Phó thống đốc: Thiếu tiền chữa cũng khó, thừa tiền chữa càng khó hơn
(Dân trí) - Một lần nữa, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhắc lại câu chuyện "thừa tiền". Ông chia sẻ "chữa bệnh thiếu tiền đã khó, chữa bệnh thừa tiền lại càng khó hơn".
Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra. Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhắc lại câu chuyện "ngân hàng thừa tiền". Ông cho biết, ngân hàng vẫn là lĩnh vực chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dư nợ tín dụng hiện tại là khoảng 12,6 triệu tỷ đồng, mỗi năm tăng thêm trên 1 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, áp lực vốn lớn vì nhiều lý do, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang có những vấn đề. Thời gian qua, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không được nhiều, chưa kể doanh nghiệp phát hành đối mặt với những áp lực đến hạn trả lãi, gốc.
Về phía ngân hàng, ông khẳng định "vốn ngân hàng hiện không thiếu" và nhắc lại ý "ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền" mới nêu trong một hội nghị diễn ra cách đây chưa lâu.
"Khi thiếu tiền chữa cũng khó, nhưng thừa tiền chữa còn khó hơn. Ngân hàng mà thiếu tiền thì Ngân hàng Trung ương có thể cung ứng từ cho vay tái cấp vốn còn nếu thừa tiền thì ngân hàng cũng không cần vốn từ NHNN, không gửi về ngân hàng Trung ương", ông bày tỏ.
Một lần nữa, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước vẫn tăng lãi suất.
"Hôm qua ECB vẫn tăng, cho vay ra với lãi suất 4,5%/năm trong khi trước đây 1-2%/năm là cao lắm rồi. Mỹ cũng vậy, Fed mới chỉ tạm dừng tăng lãi suất... Nên điều hành chính sách tiền tệ của NHNN rất khó nhưng vẫn phải giảm lãi suất 4 lần, tạo điều kiện ngân hàng thương mại giảm lãi suất", lãnh đạo NHNN bày tỏ.
Cách đây khoảng 1 tuần, NHNN có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương yêu cầu có trách nhiệm đẩy mạnh tín dụng bằng giải quyết vướng mắc từ 2 phía. Từ phía doanh nghiệp là tăng khả năng hấp thụ vốn hơn nữa.
"Ngân hàng lên gặp doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại cứ xua tay không cần vốn, không vay thì làm thế nào tháo gỡ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa hay không tiêu thụ được nhưng cần có lộ trình cách thức để tạm trữ, làm sao vẫn tiêu thụ được thời gian tới…", ông nói.
Ngoài ra, cần hỗ trợ về cơ chế với các dự án, công trình, nhất là bất động sản. "Làm sao tháo gỡ khó khăn về pháp lý để triển khai. Nhiều dự án ngân hàng sẵn sàng chờ giải ngân nhưng vướng pháp lý nên không triển khai được, doanh nghiệp cũng không triển khai dự án", lãnh đạo NHNN chia sẻ thẳng thắn.
Bên cạnh đó, có những lĩnh vực cần bàn tay của Chính phủ, các cấp như việc giải quyết vấn đề thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua đối thoại hợp tác, khai thông… Song song đó, cần phát động các phong trào kích cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết thị trường nội địa cả trăm triệu dân.
Về nhánh ngân hàng, ông cho biết ngân hàng muốn đẩy tín dụng thì phải chủ động.
"1-2 tuần qua, ngân hàng không thể không hạ được lãi suất vì nếu ngân hàng nào còn duy trì lãi suất cao thì không doanh nghiệp nào "chơi" cùng anh nữa. Vừa rồi NHNN cũng có quy định về việc cho doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia, nôm na là anh không giảm lãi suất thì em chẳng chơi với anh nữa. Các ngân hàng buộc phải cạnh tranh về lãi suất, cắt bớt các thủ tục rườm rà…", ông Tú nói về Thông tư 06.
Tại hội nghị, lãnh đạo NHNN cũng nói về câu chuyện đồng hành khi nhắc lại tháng 11/2022 tại Cần Thơ cũng có hội nghị khu vực bàn vấn đề lương thực, lúa gạo, làm sao hỗ trợ tín dụng lương thực được tốt hơn.
Ông khẳng định tín dụng với khu vực ĐBSCL luôn được xác định là quan trọng vì xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản, tôm cá, trái cây… là nguồn thu ngoại tệ lớn của khu vực này và cả nước. Ngân hàng cũng xác định đây là vùng quan trọng.
Dù thế, tình hình kinh tế khu vực và Việt Nam vẫn có những khó khăn. Bên cạnh đó là vấn đề tăng trưởng tín dụng, đến 31/8 mới đạt 5,56%, đạt hơn một nửa so với tháng 8 năm ngoái.
"Chưa ai đánh giá thời điểm nào khó khăn tác động đến nền kinh tế, khó khăn nội tại của chúng ta được giải quyết", ông nói. Chúng ta vừa phải đối phó khó khăn đã đến và luôn sẵn sàng đối phó khó khăn sẵn đến", ông cho hay.
Tại sự kiện, lãnh đạo NHNN cũng dẫn ví dụ về một doanh nghiệp thủy sản lớn là Tập đoàn Minh Phú, để minh chứng cho việc doanh nghiệp hiện khó trong tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu, đơn hàng, tiêu thụ trong nước vì nhu cầu tiêu dùng cả thế giới gần như giảm.
"Minh Phú có dự sự kiện không? Minh Phú là tập đoàn tôm lớn có hai mươi mấy cơ sở sản xuất kinh doanh, có lúc rất phát triển làm ăn tốt nhưng khó khăn, xuất sang nước bạn mà bên đó cũng không tiêu thụ được, không hủy hợp đồng nhưng nhờ doanh nghiệp "bảo quản hộ", phụ thuộc nhiều. Khó khăn đó là khó khăn những năm trước đã có, hiện tại vẫn đang diễn ra. Doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn", ông nói.