Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Bê tông bóp nghẹt cây xanh

Báo chí đưa tin, vừa qua, lực lượng chức năng đã tổ chức phá bỏ các mảng bê tông vây kín quanh gốc cây dọc hai bên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp (TPHCM), để giải cứu các hàng cây ở đây. 

Trước đó, sau phản ánh của báo Dân trí về hàng cây xanh trên vỉa hè trước sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn đường Trường Sơn nối với đường Trần Quốc Hoàn, bị bóp nghẹt bởi những tấm đan bất động, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM đã cử nhân viên khắc phục, đục bê tông giải thoát hàng cây này.

Bê tông bóp nghẹt cây xanh - 1

Cây xanh trên vỉa hè trước sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn đường Trường Sơn nối với đường Trần Quốc Hoàn, từng bị tấm đan bê tông bịt kín gốc, tháng 8/2023 (Ảnh: Hoàng Hướng)

Còn ở Hà Nội, lực lượng chức năng cũng đã có hành động tương tự để giải cứu hàng cây Sao Đen dọc hai bên phố Lò Đúc khỏi những khối bê tông phủ kín phần gốc, khiến hàng cây chẳng thể phát triển tốt tươi. Ngoài ra, chính quyền cũng đã vận động các gia đình ký cam kết không xâm hại cây xanh dưới bất kỳ hình thức nào.

Vì nhiều lý do khác nhau, từ việc chính quyền muốn tránh người dân biến các gốc cây thành điểm đổ rác, đến việc người dân muốn tận dụng diện tích quanh các gốc cây trên hè phố trước nhà để có thêm diện tích bán hàng, để xe..., những năm qua rất nhiều gốc cây xanh trên đường phố, nhất là ở Hà Nội và  TPHCM, đã bị bê tông hóa. Qua thời gian, lớp bê tông này đã làm cho nước mưa không thấm được xuống đất để nuôi cây, gốc vừa không "thở" được, vừa không còn không gian để "lớn" nên đã biến dạng, xù xì, nhiều cây còn bị khô héo, chết dần chết mòn.

Hành động giải cứu cây xanh đường phố ở 2 thành phố lớn nhất cả nước như trên tuy cũng đã muộn và còn là quá ít so với tổng số cây xanh bị xâm hại tương tự, nhưng hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh để giúp duy trì, tăng cường tỷ lệ cây xanh trên đầu người dân đô thị.

Tuy chưa có thống kê chính thức về tổng số cây xanh trong cả nước bị bê tông hóa không thể lớn/phát triển bình thường, nhưng tôi chắc chắn con số này là rất lớn. Đây là tình trạng rất hiếm gặp ở các nước phát triển, nhưng lại là bức tranh khá phổ biến tại tất cả các khu đô thị, thành phố, thị trấn ở nước ta. Chỉ cần dành ít phút đi dạo các dãy phố ở Hà Nội hay TPHCM, ta sẽ xót xa thấy ngay cảnh tượng rất nhiều cây xanh, đặc biệt là những cây cổ thụ, gốc bị bê tông hóa hoặc lát gạch kín xung quanh.

Theo Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên đầu người tại các đô thị ở nước ta hiện chỉ bằng từ 1/5 đến 1/10 của thế giới. Cụ thể, ở các đô thị tại Việt Nam, trung bình mỗi người chỉ có từ 2-3 m2 diện tích trồng cây xanh. Trong khi theo Liên Hợp Quốc, chỉ tiêu cây xanh tối thiểu trên đầu người phải là 10m2, còn tại các đô thị hiện đại phải từ 20 - 25m2 trên đầu người.

Để giữ gìn và sớm tăng diện tích cây xanh theo đầu người ở đô thị, việc thường xuyên chăm lo, bảo vệ và trồng mới cây xanh, nhất là những cây cổ thụ lớn dọc hai bên đường phố trên cả nước có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, việc chống "bức tử" cây xanh đô thị nên được coi là nhiệm vụ ưu tiên cao của cả chính quyền và người dân.

Bê tông bóp nghẹt cây xanh - 2

Qua rà soát, đơn vị quản lý đã cử nhân viên đục bê tông mở rộng khoảng trống quanh gốc cây, tháng 8/2023 (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo tôi, chúng ta cần triển khai đồng thời 4 việc sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân về sự cần thiết chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị; tăng cường thông tin về tác dụng nhiều mặt của hệ thống cây xanh đối với môi trường sống của mỗi người và tác hại của việc "bức tử" cây xanh đường phố.

Tôi quan sát thấy đời sống ở các đô thị hiện đang có nghịch lý là ngày càng có nhiều người dành thời gian nuôi, chăm sóc thú cưng, nhưng lại sẵn sàng để vật nuôi chạy ra trước nhà phóng uế quanh gốc cây… Tình trạng đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây, rồi đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh, thậm chí đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây là khá phổ biến.

Thứ hai, chính quyền đô thị các cấp cần sớm có những quy chuẩn cụ thể về cách thức xây khung/viền bảo vệ quanh mỗi gốc cây, từ đó kịp thời ngăn chặn tình trạng "bức tử" cây xanh tràn lan như hiện nay; phạt thật nặng tất cả các trường hợp vi phạm quy định về cây xanh trên địa bàn.

Thứ ba, quy định đầy đủ hơn trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đường phố cho các công ty công viên/cây xanh tại địa bàn, đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các công ty đó có đủ nguồn lực để có thể làm được tốt nhất chức năng của mình.

Thứ tư, giao thêm cho Đoàn thanh niên các cấp nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị chức năng thường xuyên chăm lo bảo vệ cây xanh tại địa bàn, xem đây như một ưu tiên mới và thiết thực trong hoạt động phong trào "thanh niên tình nguyện".

Làm tốt đồng thời cả 4 điều trên, bức tranh chung về cây xanh đường phố tại các đô thị sẽ đẹp dần lên, ít nhất là không còn cảnh gốc cây xanh bị bê tông hóa rất đau lòng hiện nay.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!