Những câu hỏi về việc đột ngột dừng thi IELTS
Gọi sự kiện dừng thi IELTS là "một cú sốc" cũng không có gì quá với hàng nghìn học sinh và phụ huynh, cũng như những lao động đang cần có chứng chỉ để hoàn tất hồ sơ du học, hồ sơ lao động trong nước, ra nước ngoài.
Kế hoạch đã được chuẩn bị hàng tháng trời, thậm chí trong nhiều năm của họ có thể bị đình hoãn và thiệt hại khôn lường nếu vấn đề không sớm được xử lý. Ngay thời điểm xảy ra sự việc chúng ta đã thấy có những điểm bất thường mà dư luận cần đặt câu hỏi.
Thứ nhất, nó diễn ra vào tháng 11 - khi rất nhiều học sinh phổ thông cần phải hoàn tất chứng chỉ này để nộp hồ sơ du học sớm, nhằm giành lợi thế với các bạn nước khác và mong có học bổng cao. Kỳ nộp hồ sơ đầu tiên của mỗi mùa du học sẽ bắt đầu từ tháng 11 với "nguyên kho" học bổng của các trường đại học nước ngoài. Nếu không có chứng chỉ IELTS kịp thời, các du học sinh sẽ bị bỏ qua và nộp dồn vào kỳ sau khi học bổng đã bị phân bổ, khá nhiều trường hợp sẽ lâm vào tình huống rất đáng tiếc.
Tiếp theo, cơ quan quản lý lý giải rằng một số đơn vị dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế do chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép theo quy định, trong khi việc liên kết tổ chức thi còn tràn lan, không được kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, quy định dẫn đến cách xử lý này là đột ngột khi không có các động thái tuần tự như thanh tra, công bố kết quả thanh tra, phân loại và đưa ra trình tự giải quyết vấn đề…
Nói chung cách xử lý đột ngột và quyết liệt như vậy chỉ nên áp dụng với các "vụ việc" bất thường, có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến cộng đồng chứ không phải cách xử lý một vấn đề mới, đang được đặt ra để bàn luận. Trong quản lý thì các cú "bẻ lái" về chính sách cần được hạn chế tối đa, tránh việc chuyển trạng thái đột ngột có thể dẫn đến những hệ quả khá phức tạp.
Có ý kiến cho rằng căn cứ dừng thi là do tình trạng "thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...". Tôi không bình luận về tính đúng sai của nhận định này, song trên thực tế chúng ta chưa thấy số liệu thống kê kèm theo, chưa thấy vụ việc đình đám liên quan được nêu trên truyền thông…, càng không có so sánh mức gian lận của thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với các hệ thống thi khác?
Nếu chúng ta thử lên mạng tìm kiếm về các vụ việc như phát ngôn ở trên thì chỉ khoảng 1-2 trang đưa ra kết quả liên quan trực tiếp, trong đó duy nhất bài báo trên một trang báo điện tử từ năm 2008 đề cập về một vụ thi hộ IELTS bị phát giác. Tuy nhiên việc phát giác lại chính do nhân viên của Hội đồng Anh là một trong hai đơn vị tổ chức thi tố giác.
Cũng có các bài điều tra của một số báo về việc mua bán đề thi IELTS, số tiền "bao trúng" theo như bài báo là rất lớn so với giá trị một chứng chỉ tiếng Anh (80-120 triệu đồng). Nhưng các bài viết đó chỉ nêu nội dung phỏng vấn một số người đã thử các gói có giá trị nhỏ hơn và đề, bài giải thực chất là hình thức lừa đảo trực tuyến gần như không giúp gì cho việc thi đậu IELTS.
Có thi cử thì bất kỳ đâu sẽ có những thí sinh tìm cách vượt rào, tìm cách gian lận. Tuy nhiên đó chỉ là thiểu số, và căn cứ xử lý một vấn đề lớn như thi IELTS cần phải dựa trên điều tra nghiêm túc, số liệu thống kê khoa học chứ không thể chỉ là một vài hiện tượng nhỏ lẻ.
Một trong những lý lẽ được đưa ra là "Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát... )". Xin thưa rằng mỗi chứng chỉ chỉ có thể dựa trên một bộ tiêu chuẩn, không thể áp 2 bộ tiêu chuẩn được vì sẽ là thừa và rất lãng phí cho xã hội. Và tư duy "ao làng" này sẽ làm khó cho các thế hệ học sinh muốn tiếp cận chứng chỉ quốc tế trong giai đoạn tiếp theo. Nên chăng nếu chúng ta thấy chứng chỉ quốc tế nào đó không phù hợp, không chấp nhận được thì ban hành văn bản cấm áp dụng ở Việt Nam, còn nếu thấy được và phù hợp với thông lệ quốc tế thì hãy cấp phép theo đúng tinh thần hội nhập.
Cũng có ý kiến cho rằng nhiều em đã gian lận thi IELTS nên được tuyển thẳng vào đại học bởi vậy cần dừng thi, rà soát… Liệu ai dám khẳng định tính xác thực của ý kiến này, tỷ lệ là bao nhiêu? Kết quả khảo sát tiếng Anh của các em theo kiểu chọn mẫu thế nào mà có kết luận như vậy cũng chưa thấy nói. Nếu chuyện này có thật thì các trường đại học ở Việt Nam chỉ cần tạm dừng tuyển thẳng sinh viên có IELTS thôi, khoanh vùng và gác bỏ việc dùng nó như điều kiện được tuyển sinh, chứ tại sao phải dừng đồng loạt không chỉ IELTS mà nhiều chứng chỉ khác?
Hiện nay, trong hồ sơ du học của học sinh Việt Nam ra quốc tế thì IELTS là một trong những chứng chỉ quan trọng nhất, đây cũng là chứng chỉ được công nhận rộng rãi nhất trên toàn cầu. Mong rằng cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng xử lý vấn đề một cách nhân văn và cầu thị - đừng làm ảnh hưởng đến biết bao em học sinh đã nỗ lực thời gian dài và đang cần chứng chỉ này để chuẩn bị cho tương lai của mình.
Tác giả: Ông Nguyễn Bá Ngọc có hơn 10 năm gắn bó với nghề báo và hiện là một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực truyền thông.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!