"Danh" không chỉ là tiếng, mà còn là lợi!

Bích Diệp

(Dân trí) - Xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh, minh bạch cũng có nghĩa là cần bớt đi những câu chuyện dở khóc dở cười về "mượn danh", "mạo danh" như vậy.

Danh không chỉ là tiếng, mà còn là lợi! - 1

Trong thư của mình gửi tới các sở, ngành và tổ chức cơ sở, các ban cán sự Đảng, đoàn, huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông phản ánh: Thời gian gần đây xuất hiện một số cá nhân tự xưng là có mối quan hệ quen biết với ông và người thân ông để thực hiện mục đích cá nhân, không trong sáng.

"Các đối tượng "ra oai", "chém gió", "xin xỏ"… khi giao tiếp, làm việc với một số cơ quan, tổ chức và cá nhân với thái độ không chuẩn mực; động cơ, mục đích không trong sáng, đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người thân và cá nhân Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông", ông Danh cho hay.

Ông Danh không chỉ mặt đặt tên "một số cá nhân" này là ai, có động cơ cụ thể gì không trong sáng… nhưng chuyện "cáo mượn oai hùm" như trên chắc chắn xảy ra không ít, thậm chí là rất phổ biến trong xã hội. Theo đó, chẳng riêng mỗi ông Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông mà nhiều vị chức sắc cũng đau đầu về vấn nạn "mượn danh" này.

Phổ biến nhất là chiêu trò mượn danh có quen biết với lãnh đạo để… tránh nộp phạt vi phạm giao thông, hay khoe khoang về sự quen biết với những lãnh đạo cấp cao để dễ bề lo lót dự án, "chạy" thủ tục.

Người viết từng gặp một số trường hợp vốn dĩ chẳng có tài cán, danh tiếng gì, không ai biết là ai nhưng cứ mỗi lần đi dự sự kiện nào đó lại cố chen chân chụp ảnh cùng, ghé chung khung ảnh với những vị có chức sắc; sau đó khoe khoang khắp nơi để ra oai, ba hoa về địa vị xã hội cũng như mối quan hệ thân tình của bản thân với những vị lãnh đạo đó.

Cái sự "ra oai" đó cũng chẳng có vấn đề gì đáng kể nếu đơn thuần để "khoe", nhưng nếu sử dụng quan hệ "ảo" đó để tiến thân hay làm những điều khuất tất, vi phạm pháp luật thì rất nguy hiểm cho xã hội, cũng làm mất thể diện của những cán bộ "bị lợi dụng chức vụ".

Tóm lại, cái "danh" ở đây không chỉ còn là "tiếng" mà là "miếng", là lợi ích, là tiền bạc.

Từng có nhiều vụ lừa đảo rùm beng thời gian qua liên quan đến nạn "mượn" và "mạo danh" này. Có những đối tượng mượn danh quan hệ với lãnh đạo, người nhà lãnh đạo huy động vốn, trốn nợ… khiến bao gia đình tan cửa nát nhà vì cả tin.

Lại có kẻ cả gan hơn là mạo danh cán bộ để can thiệp vào hoạt động của cơ quan công quyền, truyền "lệnh giả" nhằm chạy việc, chạy án, sửa hồ sơ…

Trở lại với nội dung mà ông Lê Thanh Danh nêu, ông đề nghị các cá nhân, tổ chức Đảng, cơ quan, ban ngành địa phương luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không đón tiếp, thực hiện các nội dung yêu cầu của một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa Bí thư và người nhà Bí thư trong thực thi công vụ và mối quan hệ xã hội.

Người viết tin rằng, khi cơ quan công an vào cuộc thì những kẻ lừa đảo cũng sẽ phải bị trả giá trước pháp luật. Còn những đối tượng "thùng rỗng kêu to", mượn oai thăng tiến cũng sẽ chẳng vẻ vang gì.

Vấn đề đáng báo động ở đây là vì sao nạn "mượn danh", "mạo danh" vẫn xảy ra và kéo dài cho đến tận ngày nay? Bởi, đâu đó ở một số địa phương, đơn vị, cơ quan công quyền còn lạm dụng "khẩu lệnh", những chỉ đạo "bất thành văn" và chính điều này tạo nên rủi ro cho cả cấp trên lẫn cấp thừa hành.

Xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh, minh bạch cũng có nghĩa là cần bớt đi những câu chuyện dở khóc dở cười về "mượn danh", "mạo danh" như vậy.

Đầu năm mới, người viết bài này mong sao mỗi một người trong chúng ta hãy cứ sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật một cách hiên ngang, đàng hoàng, như chính "chúng ta là" với những gì "chúng ta có".