Tâm điểm
Đại sứ Phạm Quang Vinh

ASEAN chơi với nước lớn nhưng không rơi vào "bẫy" chọn bên

Năm 2022 đang dần khép lại với những sự kiện và những diễn biến tác động sâu sắc đến cục diện thế giới. Nổi bật trong số đó là xung đột Nga - Ukraine; rồi đại dịch Covid-19 tuy bước đầu được kiểm soát, song thế giới bước vào tình trạng lạm phát cao, suy thoái kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng… Kết quả Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay bầu cử giữa kỳ ở Mỹ chắc chắn cũng sẽ tác động đến định hình chính sách đối nội, đối ngoại của các cường quốc này và tình hình thế giới.

Nhiều chuyên gia bình luận rằng thế giới nên cài chặt hơn dây bảo hiểm bởi "chuyến bay" vào năm 2023 là bất định, khó dự báo. Trong bối cảnh đó, có thể nói khu vực Đông Nam Á là một trong những điểm sáng của thế giới về an ninh và tăng trưởng kinh tế. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 vừa qua đã thu hút sự quan tâm tham dự của lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, các đối tác trong đó có nhiều cường quốc, đã phần nào khẳng định vị thế và tầm quan trọng của ASEAN.

Từ góc độ quan sát, có thể nói những yếu tố làm nên sức mạnh và sự hấp dẫn của ASEAN chính là giữ vững đoàn kết, phát huy sức mạnh nội tại, tinh thần trách nhiệm, hợp tác rộng mở, cùng cách tiếp cận cân bằng, khách quan và kiên định các nguyên tắc của Hiệp hội.

Nhân đây, cũng nên bàn sâu hơn về cách tiếp cận cân bằng của ASEAN trong bối cảnh diễn biến phức tạp của cạnh tranh chiến lược nước lớn cũng như các biến động địa chính trị hiện nay.

Mới đây, tại dịp Hội nghị cấp cao, ASEAN đã nâng quan hệ đối tác với Hoa Kỳ và Ấn Độ lên cấp chiến lược toàn diện. Đó là điểm mới.

Với ASEAN, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên đặt quan hệ đối tác (từ năm 1977). Trong 45 năm qua, quan hệ Mỹ và ASEAN đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Trong chiến lược của Mỹ thời gian gần đây, tính từ "xoay trục" thời Tổng thống Obama, nước Mỹ đã ngày càng gắn kết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Về mặt kinh tế thì Mỹ là một trong những bạn hàng, nhà đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đến nay ASEAN có 11 đối tác chính thức, trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc và Australia từ năm 2021). Trung Quốc rõ ràng là đối tác quan trọng, có vị trí địa lý gần gũi nhất, tiềm lực kinh tế và các thế mạnh khác. Khó có thể nói cường quốc nào đang ảnh hưởng nhất đến khu vực, nhưng rõ ràng Trung Quốc có những đặc thù về vị thế địa lý, sức ảnh hưởng kinh tế và tương đồng văn hóa châu Á. Người ta cũng hay nhắc đến phát biểu của giáo sư hàng đầu về Trung Quốc David Shambaugh, người từng nhận định, ở phạm vi toàn cầu, Trung Quốc vẫn là "cường quốc nửa vời", nhưng dưới góc độ khu vực, Trung Quốc đã là "cường quốc vượt trội".

ASEAN chơi với nước lớn nhưng không rơi vào

Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Campuchia sáng ngày 11/11/2022. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Quay trở lại tổng thể các đối tác, họ ngày càng quan tâm và có nhiều sáng kiến với châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, là khu vực mà các nước lớn tập trung triển khai chiến lược toàn cầu của mình. Có thể kể đến như sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) của Trung Quốc; chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ; chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ… Mặt khác trong khu vực cũng có nhiều "điểm nóng" tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn.

Trong bối cảnh địa chiến lược hiện nay, hợp tác và can dự từ bên ngoài, cùng các chuyển động bên trong, dĩ nhiên dẫn tới các cọ xát nhiều chiều, đan xen thách thức và cơ hội, kể cả có thể làm cho tình hình phức tạp thêm, nếu không có một chính sách đúng đắn để xử lý.

Với ASEAN cũng vậy, quan hệ với các cường quốc khi họ cạnh tranh nhau, sẽ bao hàm cả hàm ý về sức ép phải chọn bên này hay bên kia, đặt ra cho ASEAN và các nước thành viên câu hỏi về  xác định nguyên tắc, lợi ích và cách ứng xử như thế nào cho phù hợp.

Trong bối cảnh như vậy, ASEAN và các thành viên, dù có thể còn những điểm khác biệt về các vấn đề cụ thể nào đó, nhưng họ thống nhất về nguyên tắc và cách tiếp cận chung, đó là không chọn bên, mà mở rộng hợp tác với tất cả, ủng hộ các nước quan hệ với khu vực, trên cơ sở lợi ích chung của khu vực, các nguyên tắc của ASEAN và luật pháp quốc tế. Tất cả đều không muốn rơi "bẫy" cạnh tranh của các nước lớn, không muốn buộc phải chọn bên.

Trong nâng cấp quan hệ với các đối tác gần đây cũng vậy. Tháng 11 năm ngoái, ASEAN nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Australia và Trung Quốc, cũng là thời điểm hai nước này có những căng thẳng về thương mại hay nguồn gốc Covid, rồi căng thẳng xung quanh việc thành lập đối tác an ninh Mỹ - Australia - Anh (AUKUS). Nay ASEAN cũng nâng cấp tương tự thêm với Mỹ và Ấn, thành đối tác chiến lược toàn diện, càng chứng tỏ đường lối nhất quán và nguyên tắc của ASEAN.

Cho đến nay có thể nói ASEAN đang thực hiện tốt lập trường nói trên, qua đó góp phần vào đảm bảo an ninh, hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới, tranh thủ các cơ hội mang lại lợi ích kinh tế cho người dân trong khu vực.

Khi ASEAN có môi trường xung quanh tốt, có quan hệ tốt với những nước lớn thì đó cũng chính là điều kiện tốt cho các nước thành viên. Ngoài ra, hiện tại ASEAN đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, mà không nước nào tự giải quyết được. Hợp tác với các nước lớn sẽ góp phần giúp ASEAN giải quyết những vấn đề này.

Trật tự thế giới đang có những biến động mạnh mẽ, vai trò của ASEAN ngày càng được nâng cao hay không, một phần quan trọng nằm ở năng lực giữ cân bằng của cả hiệp hội cũng như từng quốc gia thành viên.

Tác giả: Đại sứ Phạm Quang Vinh - nhà ngoại giao cao cấp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Vinh từng có 7 năm làm Trưởng Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!