Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Bạo lực học đường không chỉ là… bạo lực

Tuần này, tôi vừa xem video "nữ sinh bắt bạn quỳ, tát 7 cái vào mặt" lan truyền trên mạng xã hội hôm trước, thì hôm sau đã đọc bản tin rất buồn về nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường. Tuy hai sự việc khác nhau nhưng chắc chắn khi đứng trước những thông tin như thế này, mỗi người trong chúng ta đều giật mình, đau xót.

Video lan truyền trên mạng xã hội nói trên chỉ dài khoảng 15 giây, ghi lại hình ảnh một nữ học sinh mặc áo trắng, quần sẫm màu, cổ đeo khăn quàng đỏ, đang tát mạnh, liên tục vào mặt một nữ sinh khác khoanh tay trước ngực, quỳ gối dưới nền gạch. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh, có bạn cầm điện thoại ghi hình lại, nhưng không một học sinh nào can ngăn.

Sau khi video được phát tán, lãnh đạo nhà trường (THCS Bắc Lý số 1, Đồng Hới, Quảng Bình) và thầy cô giáo, phụ huynh mới phát hiện, xử lý hậu quả. Đây không phải lần đầu tiên những video tương tự phát tán trên mạng. Điểm chung giữa các video này là tính chất bạo lực trong hành vi đánh bạn và sự vô cảm, thậm chí là cổ vũ của những học sinh chứng kiến. Điều này không khỏi khiến tôi, một người làm nghề giáo viên, cảm thấy ám ảnh và day dứt.

Bạo lực học đường không chỉ là… bạo lực - 1

Bạo lực học đường khiến học sinh sợ hãi khi đến trường (Tranh minh học: Ngọc Diệp)

Những vụ việc như trong video nói trên là loại bạo lực học đường mà chúng ta dễ nhận diện, ai nhìn vào cũng thấy ngay là không thể chấp nhận được. Nhưng có những loại bạo lực học đường thầm lặng hơn mà nhiều khi nhà trường hay các bậc phụ huynh không để ý hoặc xem nhẹ, trong khi mức độ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần  học sinh lại rất nặng nề.

Đó không phải là việc hành hạ, ngược đãi, đánh đập mà nhiều khi là những hành vi có tính chất lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các bạn học sinh, hoặc là cô lập, xua đuổi… khiến một học sinh bị tổn hại về tinh thần. Những hành vi bạo lực học đường "thầm lặng" này nếu không được phát hiện sớm và giải quyết kịp thời thì trong những trường hợp nhất định sẽ nguy hại hơn đánh đập, vì đánh đập có thể chỉ là chuyện bột phát "xong rồi thôi", còn việc xúc phạm danh dự hay cô lập thường diễn ra dai dẳng, không có điểm dừng và gây khủng hoảng tinh thần nặng nề đối với người trong cuộc.

Khi trường học tiềm ẩn nguy cơ hoặc tồn tại tình trạng bạo lực học đường thì chắc chắn là học sinh sợ đến trường và người lớn cũng luôn bất an. Quan sát cách xử lý vấn đề bạo lực học đường của các cơ sở giáo dục lâu nay, tôi thấy rằng biện pháp quen thuộc là đưa ra mức phạt với học sinh, "giảng hòa" các bên liên quan. Đây mới chỉ là cách giải quyết "phần ngọn", chưa thể nói là đã đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân từng vụ việc cụ thể, xem xét môi trường học đường và các yếu tố có thể dẫn đến hành vi bạo lực để đề ra giải pháp căn cơ, lâu dài. 

Đối với bạo lực học đường, các biện pháp xử lý qua loa chỉ như "giấu bụi dưới thảm", có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì vấn đề không được giải quyết triệt để.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường, trước hết mỗi nhà trường, đội ngũ giáo viên và các học sinh phải được trang bị đầy đủ kiến thức để nhận diện rõ ràng "thế nào là bạo lực học đường". Không chỉ đánh đập bạn mới là bạo lực mà những hành vi như miệt thị ngoại hình, cô lập… cũng chính là bạo lực. Đồng thời với trang bị kiến thức nhận biết là những kiến thức để giúp các thầy cô và mỗi học sinh biết cách ứng xử phù hợp khi phát sinh bạo lực học đường, nhất là bạo lực nhằm vào bản thân mình. Việc phát động phong trào và cam kết nói không với bạo lực học đường là điều mỗi nhà trường đều nên cân nhắc áp dụng.

Cùng với đó, điều hết sức quan trọng là sự gương mẫu và nghiêm khắc của người lớn, của các thầy cô giáo. Trong thực tế, có những mâu thuẫn nhỏ xuất hiện giữa các em học sinh với nhau nhưng phụ huynh đẩy câu chuyện trở nên nghiêm trọng, thậm chí kéo đến trường để hành hung nhau. Người lớn chưa thật sự gương mẫu sẽ làm hư chính con em của mình, vô hình trung khiến các em học sinh nghĩ rằng mình luôn được bênh vực, nên sẵn sàng bắt nạt bạn khác.

Hay như vụ việc Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) "choảng nhau" với Phó Hiệu trưởng ngay trong sân trường trước sự chứng kiến của các em học sinh. Rõ ràng đến các thầy còn bạo lực như vậy thì không thể nào dạy dỗ học sinh!

Ở giai đoạn dậy thì (cấp THCS và PHTH), trẻ có những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Lối sống và hành vi cũng có nhiều thay đổi, khó kiểm soát, nhất là khi bị tác động, kích động. Trong xã hội hiện đại, tác động của các kênh truyền thông chứa đựng hình ảnh, nội dung bạo lực, các chiêu trò "thể hiện đẳng cấp" của giới "giang hồ mạng", game hành động… gây ảnh hưởng tới nhận thức của một bộ phận học sinh. Do nhận thức chưa thật sự chín chắn, nhiều em dễ học đòi theo những hành vi xấu mà không hề hay biết.

Do vậy, ở góc độ gia đình, các bậc cha mẹ nên cố gắng sâu sát hơn tới quá trình học tập và những thay đổi về tâm tính của con mình; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thầy cô giáo để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh khi cần thiết.

Về phía các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ nội dung xấu độc trên môi trường mạng, nhất là những nội dung xấu độc nhắm đến đối tượng là trẻ em. Rõ ràng, giáo dục gia đình hay giáo dục nhà trường sẽ khó thành công nếu các em học sinh cứ mở điện thoại ra là thấy những thông tin, hình ảnh bạo lực trên Facebook hay Tiktok…

Cũng cần nói thêm, các chế tài về xử lý bạo lực học đường hiện nhìn chung còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phần lớn các trường hợp xảy ra đều được giải quyết theo hướng hòa giải, xin lỗi, đền bù cho nạn nhân. Như đã nói ở trên, những cách làm này chỉ giải quyết được từng sự vụ cụ thể, nhưng không giải quyết triệt để được tình trạng bạo lực.

Để bạo lực học đường không còn là tình trạng gây nhức nhối cho toàn xã hội, người viết bài này cho rằng cần có sự chung tay giữa nhà trường, gia đình, xã hội và bản thân các em học sinh. Nhà trường cần đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó có kỹ năng nhận diện và phòng tránh hành vi bạo lực học đường. Công tác tư vấn tâm lý học đường, hòa giải những xung đột cũng cần được quan tâm nhiều hơn, nhằm tránh để xảy ra những vụ bạo lực nghiêm trọng, không nên để "mất bò mới lo làm chuồng".

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!