Dân trí - hành trình vững bước 20 năm
Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XXI, báo Dân trí nay đã vươn mình trở thành một trong những tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam, thu hút hàng chục triệu lượt độc giả mỗi ngày, cả ở trong và ngoài nước. Với sự tự chủ tài chính, trụ sở khang trang, đội ngũ chuyên nghiệp và hệ thống thiết bị hiện đại, Dân trí đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng và tự hào của chặng đường phát triển 20 năm qua.
Vị “thuyền trưởng” Phạm Huy Hoàn
Nói đến sự ra đời của Dân trí, phải ngược về mốc hơn 20 năm trước. Đầu những năm 2000, trong một cuộc họp của Ban chấp hành Hội khuyến học Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 3 tổ chức ở Nhà khách Công đoàn, đường Yết Kiêu (Hà Nội), ông Phạm Huy Hoàn xuất hiện.
Ông Đoàn Duy Thành - nguyên Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - là người đã giới thiệu ông Hoàn về làm Tổng Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam. Thời gian đó, ông Hoàn đang bàn giao công việc bên báo Lao động, nơi mà ông đã rất thành công với Quỹ “Tấm lòng vàng” nổi tiếng.

Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt họp Hội đồng sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015 (Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, để Quỹ phát triển, cần có một tờ báo mạnh làm nền tảng. Tôi đề xuất nên mời ông Hoàn về dẫn dắt tờ báo trước, với niềm tin rằng một tờ báo phát triển sẽ là bệ phóng cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Tôi đặt nguyện vọng đó với ông Đoàn Duy Thành và sau đó là với cụ Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, lúc đó là Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam) trong một chuyến công tác, song, thú thực tôi nghĩ, để mời được ông Phạm Huy Hoàn về lãnh đạo báo Khuyến học (tiền thân của Dân trí ngày nay) có lẽ sẽ không dễ dàng.
Bởi lẽ, với báo giấy ngày ấy, Lao động - tờ báo mà ông Hoàn làm Tổng biên tập - thuộc vào “top” đầu của làng báo Việt Nam. Dưới thời ông Hoàn, báo Lao động hàng ngày in tới mấy chục trang, có nhiều chuyên mục hấp dẫn công chúng, nhất là mục phóng sự, phóng sự điều tra. Nhìn tập quảng cáo in màu mỗi ngày, công phu... đủ thấy được tầm vóc và phong cách điều hành chuyên nghiệp, tài năng của người Tổng biên tập.
Để từ bỏ một nơi bề thế như vậy và lao vào chèo chống một tòa soạn non trẻ, mỗi tuần ra một số báo 12 trang, không có nổi nửa trang bìa 4 quảng cáo, quả thực không phải quyết định dễ dàng. Tôi còn nhớ, tờ báo Khuyến học hồi đó còn không có nổi một cái máy tính để dàn trang, mà họa sĩ thiết kế vẫn phải kẻ ô đếm chữ, đến ngày chữa bản in, thầy trò kéo nhau lên tận nhà in Tiến bộ để soi từ bông 1 đến bông 3!
Ấy vậy mà, chuyện ông Hoàn về với Khuyến học đã thành sự thật!
Ông Hoàn về báo, tôi đưa ông đến thăm tòa soạn ở một con ngõ nhỏ cuối đường Lạc Trung gần sát đê sông Hồng. Ngày ấy ở đây heo hút lắm. Tôi vẫn lẩm nhẩm câu “Bần cư trung thị vô nhân vấn, Phú tại thâm sơn hữu khách tầm - tạm dịch: Kẻ nghèo ở giữa chợ không ai hỏi han, người giàu ở chốn sơn cùng thủy tận vẫn có khách tìm đến”, nhưng mình đã không “phú” mà lại ở “sơn lâm” thì chắc ai đến? Không rõ ông Hoàn có nghĩ vậy hay không mà tuần sau đó, ông tuyên bố chuyển tòa soạn về đặt ngay tại một căn nhà ở mặt phố Bạch Mai (Hà Nội) và cũng chỉ trong tháng ấy, anh em chúng tôi có trụ sở mới khang trang hơn, có phòng họp, phòng biên tập… Tất cả đều tiền túi của ông.
Chưa được bao lâu, sự phát triển của báo đặt ra yêu cầu có không gian mới, ông Hoàn một lần nữa cho chuyển về ngôi nhà mới xây ở một vị trí thuận lợi hơn để làm trụ sở tòa soạn, sau đó phải thuê tiếp 2, 3 nhà kế cận mới đủ chỗ.
Dám làm lớn ngay từ đầu
Ngay từ những năm đầu tiên khi về quản lý, báo chỉ ra một tuần một kỳ, ông Phạm Huy Hoàn đã đứng ra bắt tay cùng các cơ quan lớn như VNPT và Đài truyền hình Việt Nam (VTV) để ký văn bản tổ chức cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Cuộc họp báo và lễ ký kết diễn ra năm 2004 tại khách sạn Melia Hà Nội và sau đó là cuộc trao giải Nhân tài Đất Việt năm đầu tiên tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ cách đây đúng 20 năm.
Nhưng, một trong những dấu ấn lớn nhất của ông Phạm Huy Hoàn là “dám liều” làm báo điện tử. Ngày ấy, báo điện tử trên toàn quốc mới chỉ vài ba trang, đều được hậu thuẫn bởi các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, có lợi thế về vốn liếng, thiết bị kỹ thuật và nhân sự. Vậy nhưng, ông Hoàn, từ một nhà báo vốn quen với môi trường sản xuất báo giấy vẫn đầy quyết tâm, mạnh dạn xin giấy phép ra mắt Báo điện tử Dân trí.
Để thực hiện tham vọng này, ông tận dụng vốn ngoại ngữ (tiếng Pháp) từ thuở nhỏ (ông là học sinh trường Albert Sarraut) cùng kinh nghiệm báo chí của bản thân, kết hợp kiến thức tích lũy từ quá trình học tập, tu nghiệp tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Pháp, và Thụy Điển.
Ông tham khảo ý kiến từ những người bạn thân thiết đang dẫn dắt các tòa soạn báo điện tử lớn, đồng thời đầu tư từ chính nguồn lực cá nhân để hình thành liên kết hợp tác với một đối tác công nghệ. Từ “mảnh đất” ấy, ông Hoàn cùng những cộng sự, nhân viên của ông đã cất đặt lại, gieo mầm và chăm bón trở thành mảnh ruộng hoàn toàn mới. Dân trí điện tử ra đời từ đó, phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam.
Tinh thần nhân văn, nhân ái, nhân bản xuyên suốt
Sau nghỉ hưu, tôi đã làm việc và sinh hoạt cùng tiền thân của Dân trí (báo Khuyến học, rồi Khuyến học & Dân trí) và báo Dân trí đến nay gần 28 năm. Cùng với tôi có nhiều nhà báo lớn tuổi khác như Thảo Lâm, Phan Huy, Phan Duy Thảo, Đình Hòa, Bùi Hoàng Tám, Nguyễn Đoàn, Lý Trường Chiến, Lý Toàn Thắng, Thanh Bình, Minh Nguyệt cũng tiếp tục cống hiến… Ai giỏi phương diện nào thì được giao công việc phù hợp với sở trường.
Riêng tôi, với kinh nghiệm điều hành chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và qua quá trình công tác ở Vietnamnet, tôi phụ trách chuyển đổi mô hình tòa soạn xuất bản định kỳ theo tuần sang mô hình tòa soạn xuất bản theo sự kiện. Thông tin luôn vận động 24/7.
Tòa soạn thời gian đầu có 2 khối với nhân lực báo giấy và báo điện tử riêng biệt, phối hợp không thông suốt. Chúng tôi tổ chức tòa soạn làm việc theo 3 ca 4 kíp, quản lý nhân sự theo năng suất, hiệu quả công việc, lượng truy cập. Tòa soạn luôn quan tâm đến luồng ý kiến phản hồi của bạn đọc và nhờ vậy độc giả đến với Dân trí ngày càng đông.
Báo tham gia nhiều sự kiện lớn không chỉ đóng khung trong phạm vi khuyến học - khuyến tài với tinh thần xuyên suốt: Nhân văn, nhân ái, nhân bản.

Nhân chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 23/7/2019, Tổng biên tập báo Dân trí - Nhà báo Phạm Huy Hoàn đã tới Sóc Trăng thăm hai bé Mỹ Nhân – Mỹ Ái. Đây là hai bé có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và được Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn đặt tên (Ảnh: DT)
Từ lúc Tấm lòng Nhân ái của Khuyến học & Dân trí đến Chương trình Nhân ái của Dân trí đến nay đã hơn 1/4 thế kỷ. Ban đầu, mong muốn của chúng tôi là thông tin về mỗi hoàn cảnh khó khăn đến với bạn đọc để hoàn cảnh đó được giúp đỡ vài triệu đồng để chữa bệnh, để trẻ có thêm chiếc xe đạp đến trường.
Vậy nhưng nay, những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo được bạn đọc chung tay giúp đỡ không hiếm những trường hợp được hỗ trợ hàng tỷ đồng. Mỗi năm trung bình có hơn 400 hoàn cảnh khó khăn được báo Dân trí đăng tải, kết nối với các tấm lòng hảo tâm thông qua chuyên mục Tấm lòng nhân ái. Tổng số tiền bạn đọc trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ các hoàn cảnh trung bình hàng tuần là 1 tỷ đồng. Tổng số tiền 50-60 tỷ đồng/năm mà bạn đọc giúp đỡ các hoàn cảnh nhân ái đã thật sự mang lại hiệu quả tích cực cho từng con người, từng gia đình và xã hội
Không những vậy, chương trình còn giúp người dân ở những địa phương khó khăn làm nhà, làm đường, làm cầu, làm trường học, giá trị đến hàng chục tỷ đồng. Mới đây nhất, hưởng ứng phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Chính phủ phát động, báo Dân trí đề ra mục tiêu, trong 2 năm 2024-2025 sẽ xây dựng xong 200 ngôi nhà Nhân ái, tặng các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Từ tháng 4/2024 đến nay, đã có 182 ngôi nhà Nhân ái được báo Dân trí khởi công xây dựng, trong đó, khánh thành 126/182 nhà. Đồng thời, có 31 cây cầu Dân trí trên cả nước đã được xây dựng.
Bước tiến lớn đó có được là nhờ nguyên tắc chỉ đạo “Một đồng tiền đến là một đồng tiền đi”, đến đúng địa chỉ người cần, không được để “phết phẩy”, rơi vãi, không chậm trễ hoặc không được dùng vào việc khác.
Báo công khai danh sách nhà hảo tâm và số tiền hỗ trợ hàng tuần, tạo niềm tin tuyệt đối cho độc giả. Các bài viết trong chuyên mục Nhân ái luôn được yêu cầu nguyên tắc viết đúng sự thật, không thêm thắt tình tiết để tránh làm mất lòng tin của độc giả. Nhờ đó, Dân trí đã thực hiện nhiều dự án nhân ái đáng nhớ, như xây cầu vượt lũ cho trẻ em vùng cao, trường học ở Hà Giang, Điện Biên, Sơn La…
Trong những năm qua, Dân trí từ Trung ương Hội Khuyến học về với Bộ Lao động Thương binh và xã hội và nay là cơ quan của Bộ Nội vụ, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Tổng biên tập Phạm Tuấn Anh cùng đội ngũ Thư ký tòa soạn, biên tập viên, phóng viên chuyên nghiệp, năng động và nhiệt huyết, tờ báo ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Dân trí không chỉ là một tòa soạn báo điện tử đơn thuần mà còn báo giấy, tạp chí chuyên ngành, nhân sự tăng lên gấp mấy lần, tuy nhiên, Dân trí vẫn là một khối đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả; môi trường làm việc và đời sống nhân viên không ngừng cải thiện
Kỷ niệm tuổi 20, Dân trí đang căng tràn sức xuân, sức trẻ. Xuyên suốt chặng đường gắn bó và chứng kiến những đổi thay, chuyển mình của tờ báo, tôi luôn tin tưởng về thế hệ trẻ của Dân trí: Tre già măng mọc! Dân trí tới đây sẽ còn viết nên nhiều trang mới thành công, rực rỡ, không phụ sự tin yêu của bạn đọc trong và ngoài nước.
Tác giả: Ông Nguyễn Lương Phán là nhà giáo chuyển sang nghề báo và đã có hơn 55 năm gắn bó với lĩnh vực báo chí. Ông từng giữ vị trí Chủ nhiệm chương trình Khoa học kỹ thuật, Nông nghiệp, Thời sự; Phó ban Biên tập Chuyên đề, Tổng biên tập Tạp chí Phát thanh, Đài tiếng nói Việt Nam; Thường trực Hội đồng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet; Phó Tổng biên tập báo Khuyến học, Khuyến học - Dân trí; Phó Tổng biên tập, cố vấn báo điện tử Dân trí.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!