Thạc sĩ đại học Mỹ mà không có nổi IELTS 6.5?

(Dân trí) - Cả nước có một cuộc chạy đua “thi công” bằng cấp từ cử nhân đến tiến sĩ. Và để phục vụ cho nhu cầu bằng cấp này, có rất nhiều dịch vụ cung cấp, từ bằng trong nước đến bằng quốc tế.

 

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Việt Nam đã có những cử nhân, thạc sĩ lấy bằng của các trường đại học ở Mỹ, nhưng thực ra đó là bằng giả của một trường đại học “ma”.

 

Cũng có những trường không ma quỷ gì. Có thật, nhưng chất lượng của cái bằng liên kết rất đáng nghi ngờ. Nhiều trung tâm, cơ sở đào tạo ở Việt Nam nhanh nhạy liên kết với họ để đào tạo cử nhân, thạc sĩ. Dân mình sính ngoại, có cái bằng nước ngoài oách hơn bằng trong nước là cái chắc. Vừa qua, vụ lùm xùm bằng cấp ở Trung tâm công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (Trung tâm ETC) thuộc Đại học quốc gia Hà Nội đã khiến cho dư luận giật mình về các loại chương trình liên kết đào tạo.

 

Bộ GD & ĐT đã chính thức đề nghị hướng xử lý đối với các văn bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với Trung tâm ETC, cụ thể để được công nhận và có giá trị sử dụng ở Việt Nam phải bổ sung thêm minh chứng đáp ứng yêu cầu đầu vào về chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Tổ chức kiểm định giáo dục và đào tạo từ xa Hoa Kỳ - DETC đối với chương trình liên kết với Trường ĐH Griggs và của Trường ĐH Delaware. Như vậy, muốn được công nhận, các học viên phải nộp được chứng chỉ tiếng Anh đạt điểm tối thiểu TOEFL 500 (thi trên giấy), hoặc TOEFL iBT 61 (thi trên mạng internet) hoặc IELTS 6.0 đối với người có bằng tốt nghiệp đại học do trường ĐH Griggs cấp. Đối với người có bằng thạc sĩ do hai trường này cấp, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm tối thiểu TOEFL 530 (thi trên giấy), hoặc TOEFL iBT 71 (thi trên mạng internet) hoặc IELTS 6.5.

 

Các cựu học viên của chương trình MBA tại Trung tâm ETC đã phản ứng trước việc bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh của Bộ GD & ĐT và gửi đơn lên Đại học Quốc gia Hà Nội và cả Thủ tướng Chính phủ. Những rắc rối giữa Trung tâm ETC và học viên liên quan đến chương trình học, thảo thuận bằng cấp đó là việc riêng của đơn vị này với “khách hàng”, còn yêu cầu bằng cấp ngoại ngữ mà Bộ GD & ĐT đưa ra là có căn cứ, trên cơ sở các quy định đối với các chương trình liên kết quốc tế và tiêu chí tuyển sinh đầu vào theo quy chuẩn chung của Việt Nam.

 

Mà kể cũng lạ, đã học xong MBA của đại học nước ngoài thì việc đáp ứng yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh như Bộ GD & ĐT yêu cầu là chuyện đương nhiên. Nếu không đạt trình độ đó làm sao học MBA, chưa kể là đối với người đã tốt nghiệp bằng cấp này. Vậy thì, thay vì tranh cãi, thưa kiện, các thạc sĩ quốc tế này nên đi thi lấy chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu của Bộ GD & ĐT là hợp lý nhất. Vàng thật sợ chi lửa.

 

Nếu cho rằng Bộ GD & ĐT bắt ép, gây khó khăn, bất công đối với những người học MBA tại Trung tâm ETC thì chứng tỏ rằng chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế ở đây có vấn đề. Tại sao thạc sĩ đại học Mỹ mà không có nổi IELTS 6.5.

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!