Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

"Đi làm thuê, về làm chủ"

Thời gian đi du học, tôi nhiều lần về thăm gia đình qua các điểm transit tại Đài Loan, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Trên những chuyến bay từ các điểm transit đó, một vài lần tôi ngẫu nhiên ngồi cạnh những thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, theo cách nói quen thuộc lâu nay là "xuất khẩu lao động". Các bạn trẻ đó về thăm gia đình hoặc về hẳn sau thời gian làm việc tại xứ người.

Theo thói quen nghề nghiệp, tôi thực hiện những cuộc "phỏng vấn bỏ túi" để tạo không khí vui vẻ với người đồng hành kế bên, nhưng quan trọng hơn là để thỏa mãn sự tò mò về tình hình đời sống của người lao động ở những nơi họ đến làm việc, động cơ nào thúc đẩy họ ra đi, và những dự định, mong muốn của họ khi trở về.

Những lời kể thủ thỉ của các vị khách đồng hành giúp tôi hình dung phần nào về một nhóm xã hội đặc thù. Những người mà tôi được nói chuyện đều sinh ra và lớn lên ở các vùng nông thôn, không học đại học, nhưng có mong muốn thay đổi cuộc sống. Đi xuất khẩu lao động là một lựa chọn khả dĩ và họ đều chia sẻ kế hoạch sẽ chỉ đi làm việc một thời gian, tích lũy được chút vốn rồi về tính tiếp.

Đi làm thuê, về làm chủ - 1

Lao động Việt Nam đang đợi nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN).

Theo những lời kể thì cuộc sống và làm việc của người lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng rất đa dạng. Công việc thường vất vả, thậm chí độc hại và nhiều rủi ro nhưng họ vẫn nhận làm, trước hết bởi ý chí thay đổi cuộc sống, bởi sự kỳ vọng của người thân nơi quê nhà. Tiếp đến là bởi những phẩm chất và bản năng sẵn có vì "ở nhà cũng quen vất vả rồi" như chia sẻ của một thanh niên quê ở Hưng Yên mà tôi nhớ mãi.

Trong số những lao động xuất khẩu, có nhiều người thích ứng được với hoàn cảnh và yêu cầu mới, chí thú làm việc và biết giữ gìn cho nên tích lũy được một chút vốn và vui vẻ khi trở về, tính chuyện lập nghiệp. Nhưng cũng có những người bị chi phối bởi nhiều yếu tố, không kiểm soát được mình nên thất bại, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và gia đình.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ - TB&XH, giai đoạn 2010 - 2017, cả nước có 821.862 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính đến đầu năm 2019, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề. Gần đây hơn, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,72% kế hoạch của năm 2023.

Lao động di cư là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Theo ước lượng của tổ chức di cư quốc tế, số lượng người di cư trên toàn cầu tăng gấp 3 lần trong 5 thập kỷ gần đây. Hiện nay, đang có khoảng 281 triệu người di cư, chiếm 3,6% dân số thế giới. Những người lao động chuyển đến làm việc tại những quốc gia không phải nơi họ sinh ra là một lực lượng chính đóng góp vào con số nói trên.

Xuất khẩu lao động là một chính sách đã được thực hiện từ lâu ở nước ta. Nếu trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20, người lao động Việt Nam chủ yếu đi làm việc ở Đông Âu, thì hiện nay điểm đến của người lao động lại chủ yếu là các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Chúng ta cần khách quan để đối diện với thực tế rằng, sự gia tăng số lao động đi làm việc ở nước ngoài phản ánh phần nào trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta. Nếu nền kinh tế liên tục tăng trưởng thì sẽ tận dụng được nguồn lực lao động ở mọi trình độ. Còn khi người lao động phải chấp nhận rời xa đất nước để đi làm việc ở nước khác, thì chứng tỏ nền kinh tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi.

Rời bỏ quê hương để đến làm việc ở nước khác, người lao động phải chấp nhận một số thiệt thòi cho bản thân và gia đình để kỳ vọng về tương lai tích cực hơn. Trong khi đó, đất nước buộc phải chấp nhận để một nguồn lực sẵn có đi làm việc ở nước ngoài.

Nhìn rộng ra trên toàn thế giới thì ở đâu cũng vậy, lao động di cư có thể được hưởng thu nhập cao hơn so với làm việc ở quê nhà, cho dù mức lương đó phản ánh đúng giá trị thật của lao động hay không. Lực đẩy chính yếu cho dòng chảy này là trình độ phát triển kinh tế ở mỗi nước chứ không phải ý muốn chủ quan của người lao động. Cũng có nghĩa khi kinh tế phát triển thì câu chuyện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tự nhiên được giải quyết, vì nền kinh tế trong nước đã hấp thụ hết nguồn lực lao động.

Cũng theo thống kê của Bộ LĐ - TB&XH, lao động phổ thông hiện vẫn chiếm tới gần 50% lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Rất nhiều người được sinh ra và lớn lên ở các địa phương vùng sâu, vùng xa cho nên yếu cả về tay nghề và ngoại ngữ, chưa có tác phong làm việc công nghiệp. Những điểm yếu này không chỉ là những bất lợi về khả năng cạnh tranh của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách chung.

Vì thế, nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài là một nhu cầu tất yếu. Do đa số lao động trong diện này xuất thân từ các nhóm xã hội yếu thế, chúng ta không chỉ cần sự quan tâm chính sách mà cả sự thấu cảm, như chia sẻ gần đây của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: vừa dạy vừa cầm tay chỉ việc, vừa dỗ dành, vừa dạy kỹ năng, dạy văn hóa và tác phong công nghiệp, để giúp người lao động có thể rút ngắn thời gian hội nhập, sớm thích nghi với môi trường làm việc mới.

Điểm then chốt thứ hai là cần đẩy lui các ý định kinh doanh vụ lợi từ các dịch vụ hỗ trợ người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, bất chấp các giới hạn đạo đức. Bên cạnh việc tìm kiếm các thị trường có nhu cầu, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất khẩu lao động theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, giảm thiểu các chi phí từ phía người lao động, và đặc biệt là loại bỏ mọi nguy cơ lừa đảo, lợi dụng chính sách và lạm dụng người lao động.

Hướng tới tương lai tích cực hơn, chúng ta kỳ vọng những người hôm nay đi xuất khẩu lao động thì ngày trở về sẽ có thể làm chủ. Hình thức "làm chủ" dễ thấy nhất là sau khi tích lũy được chút vốn, người lao động có thể tự tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác. Nhờ đó, họ tự chủ về đời sống kinh tế mà không còn phải phụ thuộc vào người khác hoặc các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Quan trọng hơn là sự trưởng thành về nhiều phương diện của người lao động, như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhận định: "Có người chưa thể làm chủ, nhưng chắc chắn cũng trưởng thành hơn rất nhiều". Ấy là sự giàu có hơn về kiến thức cũng như trải nghiệm sống; chuyên nghiệp hơn và duy lý hơn về ý thức, tác phong, lối sống, và cung cách làm việc. Những sự thay đổi này không chỉ tốt cho bản thân người lao động, mà cả các thế hệ sau của họ.

"Sau khi dành một ít để sửa chữa nhà cửa, em sẽ mua một cái xe tải để chở vật liệu xây dựng" là lời chia sẻ của cậu thanh niên quê ở Hưng Yên mà tôi ngồi cạnh trên chuyến bay từ hơn 10 năm về trước. Tôi cảm nhận được sự háo hức và tự tin của cậu ấy về kế hoạch tương lai, và tôi đã chúc cậu ấy sẽ thành công.

Theo một tính toán vào năm 2019, mỗi năm, người lao động nước ta làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 2-2,5 tỉ USD. Tôi nghĩ, những con số tỷ đô la này là rất đáng quý, rất ý nghĩa. Nhưng quan trọng hơn, sự trưởng thành của người lao động sẽ là sự chuẩn bị tốt hơn cho các thế hệ tương lai, để con cháu họ sẽ có thể không cần phải đi xuất khẩu lao động.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!