Công phá những "vùng cấm"
Lâu nay, chúng ta vẫn thường nghe nói đến khái niệm "vùng cấm", với hàm ý rằng đó là vùng bất khả xâm phạm, không ai được/dám động đến. Vùng cấm ấy luôn đầy rẫy sự hoài nghi, dị nghị, bí mật sâu kín không thể tiết lộ, không dễ khai thác. "Vùng cấm" ấy, theo nghĩa bóng, là những tiêu cực ám ảnh nhiều người dân, là sự căm phẫn của xã hội, nó như thứ dịch bệnh, khối u ác tính mà nhiều người muốn tận thấy, công phá, triệt tiêu.
Đó là những "vùng cấm" từng được nhắc tới và đến nay đã khẳng định là không cho phép tồn tại trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; và trong sự thiết lập một trật tự xã hội công bằng, nơi pháp luật được thượng tôn, mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau.
Thực tế, những "vùng cấm" ấy ngày càng phát lộ và được tháo gỡ cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng ta. Ngay những ngày đầu năm 2024, chuẩn bị đón năm mới Giáp Thìn 2024, thông tin về những cán bộ cấp cao đương chức của Đảng, thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, bị bắt tạm giam tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Không chỉ vậy, những cán bộ lãnh đạo tưởng như đã "hạ cánh an toàn", cả những cán bộ đương chức cấp thấp hơn cũng vướng vòng lao lý.
Đơn cử, đó là khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh; Khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng; Khởi tố, bắt tạm giam hai cựu Thứ trưởng Công Thương…
Việc khởi tố, bắt tạm giam những cán bộ các cấp khác nhau ở vào thời điểm đầu năm mới, cuối năm âm lịch khi cái Tết cổ truyền đang cận kề là việc chẳng đặng đừng, nhưng điều ấy càng chứng tỏ rõ ràng rằng không hề có "vùng cấm" trong công cuộc chống "giặc nội xâm", bởi điều đó đã dần trở thành nguyên tắc ứng xử thường trực trong các hoạt động tư pháp, là thực tiễn đời sống pháp luật nước ta.
Quan điểm và cách thức xử lý không có "vùng cấm", không có ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trong việc thượng tôn pháp luật rõ ràng mang tính cảnh tỉnh, răn đe rất cao. Nhưng tất nhiên, tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai càng cần thiết phải được duy trì, tránh những xao nhãng, lơ là, đồng thời cơ chế, chính sách liên quan cần được hoàn thiện hơn nữa để chặn đứng những hành vi đục khoét của công ngày càng tinh vi của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất…
Kể từ khi ra đời cách đây 94 năm, Đảng ta luôn coi trọng việc tự soi, tự sửa, ngày càng đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII).
Sau 5 năm thực hiện, ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận 21-KL/TW, nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng "đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ".
Trung ương khẳng định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và nhấn mạnh một số nội dung mới, chủ yếu là: Mở rộng phạm vi không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực; bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới.
Điều này đã được biểu hiện cụ thể, sinh động trong suốt hơn 2 năm qua. Điều này cũng thể hiện những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 mà Đảng ta đã nhận ra, chỉ rõ. Đó là vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Đây cũng chính là lý do khiến các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc và những "vùng cấm", "vùng tối" tiếp tục bị "lộ sáng"…
Xin được nhấn mạnh rằng, cả 3 nhiệm kỳ liên tiếp XI, XII và XIII, Hội nghị Trung ương 4 đều bàn về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự liên tục này thêm một lần chứng tỏ, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta trong việc luôn mạnh dạn, dũng cảm tự soi, tự sửa, khắc phục những hạn chế, yếu kém để ngày càng hoàn thiện mình, luôn xứng đáng là Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, cùng dân tộc đạt được những thành tựu vẻ vang trong suốt 94 năm qua.
Sự liên tục này cũng hàm ý rằng, Đảng ta cần tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Trong đó, việc phanh phui những "vùng cấm", giải tỏa những hoài nghi, dao động trong nhân dân là việc hệ trọng, đóng vai trò quyết định đến sự tồn vong của Đảng.
Thế nên, mỗi cán bộ, nhất là cán bộ có chức, có quyền cần thiết phải thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, tự hoàn thiện mình và đây cũng chính là cách tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, liên tục, kiên trì, kiên định.
Vậy nên, nhận diện, triệt tiêu những "vùng cấm", bằng hệ giải pháp đồng bộ, sát hợp, hiệu quả chính là một trong những cốt lõi của vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng trong sạch, vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn!
Tác giả: TS Nguyễn Tri Thức là Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản. Ông Thức cũng là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học; giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!