"Vaccine ý thức" cho người nuôi chó
Thành phố Hà Nội sẽ lập 579 đội bắt chó thả rông tại tất cả phường, xã. Đây là một trong những biện pháp nhằm thực hiện lộ trình đến năm 2030, thành phố sẽ trở thành "vùng an toàn bệnh dại".
Trước mắt, việc bắt chó thả rông sẽ được ưu tiên thực hiện tại 4 quận nội thành và mở rộng dần ở tất cả các huyện, thành, thị.
Ngay khi kế hoạch này được công bố đã nhận nhiều ý kiến đồng thuận từ người dân, không chỉ với người dân thủ đô. Một khảo sát trên báo Dân trí cho thấy có 91% người tham gia (tính đến ngày 14/4) hoàn toàn ủng hộ việc bắt chó thả rông, để tránh gây nguy hiểm và mất vệ sinh.
Kế hoạch trên nhận được sự đồng thuận cao bởi thời gian qua, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội, tình trạng chó thả rông hoặc được người nuôi dắt ra ngoài nhưng không rọ mõm diễn ra thường xuyên. Ngoài tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường, tình trạng chó thả rông còn dẫn đến phóng uế bừa bãi. Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ chó thả rông cắn người, có những trường hợp gây thương tích nặng hoặc thậm chí gây chết người.
Quản lý chó nuôi là điều cần thiết, không chỉ với mục tiêu thanh toán bệnh dại trên chó mèo và trên người mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thương tích và mỹ quan đô thị. Trên thực tế, việc lập các đội bắt chó mèo thả rông không phải là mới. Còn nhớ, vào năm 2017, sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định 90/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, một số địa phương đã lập các tổ săn bắt chó thả rông, hoạt động rầm rộ nhưng sau đó giải tán vì nhiều bất cập trong quá trình triển khai.
Các mức xử phạt hành chính về hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng cũng đã được quy định cụ thể. Trong đó, theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng; chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ đem đi tiêu hủy. Còn tại Nghị định 114/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị xử phạt tối đa 500.000 đồng.
Quy định cụ thể là như thế nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng. Kết quả là tình trạng thả rông chó, mèo vẫn diễn ra ở khắp nơi.
Trở lại với kế hoạch đối phó với vấn nạn thả rông chó mèo ở Hà Nội, việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm sẽ được giao cho chính quyền cấp xã. Đương nhiên, để hoạt động có hiệu quả, một đội bắt chó với sự tham gia của các thành phần, ban bệ và người có chuyên môn sẽ được lập ra. Bởi vậy, kinh phí để tổ chức và duy trì hoạt động đội bắt chó cũng như chăm sóc, quản lý chó khi bắt về là vấn đề cần được tính toán, tránh tình trạng các đội bắt chó mèo thả rông vừa lập đã "chết yểu" như những địa phương khác trước đây.
Cùng với biện pháp được đánh giá là "mạnh tay" này, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các xã, phường lập kế hoạch để quản lý chó mèo trên địa bàn. Cụ thể, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký, khai báo vật nuôi với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Điều quan trọng nhất ở đây là "vaccine ý thức" của chủ vật nuôi. Theo đó, các mức chế tài cần được tăng nặng để đảm bảo tính răn đe và thực thi nghiêm túc hơn, tránh quy định cho có.