử ở TPHCM trong tuần qua đã xảy ra hai vụ tai nạn chết người, trong đó nạn nhân là một nam thanh niên và một nữ sinh viên nghi không may gặp nạn trên đường truy đuổi cướp.
Cướp giật là nỗi ám ảnh của người đi đường. Nếu không cẩn trọng, chỉ một tích tắc thôi, họ có thể trở thành nạn nhân của tội phạm manh động và liều lĩnh. Nhẹ thì mất của, nặng thì bị kéo ngã xuống đường, bị thương do chống trả hay truy đuổi cướp nhằm lấy lại tài sản. Vậy trong tình huống gặp cướp hay nhìn thấy cướp trên đường thì chúng ta nên ứng xử thế nào?
Theo quy định hiện hành về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, ngoài trách nhiệm của công an, tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan khác thì "mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm". Nhưng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình như thế nào trước loại tội phạm liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống trả để thoát thân?
Đấu tranh chống lại cái xấu là điều cần thiết, song đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và người đi đường phải được đặt lên hàng đầu.
Tại TPHCM có các nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp, mặc dù giữ thế chủ động trong việc chống tội phạm, song bên cạnh các vụ bắt cướp thành công, những lần thất bại, gặp tai nạn của họ không phải hiếm gặp. Với người dân bình thường, khả năng thất bại và gặp tai nạn chắc chắn cao hơn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên báo chí vào năm 2018, Trung tá Mai Thống Nhất, thời điểm đó là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM) khẳng định truy bắt cướp là nhiệm vụ của công an - lực lượng được trang bị đầy đủ nghiệp vụ, phương tiện, công cụ hỗ trợ. Việc người dân truy đuổi theo cướp giật đường phố rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng bản thân mà còn cả những người đi đường và chỉ nên thực hiện nếu người đó có sức khỏe tốt, có võ thuật…
Lời khuyên của ông Mai Thống Nhất hiện vẫn nguyên tính thời sự. Mỗi người dân khi ra đường phải cẩn thận trong việc bảo vệ tài sản, tránh để bản thân thành "con mồi" của kẻ cướp. Khi tình huống xấu xảy ra, nếu kẻ cướp manh động và sử dụng hung khí, thay vì truy đuổi và đặt mình vào tình thế nguy hiểm, người dân nên tỉnh táo nhận định tình hình, cố gắng ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của đối tượng, phương tiện, công cụ gây án... để cung cấp cho lực lượng công an nhanh chóng điều tra, truy bắt.