Rừng bê tông giữa lòng Hà Nội
Đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) dù chỉ dài khoảng 1 km và rộng chỉ đủ 2 xe ô tô tránh nhau nhưng có tới 20 cao ốc được xây dựng dọc theo mặt tiền tuyến đường, chưa kể các cao ốc ở phía sau lưng. Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, nhiều chung cư ở tuyến đường này có trên dưới 1.000 căn hộ, thậm chí hơn 1.600 căn.
Ngoài ra, cách đường Nguyễn Tuân không xa, cao ốc cũng đang mọc dày đặc tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Vũ Trọng Phụng, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm…, cũng ở khu vực quận Thanh Xuân. Trong đó có những tổ hợp chung cư với 8 khối chung cư và văn phòng cao 17, 24 tầng.
Một bức tranh qua mô tả thôi cũng đã mang lại cảm giác ngột ngạt và bí bách của khu vực chỉ cách Hồ Gươm - trung tâm thành phố khoảng chục cây số. Hệ quả có thể nhìn thấy rõ là tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, chất lượng sống đô thị bị giảm sút. Chưa kể các vấn đề khác như phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường… Giả sử một chung cư 20 tầng, mỗi tầng có 20 hộ dân và mỗi hộ có khoảng một ô tô, một xe máy, như vậy, giờ cao điểm riêng khu chung cư đó đã góp vào khoảng 800 phương tiện đi lại. Để đi từ nhà đến công sở tại trung tâm, mỗi người sẽ phải dành ít nhất 1 giờ trên đường, lãng phí khủng khiếp về thời gian và năng suất lao động.
Vài năm trước, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (thuộc Bộ Giao thông vận tải) từng đưa ra con số thiệt hại do ùn tắc giao thông tại Hà Nội vào khoảng 1,2 tỷ USD, và con số này có thể đã tăng lên ở thời điểm hiện tại.
Khi đề cập đến những vấn đề nêu trên, chúng tôi không khẳng định việc "nhồi cao ốc" như vậy có vấn đề gì trong việc quy hoạch và quản lý quy hoạch ở Thủ đô hay không. Hãy để các cơ quan chức năng kết luận. Nhưng bất cứ người dân bình thường nào khi nhìn vào "rừng cao ốc" ở khu vực phía Tây Hà Nội, cũng sẽ tự hỏi rằng các chỉ tiêu về quy hoạch đô thị, về hành lang xanh, giãn dân, di dời các trường đại học, trụ sở bộ ngành, đất bố trí cho giao thông, chỗ đỗ xe… đã và đang được thực hiện như thế nào? Thành phố nỗ lực đưa ra các đề án hạn chế xe cá nhân vào nội đô, trong khi cao ốc vẫn mọc lên bên trong vành đai 3 thì việc hạn chế đó có ý nghĩa gì?!
Nhiều người sẽ nói rằng các đô thị lớn trên thế giới cũng nhồi cao ốc ở khu vực trung tâm. Nhưng xin thưa, quy hoạch và hạ tầng giao thông ở các đô thị đó đã đi trước Hà Nội, TP HCM rất nhiều năm với hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao cũng như các tiện ích dân sinh khác. Hơn nữa đặc điểm đô thị mỗi nơi là khác nhau. Khi thành phố phát triển dày đặc cao ốc mà hạ tầng giao thông không theo kịp, không có công viên, thiếu cây xanh, thiếu bãi đỗ xe, đường ngập nước mỗi khi trời mưa… thì người dân sẽ chịu thiệt hại đầu tiên.
Theo thống kê, mỗi năm dân số Thủ đô lại tăng thêm 200.000 người. Người dân ở khắp mọi miền tới Hà Nội để học tập, công tác liên tục tăng đòi hỏi nhu cầu lớn về ăn ở, đi lại. Do vậy, việc các khu chung cư, nhà cao tầng liên tiếp mọc cũng là dễ hiểu. Có cầu ắt sẽ có cung. Khi nhu cầu nhà ở của người dân ngày một nhiều thì các doanh nghiệp sẽ vào cuộc theo tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, việc duyệt quy hoạch xây chung cư, nhà cao tầng, bố trí các khu vực dân sinh thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo đời sống người dân, lưu thông đi lại vừa giữ được mỹ quan đô thị phải là trách nhiệm của các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Như với trường hợp tại quận Thanh Xuân - từng là thủ phủ công nghiệp nhẹ - sau khi các nhà xưởng được di dời khỏi nội đô, sau đó không lâu các khu chung cư, nhà cao tầng dày đặc "trám" vào vị trí đó. Như vậy, việc di dời này có còn nhiều ý nghĩa.
Khi các chung cư, cao ốc đã mọc lên thì có vẻ như "chuyện đã rồi"? Sẽ rất khó nói đến trách nhiệm cũng như đưa ra giải pháp, vì không thể đập bỏ đi những tòa cao ốc đã xây. Đây là bài học đắt giá cho các thành phố, địa phương trên cả nước trong phát triển đô thị. Từ khâu xây dựng quy hoạch cho đến khi cấp phép cho một tòa cao ốc là cả một quá trình, vậy, vai trò chuyên gia và tiếng nói của người dân như thế nào trong những vấn đề này? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần trả lời rõ.