Tâm điểm
Bích Diệp

"Bói ra ma, quét nhà ra rác"

Nổi tiếng trên mạng xã hội với các video xem bói dưới hình thức bổ quả cau, xem lá trầu và câu nói "đúng nhận, sai cãi", "cô đồng" Trương Thị Hương (37 tuổi, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) mới đây đã bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Ngoài ra, từ trình báo của người dân và phản ánh của báo chí, lực lượng chức năng đã vào cuộc để xác minh hoạt động thời quan qua của "cô đồng" này; trong đó có những nghi vấn nhận tiền của người dân để "chữa bệnh" hay là "giúp bán nhà"…

Chúng ta tin tưởng rằng cơ quan chức năng sẽ làm rõ các đơn trình báo, xác định có hay không hành vi trái pháp luật như chia sẻ của nạn nhân.

Bói ra ma, quét nhà ra rác - 1

"Cô đồng" Trương Thị Hương (Ảnh: Cát Sinh).

Trong lúc chờ thông tin chính thức, thiết nghĩ cần nhắc lại rằng "Tội hành nghề mê tín, dị đoan" đã được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần ra tay xử lý những cá nhân lợi dụng việc hành nghề thầy cúng, thầy bói để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn trường hợp Nguyễn Văn Phước (20 tuổi, trú xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, Thái Bình) hồi đầu năm 2022 bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố bị can và bắt tạm giam để làm rõ hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong khi nạn nhân phải bán 4 mảnh đất và nhờ người thân vay tiền để đưa cho "thầy cúng" này hơn 3 tỷ đồng thì "thầy cúng" dùng số tiền trên mua vàng, mua xe máy, đưa cho người thân trả nợ…

Tháng 4/2022, Công an tỉnh Quảng Bình đã bắt "thầy bói" Nguyễn Hùng Quân (SN 1963) sau khi đối tượng này lừa đảo, chiếm đoạt 450 triệu đồng của một cá nhân với lời hứa "tác động, xin chuyển công tác"; thậm chí là "vẽ" ra dự án xây dựng nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng để kêu gọi góp vốn đầu tư nhằm mục đích phân lô bán nền, chia lợi nhuận, chiếm đoạt của nhiều người hơn 4,5 tỷ đồng.

Cách đây gần 2 tháng (ngày 29/12/2022), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Út (SN 1975, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người này tự xây am tại gia, thường xuyên tổ chức xem bói, "lên đồng" để cúng căn, giải hạn, lừa đảo, chiếm đoạt trên 740 triệu đồng của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về nạn lừa đảo thông qua hoạt động mê tín dị đoan, nhưng nhiều người dân ở các địa phương vẫn tìm đến các "thầy bói", "cô đồng"… khi gặp vấn đề trong cuộc sống, từ sức khỏe, tình duyên, gia đình cho đến công việc... Điều đau xót là hầu hết nạn nhân đang trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Thực tế cho thấy những người lâm vào đường cùng, bế tắc thường rất khó giữ được tỉnh táo trước các chiêu trò lọc lõi của "thầy bói", "cô đồng". Than ôi, thế mới nói vì sao người ta có thể "nhắm mắt nhắm mũi" mà tin chữa được bệnh ung thư hay bán được nhà nhờ bói toán!

Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng cá nhân. Cá nhân tôi luôn cho rằng, việc bất cứ ai đặt niềm tin vào một điều gì đó (có thể đã được chứng nghiệm hoặc chưa) và nếu niềm tin đó giúp họ sống tốt hơn, tử tế hơn, thiện lành hơn thì vì sao lại không tin tưởng? Mọi đức tin, tín ngưỡng ra đời chẳng phải đều giúp con người có một chỗ dựa tinh thần để hướng thiện và sống bác ái hơn sao? Vấn đề là có những cá nhân với ý đồ xấu đã lợi dụng niềm tin của người khác để trục lợi, lừa đảo, vì vậy niềm tin cần dựa trên cơ sở hiểu biết và tỉnh thức để phân biệt chính - tà, đúng - sai.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, tác giả cuốn sách "Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận" có lần lý giải về nguồn gốc của đồng tiền trong lễ hầu đồng như sau: "Với quan niệm Mẫu là người đem lại sức khỏe, tài lộc, trong nghi lễ hầu đồng, phát lộc là điều không thể thiếu. Vào dịp lễ tiết của mỗi bản hội, người đứng hầu đồng đứng ra tổ chức, các con nhang cũng góp chút lễ khoảng chừng 500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng. Người hầu đồng chỉ lấy một ít để phát lộc, phần còn trả lại cho các con nhang. Hoặc như trong việc mở phủ, một lần mở phủ chỉ mất một vài chục triệu đồng, thậm chí có người được giúp không mất đồng nào, tùy theo từng hoàn cảnh. Đáng nhẽ ra số tiền là vừa phải nhưng có người lại lợi dụng chuyện đó để đòi hỏi tăng lên".

Có câu "chứng tâm không chứng lễ" nhưng tại một số đền phủ lại mọc lên nhiều "đồng đua", "đồng đú", những "thanh đồng" chẳng rõ có căn số hay không nhưng được dịp "buôn thần, bán thánh", vòi tiền người hầu đồng khiến không ít gia đình khuynh gia bại sản, để lại hệ lụy lớn cho xã hội và làm biến tướng, méo mó một di sản văn hóa của dân tộc.

"Lập thờ thì dễ, giữ lễ thì khó", việc gìn giữ nét đẹp dân gian là trách nhiệm của bản thân các thanh đồng, của các cơ quan quản lý văn hóa. Bên cạnh đó, khi để xảy ra vấn nạn hành nghề mê tín, dị đoan để lừa đảo thì chính quyền địa phương không thể nào làm ngơ và trốn tránh trách nhiệm.

Với mỗi người trong chúng ta, hãy luôn nhớ lời dặn của người xưa rằng "bói ra ma, quét nhà ra rác" để không tự khiến mình lâm vào hoàn cảnh tiền mất, tật mang.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!