Tâm điểm
Nguyễn Hồng Quân

"Chọn công lý và lẽ phải, không chọn bên"

Lịch sử thế giới luôn chứng kiến những cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và giai đoạn từ đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đến nay.

Bối cảnh đó đặt ra với các nước nhỏ hơn vấn đề xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn để không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Trong thực tế không phải là không có quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, thậm chí bị chiến tranh tàn phá, nguyên nhân một phần là ảo tưởng dựa vào nước lớn, hy vọng dựa vào nước này hoặc nhóm nước này để đối chọi lại nước lớn khác.

Lịch sử Việt Nam cho chúng ta kinh nghiệm: Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ phải dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của nước ngoài, của thế giới. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; không ai và không một nước lớn nào có thể và sẵn sàng làm những việc ấy thay chúng ta.

Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải thì mới có thể bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Quan điểm này đã được nhấn mạnh tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nhất quán theo đường lối đối ngoại qua các kỳ Đại hội Đảng, đến nay chúng ta có quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược hoặc đối tác hợp tác toàn diện với tất cả các nước lớn. Các quốc gia đó cũng có lợi ích nhiều mặt với chúng ta. Vì thế chúng ta không đứng về bên này để chống bên kia, không đi với nước này để chống nước khác, không cho nước ngoài mượn lãnh thổ làm căn cứ chống lại nước thứ ba.

Chúng ta không ủng hộ những hành động vi phạm Hiến chương LHQ và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Trong phát biểu tại Quốc hội ngày 3/11 cũng như phát biểu nhân chuyến thăm Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ và Liên Hợp Quốc tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng đã nói rất rõ vấn đề nêu trên.

Như vậy, nguyên tắc "chọn công lý, không chọn bên" xuất phát từ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta muốn có một môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, làm bạn với tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; giữ quan hệ cân bằng với tất cả các nước lớn, nhất là trong bối cảnh các nước lớn đang cạnh tranh địa chính trị quyết liệt như hiện nay.

Chúng ta cũng không thể ủng hộ những hành động sử dụng vũ lực bởi nó có thể kích hoạt bất ổn định. Việt Nam kiên trì quan điểm giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, chứ không thể dùng vũ lực. "Không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực" đã được thể hiện rõ trong chính sách quốc phòng "bốn không" của chúng ta công bố năm 2019.

Chính sách này trước đó đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Hiến chương ASEAN cũng có điều khoản "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Chúng ta nhất quán chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực tự cường, giữ quan hệ cân bằng, hữu nghị với các nước lớn, giữ quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng, phấn đấu trở thành thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở trong khu vực cũng như trên thế giới.

Hiện nay các nước lớn đều muốn lôi kéo những quốc gia nhỏ hơn, nhất là những nước có địa chính trị quan trọng đứng về phía họ để thêm lực đối trọng với bên kia. Điều đó tạo ra nguy cơ nhưng cũng tạo ra thời cơ nếu biết tranh thủ để đảm bảo an ninh, phát triển kinh tế, mở rộng và nâng cao quan hệ lên những nấc thang mới.

Lợi ích của chúng ta khi "không chọn bên" là đảm bảo được lợi ích quốc gia - dân tộc, là giữ được hòa bình, ổn định, là phát triển được kinh tế, là củng cố, tăng cường được quốc phòng, an ninh, là mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. Như thế, sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường, cũng là cách để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, khiến thế lực thù địch phải dè chừng nếu muốn nhòm ngó, gây chiến.

Trải qua gần 40 năm đối mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế đất nước ta chưa bao giờ được như hôm nay. Kinh tế đất nước phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với 11 quốc gia.

Hai nhiệm kỳ chúng ta hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, vừa rồi lại trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ở phạm vi khu vực, chúng ta đảm đương thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong bối cảnh thế giới vật lộn với đại dịch Covid-19. Việt Nam sáng tạo, chủ động, linh hoạt, vừa chống dịch thành công, vừa hoàn thành tốt vai trò năm Chủ tịch tổ chức khu vực, nay đang hồi phục kinh tế trong top nhanh nhất nhì khu vực và thế giới, khẳng định vị thế đất nước.

Đó chính là hiện thân của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đồng thời tranh thủ tận dụng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Chúng ta "không chọn bên", tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều đó xuất phát từ quan điểm đối ngoại mà Đảng ta vạch ra, bổ sung và hoàn thiện qua các kỳ Đại hội từ khi đổi mới đất nước.

Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!