Cơ hội cho bạn trẻ muốn đi lao động ở Hàn Quốc
Năm 2024, Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp nhận 165.000 lao động nước ngoài sang làm việc. Trong đó, đợt một năm 2024, Hàn Quốc quyết định tuyển khoảng 15.300 lao động Việt Nam, cao hơn 3.300 người so với năm 2022.
Cụ thể, ngành sản xuất chế tạo có 11.200 chỉ tiêu, ngành nông nghiệp là 900 chỉ tiêu, ngành xây dựng 200 chỉ tiêu và hơn 3.000 chỉ tiêu cho ngành ngư nghiệp.
Thông tin tuyển dụng "bùng nổ" về số lượng là điều rất nhiều bạn trẻ quan tâm, nhất là trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay. Biết tôi từng có thời gian dài học tập, sinh sống ở Hàn Quốc, một số bạn trẻ đã tìm đến hỏi thăm thông tin về cuộc sống, văn hóa của xứ sở kim chi.
Một bạn trẻ kể cho tôi nghe, em chấp nhận đầu tư 25 triệu đồng là một số tiền khá lớn mà em tích cóp nhiều năm khi còn làm thuê ở Bình Dương, để nộp học phí cho một trung tâm hứa luyện thi tiếng Hàn và "bao đậu". Một bạn trẻ khác thì cho hay, trung tâm nọ ở địa phương lớn miền Tây đang tìm gấp 2 giáo viên dạy ôn thi tiếng Hàn, để đáp ứng nhu cầu gần 650 lao động đã đăng ký ôn thi cho đợt tuyển dụng lần này của Hàn Quốc.
Có những bạn trẻ từng đi lao động ở Hàn Quốc rồi, đợt này tiếp tục đăng ký trở lại lần nữa. Tuấn, ở Kiên Giang, từng là gương điển hình trong chương trình xuất khẩu lao động tại quê nhà. Không ít lần em xuất hiện trên báo đài để tuyên truyền chính sách đi lao động ở nước ngoài.
Trở về nước sau thời gian lao động ở Pohang (Hàn Quốc), Tuấn đầu tư gần cả tỷ đồng mở quán cà phê song quán vắng khách nên số vốn tích lũy cạn dần. Ý định lập nghiệp chưa thành công, Tuấn quyết tâm ôn tập tiếng Hàn và đăng ký thi trong đợt tuyển dụng lao động vào tháng 3 tới đây.
Tuấn nói trước đây đã học tiếng Hàn Quốc rồi, nhưng khi sang làm việc bên đó thì suốt ngày chỉ tiếp xúc với máy móc thiết bị, ít nói chuyện với người Hàn nên kiến thức đã học mai một. Vì vậy cậu đi học lại tiếng Hàn cho yên tâm.
Trò chuyện với các bạn trẻ, tôi trao đổi một số lý do Hàn Quốc tuyển chọn nhiều lao động Việt Nam theo các thông tin đăng tải công khai trên báo chí Hàn Quốc. Trước hết là năng suất lao động và tinh thần chịu khó của lao động Việt Nam. Và yếu tố quan trọng tiếp theo là quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực lao động của nước ta.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tỷ lệ sinh thấp, hiện Hàn Quốc thiếu trầm trọng nguồn lao động phổ thông, trong khi dân số già trên 65 tuổi liên tục tăng.
Dù không chính thức công bố, qua các biện pháp Chính phủ Hàn Quốc triển khai, tôi nhận thấy nước này đang dành nhiều cơ hội cho lao động nước ngoài bằng cách mở rộng các ưu đãi, cho phép chuyển đổi sang thị thực lưu trú dài hạn, cung cấp cơ hội đào tạo nghề cho lao động nước ngoài đã làm việc lâu dài tại một cơ sở, những lao động nào không vi phạm pháp luật sẽ được tạo điều kiện ở lại Hàn Quốc làm việc lâu dài…
Nhìn theo chiều ngược lại, người Việt Nam tại Hàn Quốc hiện là một trong những cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại nước này, do vậy việc hòa nhập với cuộc sống sở tại của lao động Việt Nam khá thuận lợi. Một điều quan trọng là mức lương trung bình của lao động nước ngoài tại Hàn Quốc quy đổi ra tiền Việt khoảng 35 triệu đồng mỗi tháng, đây là mức thu nhập khá hấp dẫn. Tôi xem bản tin thời sự của đài truyền hình quốc gia KBS Hàn Quốc hồi tháng 12/2023, đưa ra một khảo sát là cứ 3 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thì có một người thu nhập 60-70 triệu đồng mỗi tháng.
Có thể nói việc Hàn Quốc rộng cửa với lao động Việt Nam là cơ hội tốt cho nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên qua trò chuyện với một số bạn như nêu trên, tôi nhận thấy rằng vẫn còn những bạn chưa có đầy đủ thông tin chính thống về chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc). Đáng lưu ý là vẫn tồn tại suy nghĩ không đúng về chuyện "bao đậu" trong luyện thi tiếng Hàn.
Thiết nghĩ các bạn trẻ cần tìm hiểu thông tin chính thức về đăng ký thi tiếng Hàn thông qua Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố. Ngoài các đơn vị này, không có cá nhân, tổ chức nào được tham gia tiếp nhận đơn đăng ký.
Về chi phí tham gia chương trình EPS, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã thông báo rõ người lao động sau khi vượt qua hai vòng thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn, đánh giá tay nghề và được chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng mới phải đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền Việt tương đương 630 USD và 390.000 đồng (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa).
Các khoản chi phí này, người lao động nộp cho Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng, khoản tiền ký quỹ này lao động được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn hợp đồng (chỉ ký quỹ sau khi ký hợp đồng đưa đi với Trung tâm Lao động ngoài nước).
Trên đây là những thông tin cơ bản mà bất cứ bạn trẻ nào muốn đi lao động ở Hàn Quốc đều cần biết, tránh bị lừa đảo.
Ngày nay nhờ sự phát triển của các phương tiện giao thông nên việc đi lại giữa các nước đã nhanh chóng và thuận tiện hơn trước đây rất nhiều. Với điện thoại thông minh, bất cứ lúc nào ngoài giờ làm việc, người lao động có thể trò chuyện với người thân ở Việt Nam, nhờ vậy sự kết nối được duy trì, bớt đi cảm giác xa xôi cách trở.
Vài chục tháng đi lao động ở nước ngoài nên được xem là cơ hội rèn luyện tay nghề, kỷ luật lao động và tích lũy một số vốn cho tương lai. Nếu bạn muốn nắm lấy cơ hội này thì hãy nỗ lực và nhớ tìm hiểu đầy đủ thông tin, thực hiện các quyết định của bản thân một cách đúng đắn, phù hợp nhất có thể. Tôi đã nói với các bạn trẻ tìm lời khuyên như vậy.
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!