"Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất"
Trên đây là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đứng đầu Đảng đã nhiều lần nhắc nhở điều này và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên hãy giữ Liêm sỉ và Danh dự - hãy khắc cốt ghi tâm lời thề trước Đảng để giữ danh thơm tiếng tốt cho Đảng. Kỷ niệm thành lập Đảng là dịp để mỗi cán bộ đảng viên nhìn lại những lời mình nói, những việc mình làm để từ đó, biết cách tự soi, tự sửa, giữ gìn danh dự cho mình và cho Đảng.
Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:"Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
Với đội ngũ cán bộ, đảng viên, danh dự, uy tín không thể đo đếm hay mua bằng tiền, vàng hoặc vật chất. Danh dự cũng không bỗng dưng có được, mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đau đáu suốt nhiều năm qua về việc tu dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bởi, bên cạnh đại đa số cán bộ đảng viên suốt đời trung thành với lý tưởng, biết giữ lời thề với Đảng, biết bảo vệ thanh danh cho mình và cho Đảng, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã tự đánh mất phẩm giá thiên lương, làm hoen ố danh dự của người cộng sản. Họ đã không kiên tâm, bền chí nuôi dưỡng, bồi đắp và bảo toàn danh dự hai tiếng "Đảng viên".
Biết giữ lời thề của đảng viên là biết giữ lương tâm, danh dự, phẩm chất, giá trị, uy tín của người cộng sản. Mang theo lời thề thiêng liêng ấy, hơn 9 thập kỷ đồng hành cùng dân tộc, hàng trăm nghìn cán bộ đảng viên đã chiến đấu và anh dũng hy sinh thân mình vì nước, vì dân. Bởi hơn ai hết, họ biết đã là người cộng sản thì "danh dự của riêng thân", cũng "là của chung đồng chí". Nên "phải giữ gìn tỉ mỉ, như tròng mắt con ngươi…"( Thơ Tố Hữu).
Các nhiệm kỳ gần đây và từ sau Đại hội XIII của Đảng, trong nhiều phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên về tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Vì khi sa vào chủ nghĩa cá nhân, cán bộ, đảng viên sẽ dễ phai nhạt lý tưởng, sinh tham lam, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Danh dự làm nên phẩm hạnh, làm nên thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội. Với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thì chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn và danh dự là điều cao quý, thiêng liêng. Bác Hồ vẫn thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết thế nào là "Hạnh dục phương" (đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng). Đảng viên phải tránh xa thói "lười biếng, gian giảo, tham ô". Phải biết sống "ngay thẳng, không có việc gì giấu Đảng", "không tham địa vị, tiền tài"...Có như vậy, mới xứng đáng là người lãnh đạo, mới đủ tư cách thay mặt Đảng mà gánh vác công việc quốc gia.
Đáng tiếc, thực tiễn những năm qua cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên vì sự cám dỗ của "mồi phú quý, bả vinh hoa" mà tự đánh mất mình. Với những đảng viên bị kỷ luật trong thời gian gần đây, trong đó có cả những cán bộ cao cấp, họ có thừa cơ mưu để chiếm đoạt tiền bạc, công sản của nhà nước làm của riêng, nhưng lại thiếu một phẩm chất căn bản là giữ Liêm - Sỉ, khi tự nhận mình là "công bộc của dân". Mặc dù, ai cũng hiểu rằng, muốn làm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, trước hết phải là một người chân chính, biết trọng Liêm Sỉ, Danh dự.
Chính lòng tham, sự suy thoái đạo đức chứ không phải là gì khác, đã hủy hoại toàn bộ sự nghiệp, danh dự, lý tưởng của hàng trăm cán bộ từ trung ương đến địa phương, nhất là những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó, đáng chú ý là từ nhiệm kỳ XII đến nay, đã có nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, cách chức, từ chức, có người còn phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật, vì đã bất chấp pháp luật và đạo lý, trục lợi, kiếm chác trên sự thống khổ, mất mát của người dân. Chính họ đã tự đánh mất danh dự cá nhân, làm hoen ố uy tín của tổ chức Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân vào chế độ.
Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ "là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục".
Lịch sử đã chứng minh người giữ Liêm thì sẽ không tham, biết giữ mình trong sạch; không lợi dụng địa vị để dĩ công vi tư, nhũng nhiễu nhân dân; không dám làm trái quốc pháp và đạo lý luân thường.
Người biết Sỉ sẽ cảm thấy xấu hổ, gặp chuyện không hợp đạo lý, trái lương tâm thì tuyệt đối không làm; biết thẹn khi không đủ tài, đức mà dám cầm trọng trách; Càng xấu hổ vì mình đã phản bội lại lý tưởng, "nói một đàng làm một nẻo".
Không Liêm thì của gì cũng dám lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến thế, không chỉ "thân bại danh liệt" mà thử hỏi, có tai họa nào không tìm đến? Cán bộ lãnh đạo tốt là người phải biết cách để đạo đức được lan tỏa, nhân lên, quốc pháp được tuân thủ. Ngược lại, thấy cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng dùng mọi thủ đoạn để làm, thì bị xã hội lên án, bị Đảng kỷ luật, pháp luật trừng trị là lẽ đương nhiên!
Không ai dám chắc cả cuộc đời không có khuyết điểm, thậm chí là sai lầm. Điều quan trọng là ứng xử thế nào để vừa giữ tròn danh dự cá nhân mà không hại đến sự nghiệp chung của Đảng. Khi thấy mình năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì thực hiện văn hóa từ chức là hành động cần thiết và Đảng cũng đã có quy định cụ thể về việc này.
Người xưa từng nói, lấy gương để soi mình thì có thể sửa được đầu tóc, trang phục nhưng lấy lịch sử để soi mình, có thể học được những bài học lớn cho sự phát triển. Cái mới nhiều khi chính là cái đúng đã bị che khuất hoặc lãng quên trong quá khứ được khôi phục và tái xuất hiện trong hoàn cảnh mới.
Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng 3/2 là một ngày vui, cũng là ngày lắng đọng để mỗi cán bộ, đảng viên tĩnh tâm suy nghĩ về bản thân và tổ chức của mình. Để rồi mỗi người phải khắc cốt ghi tâm rằng, một khi đã đánh mất nhân phẩm và danh dự là đánh mất đi giá trị làm người. Giữ gìn phẩm giá, danh dự, uy tín của người đảng viên không chỉ là giữ cho mình mà còn là cách để giữ gìn và bảo vệ danh thơm, tiếng tốt cho Đảng tốt nhất.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!