Tâm điểm
Bích Diệp

Điểm tựa 10 năm công cuộc "đốt lò"

Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, bàn những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị, đã diễn ra hôm qua 30/6.

Tại hội nghị, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 được khẳng định là đã đạt nhiều kết quả quan trọng và thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Kết quả đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây. Nhìn lại chặng đường 10 năm thì không thể không nói đến "cột mốc" thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban (tháng 2/2013).

Điểm tựa 10 năm công cuộc đốt lò - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: TTXVN)

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng hay như người dân vẫn quen gọi là công cuộc "đốt lò" đã có "bước tiến mạnh, đột phá", thể hiện rõ trên hàng loạt nhóm vấn đề lớn. Có thể kể đến như, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Chính vì vậy, nhiều cá nhân/tổ chức từng đạt được những thành tích trong quá khứ song khi sa ngã, trượt chân vào tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật thì vẫn bị xử lý nghiêm khắc. Công - tội phân minh! Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn. Các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng đã từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực"…  

Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là "hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn".

Trong số các nguyên nhân cơ bản của những kết quả nêu trên, cần thấy rằng nếu như không có sự gương mẫu của người đứng đầu, không có sự quyết liệt trong lời nói và hành động thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ dễ đi vào nửa vời và không thể đạt được những kết quả như ngày hôm nay.

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: "Sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo, và các lãnh đạo chủ chốt là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn. Do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống; ông đồng thời còn truyền cảm hứng, động lực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên với những phát biểu tâm huyết, sâu sắc. "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng".

"Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất" (phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/9/2021).

Tổng Bí thư cũng nhắc nhở cán bộ các cơ quan nội chính: Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để "thanh bảo kiếm" luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để "lá chắn" luôn vững vàng, chắc chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên "bọc đường".  

Thiết nghĩ, đây cũng là lời nhắc nhở chung tới cán bộ, đảng viên ở mọi cấp bậc, vị trí.

Khi mà những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu, cầm đầu, thì hơn lúc nào hết, công tác cán bộ cần phải được coi trọng hơn nữa để chọn đúng người "có tâm, có tầm" và sự kiểm tra, giám sát phải là việc làm thường xuyên.

Chặng đường phòng, chống tham nhũng trong suốt 10 năm qua đã đạt được những kết quả thuyết phục, song đây vẫn là cuộc chiến lâu dài, lò chống tham nhũng dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải duy trì sức nóng, không giây phút nào ngơi nghỉ. Muốn vậy, cần sự quyết liệt, bền bỉ của những người "đốt lò"; cần huy động tối đa sức mạnh, tai mắt nhân dân, "biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp". 

Khi mà tội phạm tham nhũng hành động ngày một tinh vi trong điều kiện kinh tế, công nghệ phát triển, điều quan trọng là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, bịt các kẽ hở luật pháp, có chế tài mạnh mẽ để cán bộ, công chức "không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng". Điểm tựa khi đó sẽ là tấm gương, sự quyết liệt của người đứng đầu, của thể chế đã được hoàn thiện và của lòng dân.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!