Chó dữ, mạng người và nỗi đau
Thú thật, tôi sợ chó. Lý do vì lúc nhỏ từng bị chó hàng xóm cắn với vết bầm tím trên bắp đùi và mông. Cũng may, ngày đó tôi được người hàng xóm khác đánh đuổi con chó đó, không để nó cắn tôi nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh đến giờ.
Sợ hãi loài chó với chiếc răng sắc dài, nhưng tôi không ghét chó, và cũng nằm trong nhóm những người phản đối việc ăn thịt chó. Tất nhiên, vẫn có những chú chó cực ngoan, hiền, là bạn của con người, nhất là những người lớn tuổi, những người cô đơn, sống một mình trong căn nhà rộng thênh hay mảnh vườn thoáng đãng, vắng cháu con.
Tôi không thể quên những hình ảnh dễ thương mà một bà cụ ở Hà Nội đã để lại ấn tượng trong nhiều người. Đó là cụ Nguyễn Thị Kim Quý (71 tuổi), yêu những chú chó như con cháu, tạo hẳn cho chúng một "chiếc xe riêng", trên xe lúc nào cũng có 13 bạn chó nhỏ xinh xắn.
Tôi cũng không quên câu chuyện đau lòng về những chú chó cùng chủ rời Sài Gòn về quê trong mùa dịch năm 2021 và đã bị cơ quan chức năng ở Cà Mau từ chối việc "nhập cảnh", buộc tiêu hủy khi chủ nó là vợ chồng ông Phạm Minh Hùng bị Covid-19. Dư luận từng rất quan tâm, tranh cãi về hành xử này.
Xúc động nhất là câu chuyện của Lucky (năm 2015) - từng xuất hiện đình đám trên báo chí, dậy sóng cộng đồng mạng - khi trải qua một hành trình quá khủng khiếp trước khi được giải cứu: bị buộc mõm trong nhiều ngày, đi lang thang trong đói khát, vết buộc gây hoại tử, nhiễm trùng nặng...
Đối xử tàn nhẫn với chó luôn bị cộng đồng lên án, bởi sự gần gũi của loài vật này với con người, vốn là biểu tượng của sự trung thành.
Tuy nhiên, nuôi chó trái luật (bao gồm không khai báo, không tiêm chủng đầy đủ, để chó đi vệ sinh nơi công cộng, thả rông…) và bất chấp để nuôi những loại chó dữ, gây nguy hiểm đến người khác là việc khó chấp nhận.
Mới đây, ngày 9/7, báo Dân trí có tin, bị một con chó cắn vào ngón tay nhưng không tiêm phòng, người phụ nữ 36 tuổi tại Đắk Lắk đã tử vong, nghi do bệnh dại. Theo bản tin, hồi đầu năm, chị K. (36 tuổi, trú tại Ea Knuếc, huyện Krông Pắk) bị một con chó cắn vào ngón tay.
Con chó này sau đó đã bị người nhà đánh chết và chị K. cũng không đi tiêm phòng ngừa bệnh dại. Ngày 5/7, chị K. đột nhiên xuất hiện các triệu chứng kích thích, sợ nước, sợ gió và được người thân đưa vào bệnh viện điều trị. Theo chẩn đoán của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân K. được theo dõi bệnh dại lên cơn thể hung dữ và bướu cổ. Đến ngày 7/7, bệnh nhân K. tử vong nghi do bệnh dại.
Cũng trên báo Dân trí, ngày 27/6 có bản tin, 6 người trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) cùng bị một con chó cắn, trong đó, có 5 người tại xã Mê Linh và một người ở xã Hoàng Kim. Con chó được xác định thuộc một gia đình tại thôn Liễu Trì, xã Mê Linh. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện con chó dương tính với virus dại.
Gần 2 tháng trước, khoảng 19h ngày 17/5, con gái bà V. (82 tuổi, ở Bình Dương) đưa con chó pitbull ra ngoài cho ăn. Lúc này bà V. đang nằm trên võng, cách vị trí chó khoảng 15m đã nói vọng ra. Chó pitbull liền chạy vào cắn xé vào vùng đầu của bà V… Do lớn tuổi nên khi bị chó cắn, bà V. không thể bỏ chạy. Con gái của nạn nhân có mặt tại hiện trường đã kéo chó đi nhưng không thể ngăn được việc chó cắn chết mẹ ruột của mình.
Sự vụ chó dữ cắn chết người, kể cả chủ nuôi không phải là hiếm trên thế giới lẫn Việt Nam. Bạn đọc, dư luận xã hội đã phản đối, sốt sắng bày tỏ đề nghị cần cấm nuôi chó dữ trong nhà vì giống như nuôi hổ, nuôi sói, chúng có thể giết chết mình và hàng xóm bất cứ lúc nào.
"Việc cấm và quản lý chặt nuôi chó, mèo là việc rất đáng làm khi gây ảnh hưởng tới xã hội. Cục Chăn nuôi đang xây dựng một nghị định, thông tư quản lý động vật khác, trong đó có chó, mèo. Cục Chăn nuôi sẽ xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan đơn vị để đưa vào quản lý đối với chó dữ, động vật có thể gây nguy hiểm". Ngày 22/5, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng chia sẻ với báo chí như vậy.
Thực tế, có những vụ việc xấu cứ lặp lại như kể trên, mỗi lần xảy ra mọi người lại "la làng" lên, ngành chức năng cũng trả lời tương tự nhưng sau đó nó lại tái diễn.
Thực ra, những sự việc nguy hiểm và cấp bách như nuôi chó dữ thì không thể chờ lấy ý kiến theo quy trình thông thường hoặc lấy ý kiến quá lâu.
"Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Cục Chăn nuôi đang xây dựng một thông tư quản lý động vật khác, trong đó có chó mèo. Dự kiến sẽ ban hành trong khoảng cuối năm 2023 hoặc đầu 2024", cũng là phát ngôn của ông Thắng.
Người dân có quyền phản ứng với người đứng đầu ngành quản lý chăn nuôi, rằng không chỉ bày tỏ "đau lòng" mà phải quyết liệt hành động để ngăn hoàn toàn chuyện dễ dãi trong nuôi thú dữ.
"Nuôi chó nói riêng, chăn nuôi thú dữ có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng như vậy cần phải dừng ngay!", nhiều người bày tỏ thông qua báo chí, mạng xã hội.
Chuyện con chó gần đây, còn có những tranh cãi về việc nên hay không nên tiêu thụ thịt chó. Vì đây là loài động vật trung thành, gần gũi với con người nên nhiều ý kiến cho rằng không nên ăn thịt chó. Đó là chưa nói, vì đáp ứng nhu cầu thịt chó đã dẫn tới nạn trộm chó hoành hành ở khắp nơi, gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội, thậm chí nhiều vụ trộm dẫn tới án mạng.
Nuôi chó dữ là phạm pháp thì việc trộm chó để ăn cũng là loại tội phạm mà có lẽ… chỉ có ở nước ta (!?). Và thịt chó lại là vấn đề văn hóa liên quan tới ẩm thực, tình yêu động vật và những tổn thương tinh thần trong việc giết mổ, bán thịt chó.
Xoay quanh con chó có bao nhiêu bất ổn thiết nghĩ không thể xem thường, cũng không nên chỉ dừng lại ở việc rộ lên sự quan tâm tức thời khi có một vụ việc liên quan. Rất cần những hành lang pháp lý, những quy ước thành văn hoặc bất thành văn nhưng đi vào nếp sống của người dân để không còn những chuyện đau lòng liên quan đến loại động vật gần gũi với con người này.
Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!