Tâm điểm
Nguyễn Ngọc Huy

Bão Wipha và sự “chuyển pha” trạng thái thời tiết

Trong thời điểm cấp tập ứng phó với cơn bão Wipha chuẩn bị đổ bộ vào miền Bắc nước ta, ký ức về khoảng thời gian theo dõi cơn bão Yagi hồi năm ngoái lại hiện về rõ nét trong tôi. Còn nhớ thời gian đó, tôi có tới gần một tuần liền tập trung cao độ dõi theo tâm bão, trong đó có 4 ngày liên tục ngủ 1-2 tiếng mỗi ngày. Ngay sau bão là tình hình sạt lở, căng thẳng vô cùng.

Lần này, mức độ ảnh hưởng của bão Wipha được dự báo sẽ không lớn như Yagi (vốn được đánh giá là cơn bão mạnh nhất lịch sử đổ bộ vào miền Bắc). Mặc dù vậy, trong công tác chuẩn bị không thể chủ quan.

Các địa phương dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão (gió lớn và mưa lớn) bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình (Nam Định cũ), Hưng Yên (Thái Bình cũ). Các địa phương dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng vành rìa của bão gồm Hải Phòng (Hải Dương cũ), Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình với lượng mưa rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác cũng cần phải lưu ý do mưa rất lớn do hoàn lưu bão là Nghệ An, Sơn La, Phú Thọ (Hòa Bình cũ).

Theo quan sát, cơn bão này bị mất đối xứng tâm. Ảnh chụp vệ tinh lúc 11h50 ngày 21/7 của vệ tinh Himawari 9 của Nhật Bản cho thấy bão mất đối xứng giữa phần Đông Nam so với Tây Bắc tính từ tâm bão. Phần đĩa mây phía Đông Nam nhận nhiều hơi ẩm của bề mặt biển hơn nên lượng mưa lớn và gió mạnh hơn vùng đĩa mây phía Tây Bắc do ma sát với đất liền. Ảnh vệ tinh Himawari 9 chụp lúc 17h30 cũng cho thấy bão vẫn mất đối xứng tâm, nhưng nó đã di chuyển chậm trong buổi chiều ngày 21/7 với vận tốc chỉ từ 5-10km/h. Điều này cho cơn bão cơ hội tích lũy thêm năng lượng và hơi nước từ một vùng biển ấm trên Vịnh Bắc Bộ để bão mạnh hơn.

Theo đó, khi bão vào gần bờ Quảng Ninh và Hải Phòng thì đĩa mây phía Tây Bắc sẽ mỏng hơn và gây gió nhẹ hơn (khoảng cấp 8-9, giật cấp 10-11) và đĩa mây phía Đông Nam sẽ có gió cấp 10-11, giật cấp 12. Nếu kịch bản này duy trì thì gió mạnh chủ yếu xảy ra trên biển và sau khi tâm bão đã vào đất liền mới có gió lớn do vành đĩa mây phía sau bão gây nên. Vậy nên, bà con lưu ý là khi bão đổi hướng gió thì cấp gió sẽ mạnh hơn khi bão mới vào. Gió trên biển Vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13 ở vùng ven biển. Ở các vùng ảnh hưởng ở vành rìa của bão sẽ có gió cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Bão Wipha và sự “chuyển pha” trạng thái thời tiết - 1

Đường đi dự kiến của báo Wipha (Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai).

Mức độ so với Yagi hồi năm ngoái là không bằng, nhưng phải rất lưu ý hiện tượng gió mạnh cục bộ có thể xảy ra theo dải hẹp cách xa tâm bão có thể tới hàng trăm cây số. Gió mạnh cục bộ chỉ xảy ra trong quãng ngắn khoảng 10 đến 15 phút nhưng cấp gió lớn có thể làm tốc mái tôn và đổ cây cối.

Khi bão đã gần bờ thì kể từ cuối chiều 21/7, hi vọng là mọi công tác chằng chống gia cố nhà cửa, bảo vệ tài sản bên ngoài của người dân đều đã hoàn thành. Nhiều địa phương đã có lệnh cấm biển nên các ngư dân đều đã ổn định và ngừng các hoạt động trên biển.

Đối với các hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, các hộ dân không nên ở lại các lồng bè, chòi canh mà ưu tiên đặt an toàn tính mạng, sức khỏe lên trên hết.

Việc gia cố mái nhà, mái tôn, hạ biển quảng cáo, cắt tỉa cành cũng nên dừng lại trước 19h ngày 21/7. Việc quan trọng nhất với người dân trong vùng bão dự kiến đi qua là phải tìm được nơi tránh trú an toàn. Một nơi tránh trú an toàn trong bão trước hết phải kiên cố, là nhà bê tông, xây tường gạch. Người dân không nên ở lại trong những căn nhà cấp bốn yếu, có nguy cơ tốc mái hoặc nguy cơ sụp đổ, cần phải khẩn trương sơ tán đến những nơi an toàn nếu có lệnh của chính quyền địa phương. Những ai ở khu vực thấp trũng từng bị ngập lụt cần lưu ý kê cao đồ đạc, đỗ xe ở vị trí cao và tránh các tán cây lớn.

Khi bão đổ bộ vào ban đêm thông thường sẽ tạo nỗi lo tâm lý. Người dân ở trong nhà không quan sát được bên ngoài và chỉ nghe tiếng gió rít, quần thảo. Bão cũng có thể gây ra tình trạng mất điện. Trong điều kiện đó, người dân cần ở nguyên trong nhà, đóng kín toàn bộ cửa, tránh để gió luồn vào các khe hở; tuyệt đối không nên ra ngoài để chặt cành cây hay gia cố nhà cửa.

Với đĩa mây đậm đặc, cơn bão này dự kiến sẽ mang theo lượng mưa rất lớn, các vùng ven biển của Quảng Ninh với địa hình đồi núi, những vùng đã khai thác than xong cần phải cảnh giác với nguy cơ sạt lở, lũ quét. Các khu vực Hải Phòng, Ninh Bình (Nam Định cũ), Hưng Yên (Thái Bình cũ) có nguy cơ ngập lụt đô thị.

Lưu ý rằng, bão có thể qua nhanh nhưng khoảng thời gian diễn ra mưa lớn sau đó sẽ lâu hơn, do đó, khu vực Ninh Bình (Nam Định cũ), Hưng Yên (Thái Bình cũ), Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Phú Thọ (Hòa Bình cũ), Sơn La phải chuẩn bị ứng phó với tình trạng lũ trên sông, lũ quét và sạt lở. Sau cơn bão Wipha có thể sẽ có một đợt mưa nối tiếp theo từ ngày 23 đến 25/7 trên địa bàn các tỉnh miền núi Tây Bắc. Lượng mưa tích lũy nhiều ngày sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Từ năm ngoái đến năm nay chúng ta chứng kiến sự “chuyển pha” liên tục của các trạng thái thời tiết, từ En Nino sang La Nina, và hiện nay là giai đoạn trung tính âm (gần với La Nina hơn). Dự báo, số lượng các cơn bão đi vào biển Đông cũng như đất liền Việt Nam sẽ nhiều hơn trung bình các năm. Bên cạnh đó, hệ thống khí hậu cho thấy sự bất thường, có nhiều mưa cực đoan và giông lốc. Ngoài bão có thể hình thành các đợt mưa dài, hình thái giống như dạng dòng sông khí quyển nên sẽ kéo dài đợt mưa, gây nguy cơ lũ lụt, sạt lở với các tỉnh miền núi phía Bắc và dải miền Trung.

Bởi vậy, khi mùa bão mới bắt đầu, sự chuẩn bị cho công tác ứng phó phải dài hơi, tránh tâm lý chủ quan khi bão đi qua. Phải chờ tới khi kết thúc mùa mưa bão chúng ta mới thấy ý nghĩa của việc chằng chống, gia cố nhà cửa, cắt tỉa cành cây lúc này quan trọng và có ý nghĩa ra sao. Ứng phó với bão không phải một lần.

Như đã chứng kiến từ đầu năm tới nay, với sự bất thường của khí hậu, nguy cơ xảy ra mưa bão, lũ lụt có thể vào bất cứ thời gian nào, tinh thần ứng phó phải thường trực và thường xuyên. Mong rằng, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta sẽ an toàn, mọi người đều bình an!

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng là nghiên cứu viên (Researcher) tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), Phó giáo sư thỉnh giảng Đại học Keio, sau đó làm việc với vai trò là chuyên gia và cố vấn cho nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Ông hiện là một chuyên gia thời tiết uy tín.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!