Vụ trẻ tử vong trên xe đưa đón: Nghề không được phép sai lầm!
(Dân trí) - Nhiều học sinh rất dễ ngủ trên xe đưa đón, không ít cháu say giấc... dưới gầm ghế. Chính vì vậy, người làm nghề đưa đón phải tuân thủ tuyệt đối quy trình để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Liên quan đến vụ cháu bé 5 tuổi bị tử vong trên ô tô đưa đón 29 chỗ, Phương Quỳnh Anh, nhân viên đưa đón trẻ mầm non của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Vô ý làm chết người".
Trước đó, tài xế của chiếc xe đưa đón đã cùng nhân viên trường đón cháu H. và 9 học sinh khác. Khi vào lớp, giáo viên lớp chụp ảnh điểm danh học sinh, phát hiện vắng trẻ nhưng không thông báo cho gia đình.
Đến khoảng 17h cùng ngày, cậu ruột của cháu đến đón bé tan trường mới phát hiện sự việc cháu H. bị bỏ quên trên xe. Khi đó, cháu bé đã tử vong trên xe.
Tuân thủ tuyệt đối quy trình khắt khe
"Lại thêm một vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ trên những chiếc xe đưa đón", anh Chu Hưng Giáp (ở Hoài Đức, Hà Nội) có 8 năm làm nghề này thốt lên xót xa.
Đọc những thông tin trên báo, anh nhận thấy rõ, trong trường hợp này, cô giáo đã không tuân thủ đúng quy trình và trường mầm non thiếu trách nhiệm với phụ huynh, gia đình khi biết trẻ vắng mà không thông báo.
"Đưa đón học sinh tưởng chừng đơn giản nhưng lại là công việc đòi hỏi trách nhiệm nghề nghiệp cao, người làm nghề phải yêu trẻ. Công việc này không cho phép xảy ra sai lầm. Bởi, một sự lơ đễnh nhỏ, hậu quả khôn lường với bọn trẻ", anh Giáp nhấn mạnh.
Ban đầu, anh Giáp chỉ có một ô tô đưa con đi học. Trước nhu cầu đưa đón con đi học của phụ huynh Hà Nội ngày càng tăng, anh Giáp đã chính thức làm công việc này, cung cấp dịch vụ dành cho học sinh ở khu vực huyện Hoài Đức, quận Hà Đông, Mỹ Đình.
Hiện nay, gia đình anh có 10 đầu xe, gồm xe 16 chỗ và 29 chỗ. Về quy định liên quan đến việc đưa đón học sinh, anh phải tuân thủ và xây dựng thêm nhiều bước để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình làm việc với trẻ nhỏ.
Sau khi tiếp nhận đăng ký từ phụ huynh, anh phải thu thập thông tin đầy đủ về họ và tên, số điện thoại của bố mẹ, học sinh và giáo viên, rồi địa điểm nơi ở, lớp học, trường học.
Sau khi phân loại cụ thể nhu cầu đưa, đón của từng học sinh, nhà xe bố trí những điểm đón tại nơi ở và tại trường học sao cho phù hợp, tiện lợi và đảm bảo an toàn nhất có thể.
Sau đó, anh Giáp sẽ lập nhóm zalo có học sinh, phụ huynh để thông báo tất cả các hoạt động liên quan đến việc đưa đón. Mỗi xe đưa đón gồm một lái xe và người phụ trách điểm danh.
Cụ thể, với lộ trình từ huyện An Khánh (Hoài Đức) đến các điểm trường ở quận Hà Đông, 7h anh có mặt tại điểm đón ở một chung cư. Trước đó 10 phút, anh thông báo vào nhóm zalo việc lái xe chuẩn bị đến để cha mẹ thúc giục học sinh xuống điểm đón xe đúng giờ.
Thời gian chờ từ 5-10 phút, người điểm danh có trách nhiệm kiểm đếm, quản lý các học sinh trước khi lên xe. Với những trường hợp chưa có mặt tại điểm tập kết, người này có nhiệm vụ liên hệ với gia đình để nắm chắc thông tin.
Với những học sinh xuống muộn từ 15 phút trở lên, người điểm danh phải liên hệ với gia đình, nhờ gia đình đưa đón. Bởi nếu xuất phát quá muộn, học sinh không thể tới trường đúng giờ.
Tất cả những trường hợp phát sinh, người điểm danh đều có trách nhiệm nắm bắt thông tin về trẻ một cách rõ ràng và thông báo để phụ huynh được biết.
Gọi điện tìm học sinh "cháy máy"
Trong quá trình làm việc của mình, anh Giáp từng gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười trên xe. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, nhiều trẻ lên xe là ngủ tít.
"Đợt đó, có cháu mới vào lớp một, chưa quen với giờ giấc đi học. Xe đến trường, cháu vẫn không thể dậy. Sau khi bàn giao hết học sinh cho nhà trường, tôi đã phải bế cháu bé ngủ gục đến tận lớp. Đến lớp, cháu vẫn buồn ngủ, chưa thể tỉnh táo, bắt đầu giờ học", anh Giáp kể.
Theo anh, không ít trường hợp trẻ còn tụt xuống gầm ghế trong lúc ngủ lúc nào không hay. Chính vì vậy, vai trò của người điểm danh trên xe đưa đón rất quan trọng. Chỉ cần sơ ý khâu này, hậu quả không mong muốn có thể xảy ra.
Ngoài việc người điểm danh kiểm soát, bản thân lái xe cũng có trách nhiệm đi kiểm tra lại một lượt và tranh thủ vệ sinh trên xe.
Làm nghề được 3 năm, anh K.X.C (Hà Nội) cũng đau đáu trước trường hợp trẻ tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Anh cho biết, công việc đưa đón trẻ rất đặc biệt, không thể xem nhẹ bất kì bước nào trong quy trình.
Nghề đưa đón học sinh không chỉ đơn thuần là công việc kiếm thu nhập, mưu sinh mà đòi hỏi tình yêu trẻ và trọng trách lớn. Chi phí đưa tùy vào cấp học, khoảng cách, dao động từ 800.000-1.000.000 đồng/cháu/tháng.
Mỗi hành trình đi đều có nhóm zalo để trao đổi thông tin. Học sinh lên xe, xuống xe đều phải chụp ảnh gửi lại cho phụ huynh theo dõi.
Theo anh C., các cháu nhỏ hay nô đùa trên xe, buộc anh phải khóa cửa khi xe lăn bánh. Lúc lái xe dừng, có hiệu lệnh, học sinh mới được xuống xe. Có như vậy, mới có thể đảm bảo được an toàn cho trẻ. Hơn nữa, định vị hành trình của lái xe cần được chia sẻ để phụ huynh nắm rõ.
Có những ngày đón học sinh tại điểm, khi chưa đủ số lượng đăng ký, anh C. phải gọi điện "cháy máy" để tìm. Nhiều trường hợp phụ huynh không bắt máy do trên đường di chuyển. Nếu không gọi được cho mẹ học sinh, khi đó, lái xe phải gọi cho người thân thứ hai trong danh sách đăng ký hoặc cô giáo để xác nhận.
"Khi nào có gia đình hoặc giáo viên nghe máy, xác nhận về trường hợp học sinh thiếu vắng, người kiểm đếm mới có thể dừng tìm kiếm", anh C. nói thêm.