Tâm điểm
Trần Cẩm Tú

Bắt nạt trên mạng và vòng xoáy bạo lực online

Từ những dòng trạng thái sẻ chia khoảnh khắc thường nhật đến những cuộc tranh luận nảy lửa về các vấn đề thời sự, mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống hiện đại, nhất là với giới trẻ. Đây là không gian họ xây dựng hình ảnh cá nhân và cảm nhận được sự kết nối với cộng đồng.

Thế nhưng, bên cạnh những gì hữu ích, thú vị thì mạng xã hội cũng tiềm ẩn các góc khuất u tối, nơi người trẻ có thể vô tình hoặc hữu ý trở thành một kẻ bắt nạt trực tuyến - thuật ngữ chỉ hành vi sử dụng internet, mạng xã hội, tin nhắn, email hoặc các công nghệ kỹ thuật số khác để đe dọa, quấy rối, làm nhục hoặc làm tổn thương người khác một cách có chủ ý và liên tục.

Bắt nạt trên mạng và vòng xoáy bạo lực online - 1

Người dùng mạng xã hội, bao gồm cả học sinh, sinh viên, đều có thể là nạn nhân của bạo lực mạng (Ảnh minh họa: Mic.gov.vn).

Câu chuyện về T.T.H - một học sinh lớp 10, trong nghiên cứu gần đây của nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là ví dụ điển hình cho thực trạng nêu trên. H với vẻ ngoài điển trai và tài năng chơi guitar, luôn là tâm điểm của sự chú ý ở trường. Cậu quen với cảm giác được ngưỡng mộ, được vây quanh. Nhưng khi bước chân vào thế giới mạng xã hội, một sân chơi rộng lớn hơn, H dần cảm thấy "mất giá". Những bài đăng của cậu không còn nhận được nhiều lượt thích, những bình luận khen ngợi đôi khi bị thay bằng sự chê bai và tranh luận tiêu cực.

Cảm giác bị hụt hẫng, sự xói mòn cái tôi khiến H bắt đầu tham gia vào các nhóm “anti fan” – cộng đồng những người ghét bỏ hoặc có thái độ tiêu cực đối với một người nổi tiếng, nhóm nhạc, nghệ sĩ, thương hiệu hoặc tổ chức nào đó. H bắt đầu hướng mũi dùi công kích vào những người mà cậu cho là "lố lăng" trên mạng, và chỉ vài dòng bình luận ác ý và vài cú click chuột vô tình, cậu đã biến mình thành một kẻ “bắt nạt”.

Câu chuyện của H không phải là trường hợp cá biệt. Các nền tảng mạng xã hội đang rất phổ biến ở Việt Nam với hơn 72 triệu người dùng, và đi cùng với sự phổ biến ấy là sự gia tăng đáng báo động của tình trạng bắt nạt trên mạng. Một khảo sát của Microsoft thậm chí còn xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) thấp nhất, với gần một nửa số người dùng mạng xã hội từng là nạn nhân hoặc "hung thủ" của bắt nạt trực tuyến. Vậy điều gì đang khiến cho giới trẻ rơi vào vòng xoáy bạo lực online đáng lo ngại này?

Nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra hai trong số các nguyên nhân là tính cách "ái kỷ" (narcissism) và "ảo giác sức mạnh" của những người tham gia bắt nạt trực tuyến. Ái kỷ, một thuật ngữ tâm lý học, mô tả những người yêu bản thân thái quá, luôn muốn là trung tâm của sự chú ý và thiếu sự đồng cảm. Họ thường có ảo tưởng về năng lực của mình và khi lòng tự trọng bị đe dọa, họ dễ dàng phản ứng bằng sự tức giận và hành vi gây hấn, bao gồm cả bắt nạt trực tuyến. Nhu cầu được ngưỡng mộ không được đáp ứng cũng khiến họ trút giận lên người khác trên mạng.

Đáng chú ý, những người có thái độ ủng hộ hoặc coi nhẹ hành vi bắt nạt cũng có xu hướng trở thành "hung thủ", có thể do coi đó là trò đùa hoặc không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng. Thêm vào đó, "ảo giác sức mạnh" do khả năng ẩn danh trên mạng xã hội khiến nhiều người tự tin thể hiện những cảm xúc tiêu cực mà không lo bị phát hiện hay trừng phạt.

Ngoài các yếu tố tâm lý cá nhân, môi trường xã hội cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình việc tham gia hoặc không tham gia hành vi bắt nạt trực tuyến. Khi một cá nhân tin rằng bạn bè, người thân chấp nhận hoặc thậm chí ủng hộ hành vi bắt nạt của mình, họ càng có xu hướng thực hiện hành vi đó. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của "chuẩn mực xã hội" xung quanh một người trẻ trong việc điều chỉnh hành vi của người đó trên không gian mạng.

Ngoài ra, áp lực đồng trang lứa trên mạng xã hội là một nguyên nhân đáng kể. Việc sợ bị "lạc lõng" hay không theo kịp xu hướng, muốn thể hiện bản thân hoặc hòa nhập vào một nhóm có thể khiến một số người tham gia vào các hành vi tiêu cực mà đôi khi bản thân họ cũng không hề mong muốn.

Một khía cạnh không thể bỏ qua khác là sự thiếu hụt về kỹ năng cần thiết trong môi trường số của các bạn trẻ. Đôi khi, sự thiếu hiểu biết về văn hóa mạng, đạo đức trong môi trường số và cách xử lý thông tin cá nhân một cách an toàn cũng dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng. Câu chuyện học trò "ngẫu hứng" múa cột, khoe thân mà báo Dân trí vừa phản ánh chính là những ví dụ cho tình trạng này. Nhiều người trẻ, dù không có ý định xấu, nhưng do thiếu kỹ năng nhận diện thông tin độc hại, thiếu kiến thức về quyền riêng tư và cách bảo vệ bản thân, dễ dàng trở thành nạn nhân hoặc vô tình tiếp tay cho những hành vi bắt nạt.

Những vết thương do bắt nạt trên mạng để lại không chỉ là những lời nói cay độc thoáng qua màn hình. Chúng gặm nhấm tinh thần nạn nhân từng ngày, đẩy họ vào lo âu, sợ hãi, và thậm chí là ý định tìm đến các giải pháp cực đoan nhất. Gần 50% người tham gia khảo sát trong nghiên cứu của chúng tôi đã từng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tâm lý như lo âu, buồn bã, cô đơn, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm lòng tự trọng, mất ngủ... Những tổn thương này không chỉ dừng lại ở sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất, các mối quan hệ xã hội và kết quả học tập của nạn nhân.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra một số khuyến nghị, có thể là những gợi mở để chúng ta cùng chung tay hành động. Đầu tiên là tăng cường khung pháp lý, với những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về xử lý các hành vi bắt nạt trên mạng, bao gồm cả các hình thức xử phạt hành chính và hình sự. Mức phạt hiện tại, từ 10 đến 30 triệu đồng, có thể chưa đủ sức răn đe, và việc cân nhắc những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nghiêm trọng, là điều cần thiết.

Cùng với đó, việc nâng cao năng lực giám sát và phát hiện của cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội là một bước đi quan trọng. Chúng ta có thể ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) để kịp thời nhận diện, ngăn chặn các nội dung có tính chất lăng mạ, đe dọa hoặc quấy rối trên mạng.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về tác hại của bắt nạt trên mạng và cách phòng tránh là vô cùng cần thiết. Các chiến dịch truyền thông đa dạng, thông qua mạng xã hội, trường học và các phương tiện truyền thống, có thể góp phần thay đổi nhận thức và hành vi. Cuối cùng, không thể thiếu các kênh hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Việc cung cấp hỗ trợ tâm lý và tư vấn pháp lý thông qua đường dây nóng và các tổ chức tin cậy có thể giúp họ vượt qua khủng hoảng và bảo vệ quyền lợi của mình.

Hàng ngày chúng ta và người thân ở các mức độ khác nhau đều tham gia vào môi trường mạng xã hội, vì vậy, việc chung tay giải quyết tình trạng bắt nạt trực tuyến chính là góp phần xây dựng không gian mạng trở thành môi trường văn minh, an toàn hơn cho chính chúng ta.

Tác giả: Bà Trần Cẩm Tú có bằng tiến sĩ Quản trị kinh doanh từ Đại học Lille, Cộng hòa Pháp; hiện công tác tại Đại học Kinh tế quốc dân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!