Chuyện đắt rẻ dịch vụ y tế nhìn từ vụ "chữa trị chân hết 20 tỷ đồng"
Thời gian qua dư luận ồn ào lên trước thông tin một nam ca sĩ bị tai nạn trong khi biểu diễn ở Mỹ, và anh điều trị vết thương ở chân hết khoảng 20 tỷ đồng. Về phía nam ca sĩ không xác nhận số tiền cụ thể, chỉ nói đó là một con số khá cao.
Tất nhiên ai cũng biết ở các nước đã phát triển, thu nhập cao, mức sống cao thì giá các dịch vụ sẽ cao. Nhưng cao đến mức chữa trị chân sau một tai nạn không nặng lắm mà đến 20 tỷ đồng thì nhiều người bất ngờ. Với mức độ vết thương như vậy, ở bệnh viện Việt Nam chắc vừa khâu vết thương, vừa nghỉ ngơi đến lúc ra viện chỉ hết vài triệu đồng ở cơ sở bình dân; bệnh viện hạng sang thì cao hơn chút, tức là chỉ một phần rất nhỏ của con số 20 tỷ kia.
Dịch vụ y tế ở Mỹ và chuyện giá cả cụ thể ra sao là vấn đề phức tạp, một bài viết ngắn sẽ không thể nói đầy đủ và toàn diện. Ở đây tôi chỉ nêu vài nét theo một số kênh truyền thông ở Mỹ.
Chính báo chí Mỹ cũng phản ánh giá cả dịch vụ y tế ở nước này quá cao, ví dụ một ca gãy chân nằm viện chi phí có thể tới 7.500 USD/ngày. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người Mỹ sau khi điều trị đã mắc nợ với khoản tiền khổng lồ lên tới vài trăm nghìn USD, do chi phí thở máy và chăm sóc tại phòng ICU rất đắt đỏ.
Chi phí y tế cao khiến nhiều người dân Mỹ tìm cách ra nước ngoài điều trị khi có bệnh. Ví dụ một ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung tốn khoảng 20.000 USD ở New Jersey, Mỹ nhưng tại Mexico chỉ phải trả 4.000 USD. Một ca bọc răng sứ ở Mỹ là 25.000 USD, trong khi ở Mexico là 7.000 USD. Nhân tiện nói luôn, những phẫu thuật như vậy ở Việt Nam còn rẻ hơn nữa, chỉ vài trăm USD.
Tại sao giá cả dịch vụ y tế của Mỹ cao như vậy? Đó là vì chi phí cho các yếu tố làm nên dịch vụ y tế của Mỹ đều ở mức cao. Đầu tiên thuốc và trang thiết bị y tế của Mỹ đều là những thứ tốt nhất, có bản quyền. Ví dụ một loại thuốc kháng sinh phổ thông là ofloxacin có giá 600 USD cho một vỉ 30 viên hàm lượng 300 mg, tức là vào khoảng 20 USD một viên. Trong khi đó ở Việt Nam một viên thuốc ofloxacin có giá 1.300 đồng, tức là khoảng 0,05 USD. Tương tự một lọ thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên có giá ở Mỹ là 65 USD, còn Việt Nam là 60.000 đồng.
Sở dĩ có giá chênh lệch cao như vậy do thuốc ở Mỹ là thuốc có bản quyền, tiền thuốc cao chủ yếu là tiền trả bản quyền. Còn thuốc ở Việt Nam và các nước đang phát triển là thuốc dạng generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự), dành cho các nước nghèo, không mất phí bản quyền. Tình hình cũng tương tự như vậy đối với các máy móc y tế. Các hãng dược phẩm và hãng chế tạo thiết bị y khoa của Mỹ thu lời rất cao trên các sản phẩm họ bán ra, mang lại lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên chính từ nguồn lợi nhuận cao đó đã giúp cho các hãng có nguồn lực để nghiên cứu phát minh ra các thế hệ thuốc và máy móc y khoa mới.
Rồi tiếp đến là chi phí khấu hao máy móc, khấu hao cơ sở vật chất cũng rất cao. Khấu hao của thiết bị y tế nhìn chung là từ 3 - 5 năm. Tức là sau 3 - 5 năm các cơ sở y tế sẽ thay một thế hệ thiết bị mới. Cuối cùng giá dịch vụ y tế ở Mỹ cao vì tiền công cho nhân viên y tế Mỹ rất cao. Bác sĩ ở Mỹ thuốc top những nghề có lương cao nhất, từ 100.000 USD đến 200.000 USD/năm.
Vì giá dịch vụ y tế cao nên người dân Mỹ cần có hợp đồng bảo hiểm y tế, đây có thể nói là một trong những quyết định tài chính và sức khỏe quan trọng nhất với mỗi người dân Mỹ.
Vài nét sơ lược về y tế Mỹ giúp chúng ta hiểu tại sao giá dịch vụ y tế của Việt Nam rẻ hơn Mỹ nhiều lần. Đó là thuốc không phải chính hãng, mà là thuốc dành cho các nước đang phát triển, có tác dụng sinh học ít nhiều kém hơn.
Trang thiết bị trong nhiều cơ sở y tế ở ta đã cũ kỹ, tuổi đời hàng chục năm, hoặc có thiết bị mới thì nhiều khi cũng là hàng "nhái", xuất xứ không đáng tin cậy. Khấu hao cơ sở vật chất thấp, không có tiền tái đầu tư, nên cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh.
Và cuối cùng giá dịch vụ y tế Việt Nam thấp còn vì trả lương cho nhân viên y tế quá thấp, rất nhiều thầy thuốc không đủ tiền để trang trải cuộc sống và học tập nâng cao trình độ. Nhìn từ ngành y thì duy trì giá dịch vụ y tế thấp đồng nghĩa không thể phát triển bền vững.
Nhưng có một nghịch lý, giá dịch vụ y tế Việt Nam hiện nay lại đang bị người dân kêu là quá cao so với thu nhập. Đây là một thực tế nhức nhối mà các nhà quản lý rất lúng túng chưa tìm được lối ra.
Bản thân tôi là bác sĩ trực tiếp chữa bệnh, hàng ngày chứng kiến cảnh nhiều người bệnh xin về để chờ chết vì hết tiền. Ngay tuần trước ở bệnh viện tôi có một bà cụ bị tai biến mạch não, bệnh cũng còn khả năng chữa trị, nhưng gia đình xin về, ngày sau nghe tin bệnh nhân ấy đã mất. Tôi hiểu người thân của bà cụ cũng đau lòng lắm nhưng họ không còn cách nào khác: hai vợ chồng làm công nhân, lương tổng cộng 10 triệu đồng một tháng, nuôi 3 con nhỏ, nay mẹ ốm nằm viện chi phí lên tới 2 triệu đồng một ngày, thì đúng là không có lối thoát.
Hoạt động y tế, nhất là y tế chất lượng cao, sẽ rất tốn kém, ngay cả với những nước có thu nhập cao. Giải pháp tài chính cho chữa bệnh như thế này chính là bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế chính là một dạng để dành tiền khi khỏe, dùng khi ốm đau. Bảo hiểm y tế còn là sự san sẻ của người khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên đây không phải cây đũa thần, biến không thành có. Bảo hiểm y tế cần phải cân bằng để tồn tại, có tích lũy để phát triển. Nếu như giá dịch vụ y tế chúng ta cố tình duy trì ở mức thấp hơn giá thành, khiến ngành y càng làm càng lỗ, không sao phát triển được, thì hiện nay giá bảo hiểm y tế toàn dân cũng vậy, đang duy trì một mức đóng thấp, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh.
Nhiều nghiên cứu về chính sách y tế cho biết, người dân hiện nay khi đi khám bệnh bằng bảo hiểm y tế còn phải chi thêm 40% từ tiền túi. Dẫn đến những cảnh tượng như tôi thường chứng kiến, người bệnh nhiều khi phải xin về không điều trị, mặc dù trên danh nghĩa họ vẫn có bảo hiểm y tế. Theo tôi, trong tương lai chúng ta cần tính toán lại mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp, phát triển thêm nhiều loại hình bảo hiểm y tế tư nhân để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Mặt tích cực của tin tức giá dịch vụ y tế ở Mỹ cao là chỉ ra thêm một hướng phát triển cho y tế Việt Nam, đó là phát triển du lịch chữa bệnh. Trong nhiều chuyên khoa, trình độ bác sĩ Việt Nam đã tương đương với thế giới, nếu được đầu tư thiết bị và phòng ốc tương xứng, bệnh viện Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng chuẩn điều trị của thế giới, trở thành điểm đến cho người dân các nước thu nhập cao để vừa du lịch vừa chữa bệnh, mang lại ngoại tệ cho nền kinh tế.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!