Thả rông chó - đừng biến vật nuôi thành mối nguy
(Dân trí) - Có những tội ác đang được nhân danh tình yêu đối với vật nuôi. Và người phải lĩnh hậu quả cho thứ tình yêu vô trách nhiệm ấy là nỗi đau đớn dai dẳng của những đứa trẻ.
Ngày 19/12, trên mạng xã hội xôn xao clip ghi lại cảnh tượng kinh hãi khi một cháu bé ở Tuyên Quang bị chó dữ tấn công. Hình ảnh chống đỡ yếu ớt của một đứa trẻ 2 tuổi trước sự cắn xé của con chó hung hãn, to lớn khiến những người chứng kiến không khỏi bàng hoàng.
Chỉ cần 0,46 giây tìm kiếm cụm từ "chó tấn công người", có tới hơn 17 triệu kết quả, đủ để thấy sự việc xảy ra với cháu bé 2 tuổi kể trên không phải là cá biệt. Thậm chí, không hiếm trường hợp bị chính vật nuôi của mình tấn công dẫn tới thương tích. Đau lòng hơn, có nhiều nạn nhân bị vật nuôi tấn công không qua khỏi hoặc phải chịu di chứng nặng nề về sức khỏe, tâm lý và thẩm mỹ.
Nuôi chó vốn là chuyện bình thường không chỉ ở các làng quê mà ở các đô thị lớn. Chó trở thành một người bạn thân thiết, hoặc đơn thuần chỉ là vật nuôi ít tốn kém nhưng có giá trị cao. Tuy nhiên, những tổn hại do những vật nuôi này gây ra đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn. Và khi xảy ra các vụ việc đau lòng, người ta luôn có lý do bao biện cho việc thả rông chó, trong đó có việc nhân danh tình yêu đối với loại vật nuôi này.
Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn phòng chống bệnh dại kèm theo Thông tư 07/2016 quy định rõ trách nhiệm cụ thể của những cá nhân, tập thể liên quan trong việc quản lý, giám sát vật nuôi là chó, mèo. Cụ thể, người nuôi chó phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đem đi tiêu hủy.
Quy định cụ thể là như thế nhưng trên thực tế hình ảnh chó thả rông, không rọ mõm vẫn xuất hiện nhan nhản trên các con đường, các khu tập trung đông người, từ nông thôn đến thành thị.
Còn nhớ, sau khi Nghị định 90/2017 có hiệu lực, một số địa phương đã thành lập Tổ săn bắt chó thả rông. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ này phải giải tán do nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Việc tiếp nhận thông tin và ra quyết định xử phạt đối với hành vi thả rông chó được chuyển giao về cho chính quyền địa phương.
Chính quyền các địa phương phải xử lý một khối lượng công việc lớn, thiếu nhân lực... khiến việc quản lý việc thả rông chó gần như phụ thuộc vào cam kết của chủ vật nuôi. Bởi vậy, những vụ việc đau lòng liên quan đến chó thả rông vẫn diễn ra.
Để xảy ra các vụ việc đau lòng từ hệ lụy thả rông, thiếu quản lý giám sát chó thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ vật nuôi. Cũng không thể không nhắc tới trách nhiệm giám sát, thực hiện các cam kết của người dân về quản lý vật nuôi của chính quyền cấp cơ sở cũng như các cơ quan liên quan.
Trở lại vụ việc bé 2 tuổi bị chó hàng xóm tấn công kể trên, thiết nghĩ cơ quan điều tra cần giám định tỷ lệ thương tật để có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" trong trường hợp "do cẩu thả hoặc quá tự tin" theo Điều 138 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Tất nhiên, không ai mong muốn việc nuôi chó gây tổn thương cho người khác nhưng thực tế nó đã và đang diễn ra. Bởi vậy, để đề phòng các vụ thương tích này thì các quy định về quản lý vật nuôi cần phải được thực thi nghiêm túc, không phải ban hành cho có.