Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Cây xanh đô thị và rủi ro "trên trời rơi xuống"

Sự việc cành cây gãy khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương ở công viên Tao Đàn (TPHCM) vừa qua khiến chúng ta đau xót và giật mình lo lắng. Đây không phải lần đầu xảy ra tai nạn vì cây xanh gãy đổ, và qua đó cho thấy rủi ro từ trên trời rơi xuống vẫn tiềm ẩn, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác tổ chức, quản lý và duy tu chăm sóc cây xanh.

Sau mỗi lần xảy ra tai nạn liên quan đến cây xanh, cơ quan quản lý thường nêu vấn đề rà soát và đưa ra một số giải pháp tình thế. Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp trước mắt, thiết nghĩ cần tính đến những nguyên nhân đã được tích tụ lâu dài để tiếp cận vấn đề căn cơ hơn.

Mỗi vụ tai nạn liên quan đến cây xanh có nguyên nhân cụ thể khác nhau. Ở đây tôi không bàn trường hợp cụ thể mà nêu các nguyên nhân chung để chúng ta cùng bàn luận. Đầu tiên, việc cây xanh đô thị bị gãy, đổ bắt nguồn từ lựa chọn chủng loại và cách tổ chức quy hoạch vị trí trồng cây.

Trong nhiều năm qua, việc lựa chọn chủng loại cây xanh ở nhiều đô thị chủ yếu là theo các "thói quen", lối mòn, chủ yếu vẫn là các giống cây đã có. Trong khi các chuyên gia đã chỉ ra nhiều loại cây cũ này mắc các khiếm khuyết như dễ bị mọc nghiêng, sâu mọt,… dẫn đến tiềm ẩn tai nạn gãy đổ.

Cây xanh đô thị và rủi ro trên trời rơi xuống - 1

Công an khám nghiệm hiện trường vụ nhánh cây rơi làm chết 2 người tại công viên Tao Đàn, TPHCM (Ảnh: Thuận Thiên).

Bên cạnh đó, việc quy hoạch tổ chức cây xanh trong đô thị cũng còn những mặt chưa hợp lý. Cụ thể, vị trí trồng các cây bóng mát lớn còn tình trạng chạy theo số lượng, có khoảng cách chưa phù hợp, vị trí trồng "cố định" mà thiếu quy hoạch cây xanh bài bản, giảm khả năng tích tụ nguy cơ từ cây bị nghiêng, gãy, đổ.

Công tác quản lý và duy tu hệ thống cây xanh đô thị cũng còn một số khiếm khuyết. Dễ thấy, số lượng cây xanh bóng mát tại các đô thị lớn có tuổi đời rất khác nhau, đặc biệt là nhiều cây cổ thụ có tuổi đời lên tới cả trăm năm, nguy cơ đổ nghiêng và mối mọt cao. Trong khi đó, chúng ta chưa có một quy trình khoa học chính tắc về chăm sóc và kiểm tra an toàn định kỳ hàng năm theo đúng chu trình sinh trưởng của cây. Phương thức cập nhật thông tin và triển khai khảo sát cây xanh chủ yếu làm thủ công, chưa bài bản, dẫn đến chất lượng đánh giá tại từng vị trí cụ thể còn khá thấp và không kịp thời.

Sau cùng, tại nhiều đô thị, quá trình cải tạo nâng cấp hệ thống hè đường, xây dựng công trình đã tác động đến hệ thống cây xanh, khiến nhiều cây mọc nghiêng, hoặc phát triển không bình thường, tích tụ nguy cơ mục, mối dẫn đến mất an toàn.

Nhiều thực thể cây xanh bóng mát cổ thụ kích thước lớn với hệ thống rễ lớn bị cắt, gọt chỉ để phục vụ việc lát hè, dẫn đến nguy cơ gãy đổ trong tương lai, đặc biệt khi thời tiết mưa dông.

Bài học kinh nghiệm từ Singapore - quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có những đặc điểm thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng gần gũi với Việt Nam, cho thấy để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển đô thị xanh, họ đã ban hành đạo luật công viên và cây xanh coi cây xanh là một trong những tài sản thiên nhiên cấp quốc gia quan trọng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cơ quan công viên quốc gia (Npark) được chính phủ giao chủ trì trực tiếp việc tổ chức lựa chọn chủng loại, quy hoạch tổ chức và quản lý duy tu hệ thống cây xanh tại đô thị.

Bản quy hoạch tổ chức cây xanh (Greenery & Development Planning) được thiết lập xem xét trên tổng thể toàn đô thị là cơ sở hữu hiệu cho công tác quản lý, duy tu đồng bộ. Mỗi vị trí đều được lựa chọn các loại cây đảm bảo hình dáng màu sắc thẩm mỹ cho tuyến phố, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại chỗ, đặc biệt là khả năng tạo bóng mát tối ưu và đảm bảo an toàn.

Cây xanh đô thị và rủi ro trên trời rơi xuống - 2

Hàng cây Rain Tree cổ thụ nguồn gốc từ châu Phi với nhiều ưu điểm về bóng mát, vẻ đẹp, ít sâu mọt, được lựa chọn trồng đại trà sau khi thử nghiệm tại Singapore (Ảnh tác giả cung cấp).

Cây xanh được trồng hoặc thay mới đều là các chủng loại có chất lượng tốt, đảm bảo thẩm mỹ, khả năng che bóng mát, chất gỗ bền ít mối mọt và rơi gãy, ít tác động xấu đến sức khỏe người dân. Cây được trồng thử nghiệm để rút ra một quy trình tối ưu trong bố trí, chăm sóc và duy tu bảo dưỡng, quan trọng nhất là đưa ra bảng khung đánh giá về chất lượng sinh trưởng và nguy cơ tiềm ẩn đổ gãy theo từng giai đoạn sinh trưởng, làm căn cứ khoa học cho công tác quản lý, duy tu, cắt tỉa trên thực địa sau này.

Một số loài cây nhập khẩu có nhiều ưu điểm vượt trội về bóng mát và vẻ đẹp, được lựa chọn "thuần hóa" và trồng kiểm định lâu dài trước khi chính thức áp dụng thực tiễn. Tiêu biểu như hàng cây Rain Tree cổ thụ bóng mát kích thước lớn, hình dáng ấn tượng, chất gỗ bền ít bị sâu mọt, có nguồn gốc từ châu Phi nhưng đã được thuần hóa lâu dài ở Singapore, trồng nhiều dọc theo trục đường cao tốc chính từ sân bay quốc tế đến trung tâm nội đô.

Theo quy hoạch, các dải cây xanh trên hè phố, công viên cũng được trồng theo các khoảng đất để mở tự nhiên với bề rộng tối thiểu là 2m, cho phép hạn chế tác động vật lý trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây xanh khi thi công cải tạo tuyến phố.

Độ sâu các hố trồng đủ lớn (tối thiểu sâu 2m) để phù hợp với nhu cầu sinh trưởng và phát triển của từng loại cây, giúp cây sinh trưởng tốt để hạn chế tình trạng chết cành, thối cành, hạn chế tình trạng nghiêng, gãy, đổ gây tai nạn nguy hiểm cho người dân. Trường hợp bắt buộc cắt rễ, di dời, thay thế cây khi thi công phải có ý kiến từ hội đồng chuyên gia của cơ quan quản lý chuyên trách.

Việc duy tu và cắt tỉa, trồng mới cây xanh cũng được triển khai theo các kế hoạch định kỳ, bởi các tổ nhóm chuyên trách lâu dài tại địa bàn, trên cơ sở đánh giá và cập nhật thường xuyên hiện trạng tổng thể - cụ thể. 

Để đảm bảo tính chính xác, phương pháp đánh giá cây trực quan (VTA) được triển khai định kỳ bởi các chuyên gia lâm nghiệp và áp dụng cho tất cả các cây cổ thụ đặc biệt từ 50 - 100 năm tuổi trở lên. Căn cứ theo bảng thống kê đã được tổng kết trong quá trình trồng thử nghiệm và ban hành, mọi hiện tượng nứt, gãy, nghiêng được phát hiện và phản hồi kịp thời bằng báo cáo thuyết minh và hình ảnh cụ thể. Báo cáo cũng chỉ rõ các triệu chứng của các khuyết tật bên trong và đo lường khả năng cây bị gãy.

Trong trường hợp cần thiết, các công cụ/thiết bị như máy khoan, máy dò siêu âm… cũng được sử dụng để chẩn đoán cụ thể các khuyết tật và xác định chính xác mức độ nguy hiểm của các vị trí bị mối mọt tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ. Các phương án cắt tỉa, thay thế được phê duyệt bởi hội đồng và chuyên gia có chứng chỉ.

Singapore là một trong những quốc gia đi đầu ứng dụng nền tảng công nghệ số, tự động hóa trong việc quản lý và đánh giá hiện trạng, duy tu cây xanh. Một số nền tảng mới đã được áp dụng như: hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quy hoạch - quản lý thông tin hiện trạng, hoặc sử dụng máy bay không người lái (Drone) trong xác định các chỗ khiếm khuyết của thân, cành cây và phun thuốc trị bệnh cho cây.

Chúng ta cần bóng mát cây xanh đô thị nhưng cần hơn là sự an toàn, vì vậy các giải pháp ngăn ngừa rủi ro từ trên trời rơi xuống, phải được xem là cấp bách và đầu tư tương xứng.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!