Tâm điểm
Bích Diệp

Giấc mộng trồng "cây tỷ phú"

Cơn sốt bạch hải đường với nhiều gốc cây được hét giá tiền tỷ hiện nay khiến tôi nhớ đến chuyện về cây dó bầu 20 năm trước.

Lúc bấy giờ, nghe lời quảng cáo của các công ty bán giống, tin rằng trồng cây dó bầu, sau đó dùng các phương pháp như tiêm axit hay chế phẩm sinh học vào cây sẽ tạo được trầm hương, tại xã Trường Thủy (tỉnh Quảng Bình), gần như vườn nhà ai cũng đều trồng loại cây này. Nhà ít thì vài chục cây, nhà nhiều có cả héc ta. Thế nhưng sau hơn 20 năm, cây dó bầu không tạo được trầm hương hay kỳ nam như mong muốn của nhiều hộ dân, mộng đổi đời thành tỷ phú nhờ dó bầu cũng vì vậy mà tan biến.

Mong muốn làm giàu và đầu tư cho một giống cây nào đó là câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc, nhưng ngẫm nghĩ một số trường hợp cụ thể có phần hài hước, vì những dữ liệu mà nhiều người dân có được là "nghe nói" từ nguồn vu vơ nào đó. Họ không hề nhận được hướng dẫn chuyên môn hay căn cứ khoa học nào, lại càng không được đảm bảo đầu ra.

Thống kê của UBND xã Trường Thủy cho thấy, trên địa bàn xã này có khoảng 20 ha dó bầu. Có đến hơn 100 hộ dân trồng cây dó bầu theo hình thức tự phát từ nhiều năm trước. Các hộ dân trồng dó bầu kể lại rằng, họ từng được các thương lái tìm đến, sau đó đục lỗ, cho thuốc vào cây rồi hứa hẹn một thời gian sau sẽ quay lại mua các cây này. Tuy nhiên, sau một vài năm không thấy người đặt hàng quay lại, người dân cũng không còn hy vọng bán được cây. Đến nay, giá cây dó bầu rất rẻ mạt, thậm chí chẳng có ai hỏi mua.

"Năm 2001, nghe người ta bảo là trồng cây dó bầu này sau 10-15 năm sẽ bán được từ 3-5 triệu đồng, thậm chí nếu có trầm hương hay kỳ nam sẽ thu tiền tỷ nên tôi cũng trồng chứ không biết trầm ở cây như thế nào. Lúc đó tôi trồng được gần một mẫu, giờ chẳng ai hỏi mua" - chia sẻ của một hộ trồng dó bầu với phóng viên.

Giữa việc để đất đai hoang hóa và trồng cây thì dĩ nhiên trồng cây là lựa chọn tốt hơn. Nhưng việc đầu tư vào "cây tỷ phú" không như một vụ mùa bình thường. Bởi mộng ước đổi đời nhờ cây nên không ít người dồn tiền vốn, dồn đất đai, công sức và thời gian chăm sóc cây để rồi công cốc. Thậm chí có những người sập bẫy kẻ lừa đảo.

Chuyện cây dó bầu 20 năm trước nhưng lại là vấn đề đương thời, khi mà các phong trào nuôi trồng tự phát chỉ căn cứ vào "nghe nói". Và từ "nghe nói" đến những "cơn sốt" khoảng cách rất ngắn.

Mấy năm trước, người dân một số địa phương "nghe nói" được thương lái thu mua rễ cây tiêu, rồi thì thu mua đỉa, thu mua mỡ lợn, thu mua ốc bươu vàng… Vậy là nhà nhà lao vào săn lùng, gom hàng, đến cuối cùng chẳng thấy thương lái đâu, người dân ôm một mớ sản phẩm "lạ lùng" chẳng biết dùng vào việc gì.

Hay gần đây, sau cơn sốt về lan "đột biến" lại đang rộ lên một loại "đột biến quý hiếm" khác là bạch hải đường. Nhiều người lao vào đầu tư "cây tiền tỷ" này, trong khi đó, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đây là loại cây rất bình thường.

Đành rằng làm tỷ phú ai chẳng muốn, nhưng thú thật, tôi chưa chứng kiến trường hợp nào "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" mà trở nên giàu có một cách dễ dàng. Ở chiều ngược lại, mộng ước làm giàu trong khi mù mờ thông tin có khi lại gây hại cho bản thân, nhiều người chưa kịp đổi đời đã tiền mất tật mang. Sự cả tin vào cơ hội làm giàu rất có thể bị kẻ xấu khai thác, không loại trừ bất cứ lĩnh vực nào. Vừa qua, ở nhiều địa bàn nông thôn đã xảy ra hiện tượng hội nhóm đa cấp về dụ dỗ, lôi kéo người dân và không ít nông hộ đã xao nhãng công việc đồng áng, lao vào những cơ hội làm giàu ảo tưởng. Rốt cuộc, biết bao người "ôm" phải những lô hàng thực phẩm chức năng bị đội giá cả chục lần song không tiêu thụ nổi, phát sinh nợ nần.

Khi đứng trước những "cơn sốt" làm giàu vô căn cứ, nếu người dân được khuyến cáo, phổ biến kiến thức đầy đủ, chắc rằng họ sẽ bình tĩnh và sáng suốt hơn với lựa chọn của mình. Ở đây, trách nhiệm của chính quyền địa phương không chỉ là phổ biến thông tin cho người dân, mà còn phải kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật những trường hợp trưng biển "làm giàu" để lừa đảo.