Dạy thêm: Nhu cầu của ai?
2 năm trước, con tôi thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội. Vì đặt ra mục tiêu cao, tôi cho con đi học thêm, đủ cả 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Dạy Toán cho con là cô giáo chủ nhiệm. Cô dạy "1 kèm 1", hai buổi/tuần, học phí mỗi buổi là 200.000 đồng. Một phụ huynh nhà gần trường cho cô mượn địa điểm để dạy các học sinh khác trong lớp có nhu cầu. Con tôi cũng học tại đây.
Dù nhờ cô kèm con 2 buổi/tuần, nhưng thực tế con tôi học 3-4 buổi/tuần. Cứ hôm nào có lịch dạy thêm của cô ở nhà bạn là con tôi qua học. Đến lúc đóng học phí, tôi gửi cô số tiền dựa trên số buổi học thực tế nhưng cô trả lại. Cô bảo cô chỉ thu 2 buổi, còn lại cô cho con.
Đưa qua đẩy lại, cô nói một câu khiến tôi biết ơn vô cùng: "Em có ba đứa con. Chị chỉ lấy như vậy. Còn con thích học bao nhiêu buổi cô dạy bấy nhiêu". Mỗi lần nhớ lại lời cô nói, tôi vẫn ứa nước mắt vì sự đồng cảm của một người giáo viên với nỗi vất vả khó khăn của những phụ huynh nuôi con học hành nơi phố thị.
Trong quá trình nuôi dạy con, tôi đã gặp nhiều thầy cô dạy thêm bằng trách nhiệm và tâm huyết của người làm giáo dục. Đợt cách ly xã hội vì Covid-19, cô giáo tiếng Anh thời tiểu học của con tôi gọi điện hỏi thăm và gửi rất nhiều tài liệu học tập tiếng Anh bổ ích, hấp dẫn qua email để con có phương tiện giải trí lành mạnh trong những ngày tháng không được đến trường.
4 năm trước đó, tôi cũng từng nhờ cô kèm tiếng Anh cho con sau mỗi buổi học vì con không theo kịp kiến thức trên lớp do chuyển trường. Việc cô dạy thêm cho con tôi trước hết là nhu cầu của tôi.
Thông tư 17 ra đời từ năm 2012 cấm dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học và học sinh học 2 buổi/ngày ở trường, cấm giáo viên trường công tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và không được dạy thêm học sinh của mình ở lớp chính khóa nếu chưa có sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường. Nhưng 12 năm qua, học thêm không những giảm mà còn tăng, theo cả hai chiều hướng chính đáng và không chính đáng.
Nhưng dường như, cách mà phần đông xã hội nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn tập trung vào khía cạnh không chính đáng. Bất chấp việc một bộ phận không hề nhỏ các bậc cha mẹ đang phải cho con đi học thêm ngày đêm để đáp ứng các kỳ thi, từ thi vào lớp 1, thi vào lớp 6, thi vào lớp 10, thi vào trường chuyên và thi tốt nghiệp THPT.
Bất chấp cả việc, hàng ngàn học sinh nếu không đi học thêm thì không thể nắm bắt được kiến thức sách giáo khoa, đạt các phẩm chất, năng lực tối thiểu theo yêu cầu. Mà một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là sự quá tải sĩ số học sinh tại các vùng đô thị. Giáo viên dù có chuyên môn cao đến đâu cũng khó mà tạo ra được sự đồng đều trong một lớp học có đến 60-65 học sinh/lớp.
Tất nhiên, phụ huynh có thể lựa chọn các trung tâm gia sư để cho con học thêm. Nhưng xét ở nhiều góc độ bao gồm chi phí, tính chuyên môn, sự thuận tiện trong việc đưa đón, sự gần gũi và thấu hiểu lẫn nhau, nhiều gia đình vẫn muốn con cái học chính giáo viên phụ trách ở trường.
Điều này dẫn tới việc, các giáo viên dạy học sinh theo nhu cầu của phụ huynh nhưng lại vi phạm các quy định của nhà nước. Một việc làm chính đáng nhưng không được nhìn nhận là đàng hoàng.
Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đã thay đổi một số quy định trong Thông tư 17, trả lại sự đàng hoàng trong hoạt động dạy thêm chính đáng của các giáo viên.
Dự thảo cho phép giáo viên được dạy thêm và được dạy học sinh của mình khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu. Đi kèm với đó các chế tài quản lý, giám sát nhiều cấp từ nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo để đảm bảo rằng việc dạy thêm, học thêm thực sự xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, phụ huynh thay vì "tự nguyện một cách ép buộc".
Dự thảo Thông tư mới cũng đưa ra các quy định chi tiết nhằm hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực trong dạy thêm học thêm, như giáo viên không được sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Điều này thể hiện rõ quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như lời Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành nói với báo chí: "Chúng tôi hướng đến cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học".
Tuy nhiên, để việc dạy thêm học thêm không trở thành gánh nặng của các gia đình hiện nay thì việc quy định lại chuyện dạy thêm, học thêm chưa đủ. Ngành giáo dục còn phải thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử nữa.
Chừng nào hệ thống thi cử còn tình trạng học sinh tiểu học không học thêm không thể đỗ được vào các trường THCS chất lượng cao, học sinh THCS không học thêm không thể đỗ được vào trường chuyên hay thậm chí chỉ là lớp 10 công lập, chừng đó dạy thêm học thêm còn tràn lan và phổ biến dưới mọi hình thức.
Và tất nhiên, dạy thêm học thêm sẽ còn phổ biến với tất cả học sinh học chính khóa 2 buổi/ngày - đối tượng mà Thông tư cũ lẫn dự thảo Thông tư mới đều cấm dạy thêm, học thêm.
Tác giả: Hoàng Hồng tốt nghiệp Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chị gắn bó với nghề báo hơn 15 năm, chuyên thực hiện các đề tài xã hội, văn hóa, giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!