Đã đến lúc phải cấm nuôi chó pitbull
Đầu giờ tối ngày 17/5, tại một căn nhà thuộc phường Bình Thắng (TP Dĩ An, Bình Dương) xảy ra sự việc thương tâm đến kinh hoàng: Con gái cụ Đ.T.V. (SN 1941, ngụ phường Bình Thắng, TP Dĩ An) dắt chó pitbull gia đình nuôi trong lồng sắt ra ngoài sân để cho ăn. Cụ V. ngồi trong nhà nói lớn tiếng vọng ra ngoài khiến con chó pitbull giật mình, lao vào trong nhà cắn xé. Sau khoảng 2 phút bị chó cắn, cụ V. tử vong trước sự chứng kiến đầy bất lực của con gái.
Việc chó pitbull tấn công chủ không phải lần đầu xảy ra.
Hồi tháng 8 năm ngoái, bà D. (64 tuổi, trú thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đem thức ăn cho con chó pitbull của gia đình nuôi. Trong lúc cho ăn, bà D. vô tình đá đổ bát cơm, con chó lập tức tấn công. Bà D. được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Chó pitpull là giống chó nguy hiểm bậc nhất đối với con người, điều này đã được cảnh báo thường xuyên trên báo chí. Thậm chí, tại một số quốc gia như Pháp, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Romania, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Malta, Anh, Ireland, Venezuela, Puerto Rico, Ecuador, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Belarus, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Singapore, nhiều khu vực tại các tỉnh/bang trong một số quốc gia khác cũng đã cấm nuôi chó pitbull.
Thử tưởng tượng, với lực cắn từ hàm của một con chó pitbull có thể rơi vào khoảng 235 psi (1 psi tương đương 6.895 N/m2), ngay cả người trưởng thành khỏe mạnh cũng khó mà chống cự, huống hồ là trẻ nhỏ, người già. Hơn nữa, đặc điểm của loài chó này là cắn chặt kèm lắc mạnh và chúng thường không nhả ra sau khi cắn. Do đó, một khi chó pitbull đã tấn công thì hậu quả để lại cho nạn nhân sẽ rất nghiêm trọng.
Một thống kê cho thấy, trong 10 năm (từ năm 2005 đến 2015), loài chó pitbull đã giết chết 232 người Mỹ. Ngay ở Việt Nam, những năm gần đây cũng đã liên tiếp gây ra nhiều vụ tấn công người gây thương tích nặng cho nạn nhân, thậm chí tử vong.
Chính vì vậy, tôi thực sự không hiểu nổi vì sao rất nhiều người vẫn nuôi giữ trong nhà loài chó sát thủ, nguy hiểm đến như vậy.
Vì sự trung thành ư? Trung thành với ai, và chiến đấu chống trả ai? Bởi, dù là ai chăng nữa chẳng phải cũng đều là con người hay sao?
Nếu giống chó đó trung thành, vậy vì sao lại có những vụ việc pitbull cắn chết chủ gây rúng động dư luận như vừa qua?
Còn nếu nuôi chó với mục đích sử dụng chúng như công cụ để tấn công người khác, thì đó là hành động vô nhân đạo và chứa đựng động cơ gây thương tích cho người khác, thậm chí giết người (bởi nguy cơ này là hiện hữu, chủ nuôi có thể lường trước). Tháng 9/2022, Trần Đình Thảo (46 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thả chó pitbull qua cắn hàng xóm gây thương tích đã bị Công an quận Sơn Trà khởi tố bị can, bắt tạm giam.
Với trường hợp chó pitbull cắn chết cụ già 82 tuổi vừa xảy ra ở Bình Dương hay chó pitbull cắn chết chủ xảy ra ở Thanh Hóa hồi năm ngoái… sự hối hận đã là quá muộn.
Theo lý giải khoa học, chó pitbull đặc biệt nguy hiểm và khó thuần hóa bởi bản tính hung dữ, hiếu chiến, gan lỳ đã có từ rất lâu. Ban đầu, giống chó này được lai tạo chỉ nhằm phục vụ những cuộc chiến đẫm máu. Một khi cơn điên đã nổi lên, chúng sẽ tiêu diệt mục tiêu bằng được, cho dù đó là chủ nuôi hay bất cứ ai.
Thế nên, việc nuôi chó pitbull trong nhà quả thực là mầm họa. Đừng biện minh bằng tình yêu động vật, và rằng "chó nhà tôi chưa từng cắn hay làm hại ai". Chờ đến khi có người bị pitbull cắn thì sự việc đã đi quá xa rồi. Nếu yêu động vật và thích nuôi chó, hãy tìm đến những giống chó lành tính và dễ thuần hóa.
Hiện tại, về mặt luật pháp chưa có quy định nào dành riêng cho việc nuôi chó pitbull. Trong trường hợp chủ nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa... dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với "Tội vô ý làm chết người" theo Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm tù. Song nếu chó pitbull cắn chết chủ trong khuôn viên gia đình (như ở Bình Dương, Thanh Hóa), việc xử lý bằng pháp luật sẽ khó khăn.
Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y đã quy định người nuôi chó buộc phải đăng ký với chính quyền địa phương, thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; người nuôi phải xích, nhốt hoặc giữ chó, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Nếu ở nơi công cộng, đông dân cư, khu đô thị... khi đưa chó ra ngoài phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm, có người dắt.
Đó là về nguyên tắc cơ bản.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, với riêng chó pitbull, chính quyền các địa phương cần cứng rắn, dứt khoát không đồng ý cho nuôi chó pitbull với bất cứ trường hợp nào đăng ký, quy định rõ về việc cấm nuôi giống chó "đặc biệt nguy hiểm" này trên địa bàn. Đồng thời, cũng nên luật hóa để cấm vĩnh viễn giống chó pitbull trên phạm vi cả nước.
Sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của con người không phải là thứ để đưa ra đánh cược, đánh đổi, nhất là với giống chó máu lạnh như pitbull.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!