Tâm điểm
Vân Thiêng

1 triệu cây xanh và những đồng tiền bẩn

Không có những con đường rợp mát cây xanh, sẽ không có một Hà Nội yên ả, thanh bình và ấn tượng trong lòng du khách. Vì vậy, đầu tư cho việc trồng cây để Hà Nội ngày càng xanh và đẹp hơn là rất thiết thực và văn hóa. Tuy nhiên, sẽ văn hóa hơn, nếu người ta không lợi dụng một chủ trương đúng đắn này để trục lợi.

Cũng như nhiều người xuất thân tỉnh lẻ, tôi đã từng bị mê hoặc ngay từ lần đầu đặt chân đến Hà Nội. Cùng với thời gian, tôi quen dần với những con đường rợp bóng cây và yêu cái màu xanh như bất tận của thành phố bên sông Hồng này.

Cây xanh từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong việc định vị hình ảnh của đô thị trong lòng người dân và du khách khi nghĩ về Hà Nội. Vì vậy, chỉ cần một lời hô hào, một hành động thiết thực để Hà Nội ngày càng tươi xanh cây lá, là ngay lập tức nhận được sự đồng tình hưởng ứng của cộng đồng. Ai đang tâm xúc phạm đến niềm kiêu hãnh thiêng liêng về thành phố của những hàng cây xanh mát, nên thơ ấy, tất sẽ bị người dân lên án.

Gần 10 năm trước, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã từng phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề từ công luận liên quan đến kế hoạch chặt bỏ, thay thế 6.700 cây xanh trên 200 tuyến đường. Đặc biệt, dư luận phản ứng gay gắt khi 381 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chặt vào tháng 3/2015; thực tế không chỉ những cây bị khô mục, cành cong, nghiêng gốc mà cả những cây hàng chục năm tuổi đang sống khỏe khoắn, ngay hàng thẳng lối cũng bị đốn hạ.

1 triệu cây xanh và những đồng tiền bẩn - 1

Phố Hoàng Diệu với 3 hàng cây xà cừ lâu năm xòe tán phủ xanh cả đoạn đường ở Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Cơ quan chức năng vào cuộc đã chỉ ra việc triển khai kế hoạch thay thế cây xanh này triển khai khi chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng cư dân nơi chịu tác động; chưa làm rõ tiêu chí, số lượng cây có nguy cơ đổ, khô chết, sâu mục; cây trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là mỡ chứ không phải vàng tâm như cam kết…

Ngoài ra, việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây bao gồm cả việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là không chặt chẽ, không khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...

Bê bối cây xanh lúc đó đã khiến hàng loạt cán bộ của Hà Nội bị kỷ luật. Chủ tịch thành phố nhận trách nhiệm người đứng đầu; một Phó chủ tịch thành phố bị kiểm điểm, nhiều cá nhân khác bị cách chức, buộc thôi việc. Những gì các cán bộ đó nhận lãnh, âu cũng là hậu quả tất yếu khi họ đã "đụng" đến lá phổi thành phố.

Thế nên khi người đứng đầu thành phố Hà Nội năm 2016 là ông Nguyễn Đức Chung công bố số tiền tỉa cây, cắt cỏ mỗi năm lên tới 700 tỷ đồng, riêng 24km đại lộ Thăng Long là 53 tỷ đồng (tức 150 triệu đồng mỗi tuần), dư luận lúc đó đã "giật mình", đã rất "sốc" và "không thể chấp nhận được", vì cho rằng đây là một sự lãng phí lớn.

Không "sốc" sao được khi đem số tiền tỉa cây cắt cỏ 700 tỷ đồng mỗi năm của Hà Nội so sánh với dự toán thu ngân sách của một số tỉnh nghèo năm 2015 như Bắc Kạn: 440 tỷ đồng; Điện Biên: 727 tỷ đồng; Lai Châu 788 tỷ đồng và Cao Bằng 973 tỷ đồng…

Thế nên người dân dễ dàng đồng tình với ông Chung khi cho dừng toàn bộ việc tỉa cây cắt cỏ trên diện rộng, chỉ tập trung cho việc chăm sóc một số vườn hoa, công viên trung tâm. Bởi không chỉ tiết kiệm được 700 tỷ đồng/năm, mà Hà Nội sẽ xanh hơn, mát hơn, bầu không khí sẽ trong lành hơn khi số tiền tiết kiệm ấy được dùng để đầu tư trồng thêm nhiều cây xanh trên các tuyến đường, công viên, khu vực cảnh quan… của thành phố theo một qui hoạch bài bản, tính toán kỹ lưỡng từ số lượng, chủng loại đến qui trình trồng, chăm sóc cây mới, duy tu bảo dưỡng, thay thế cây trồng cũ một cách hợp lý, nhằm đạt mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố.   

Thời điểm đó, người dân vui mừng khi lãnh đạo chính quyền Hà Nội đã dám nhìn thẳng vào những góc khuất trong lĩnh vực dịch vụ công ích của thành phố, mà "tỉa cây, cắt cỏ" chỉ là một phần. Một góc khuất mà tuy ít vị lãnh đạo thành phố dám nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng vào con số thật, nhưng dư luận thì đã râm ran từ lâu, thậm chí có người thẳng thắn nêu nghi vấn đằng sau góc khuất đó là nhóm lợi ích.

Cũng ở thời điểm đó, người dân càng tin tưởng hơn vào một sự thay đổi nào đó, khi thành phố chủ trương thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh từ việc không trồng hoa, cây cảnh ở những nơi không cần thiết…

Nhưng rồi, sự nghiệp chính trị của ông Chung phải đứt gánh giữa đàng khi ông vướng vòng lao lý trong các dự án như chúng ta đã biết. Mới đây, ông lại tiếp tục bị khởi tố trong vụ án thứ tư liên quan đến việc thực hiện dự án trồng cây xanh trên địa bàn thành phố trong thời gian 2016 - 2018, khi bị cáo buộc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.

Thông tin bước đầu cho thấy, người ta trục lợi ngay cả với những chính sách, chương trình đúng đắn, vì lợi ích chung như việc trồng cây xanh. Theo kết luận điều tra, sau khi được bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã can thiệp, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt công tác trồng cây trên địa bàn TP Hà Nội. Ông yêu cầu tạm dừng việc đấu thầu trồng cây xanh tại các quận, huyện và thu gọn đầu mối về Sở Xây dựng Hà Nội.

Ông Chung biết việc lựa chọn nhà thầu trong công tác trồng cây xanh phải thực hiện đấu thầu, nên ông chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng tiêu chí, tổ chức đấu thầu công tác trồng cây. Tuy nhiên, ông lại "chỉ đạo miệng" cấp dưới đặt hàng trực tiếp với công ty thân quen của mình. Đây là khởi nguồn cho chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Việc trồng cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian từ 2016 đến 2018 phải thực hiện theo hình thức đấu thầu, nhưng kết luận điều tra nêu ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo thực hiện đặt hàng giao cho Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh thực hiện là trái quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện đặt hàng, các bị can đã thông đồng nâng khống giá cây xanh, ban hành chứng thư thẩm định giá bằng với giá đã được nâng khống. Từ đó, làm căn cứ để Ban Duy tu thanh, quyết toán, giúp Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh chiếm đoạt, thu lời bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 34 tỷ đồng.

Đáng chú ý là cơ quan điều tra chỉ ra một số bị can đã có hành vi nhập lậu cây chà là, bàng Đài Loan có nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó tạo hóa đơn giả để bán cho TP Hà Nội kiếm lời bất chính…

Viết đến đây tôi lại nhớ chuyện chàng trai Vừng Minh Quân ở Yên Bái - cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, âm thầm thực hiện dự án phi lợi nhuận trồng 1 triệu cây xanh ở các tỉnh vùng cao phía Bắc; rồi mới đây là Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê dành tiền thu nhập từ mạng xã hội và tiền ủng hộ của người hâm mộ để trồng 5 ha rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bến En - Thanh Hóa. Bằng những việc làm thiết thực của mình, họ lan tỏa tình yêu thiên nhiên tới mọi người, truyền đi niềm tin và khát vọng về một tương lai xanh bền vững của đất nước. Từ đó mới thấy hành vi trục lợi từ dự án trồng cây xanh ở Hà Nội mới đáng lên án làm sao!

Ai trồng cây, người đó có bóng mát. Chung tay trồng cây, bóng mát ấy là của tất cả chúng ta.

Ranh giới giữa người hùng và kẻ tội đồ rất mong mạnh, khi cán bộ không biết giữ mình, để phẩm giá cả đời gầy dựng bị những đồng tiền bất chính bôi bẩn.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!