Bão Wipha gần như không di chuyển trong 2 giờ qua, có bất thường?
(Dân trí) - Trong 2 giờ qua, tâm bão Wipha gần như không di chuyển, cơ quan khí tượng thủy văn đang theo dõi sát để thông tin cụ thể, theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Chiều tối 21/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm) tổ chức cung cấp thông tin về diễn biến bão Wipha (bão số 3).
Về câu hỏi cơn bão này có dấu hiệu gì bất thường, theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, so với dự báo cách đây 3-4 ngày thì ngày 21/7 đã "có sự may mắn" khi đổ bộ lên đất liền Trung Quốc bão đã giảm ba cấp, từ cấp 12 xuống cấp 9.
Ông Khiêm cho biết ban đầu các chuyên gia dự báo bão đi vào Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 10 nhưng trưa nay khi đi vào khu vực này bão mạnh cấp 9, giảm một cấp so với dự báo ban đầu.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin về diễn biến bão Wipha (Ảnh: Bạch Huy Thanh).
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin đến đầu giờ chiều nay, bão có xu hướng đi lệch hơn về phía Nam và đã mạnh lên khoảng một cấp. Dự báo bão sẽ tiếp tục tăng cấp và có thể đạt cấp 10-11 trước khi đổ bộ vào khu vực Nam Hải Phòng - Bắc Thanh Hóa.
Đáng chú ý, ông Khiêm cho biết trong 2 giờ qua, tâm bão Wipha gần như không di chuyển. "Chúng tôi sẽ theo dõi sát các diễn biến, nếu có diễn biến bất thường sẽ kịp thời cung cấp thông tin để cảnh báo", ông Khiêm nói.
Nói thêm với phóng viên Dân trí về việc bão gần như không di chuyển trong 2 giờ qua liệu có bất thường, ông Khiêm cho biết một số cơn bão trước đây cũng có hiện tượng này, có thể là dấu hiệu của việc bão đổi hướng. Tuy nhiên, các đài dự báo khí tượng thủy văn chưa ghi nhận việc bão Wipha sẽ đổi hướng hay có diễn biến bất thường.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ 10h đến 15h ngày 22/7 bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa. Đây là thời gian nguy hiểm nhất, khu vực tâm bão có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13-14.
Theo chuyên gia, khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ) thời điểm trưa mai có gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; ven biển Ninh Bình gió cấp 8-9, giật cấp 13; ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc) gió cấp 7-8, giật cấp 8-9; Hà Nội gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.
Về dự báo triều cường cao (bao gồm cả nước dâng do bão), cơ quan khí tượng thủy văn cho biết hiện tượng này sẽ xuất hiện vào chiều 22/7. Theo đó, tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m; tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3m; tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5,0m; tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4m.
Ông Khiêm cũng cho biết hoàn lưu bão rất rộng, chưa vào Vịnh Bắc Bộ nhưng nhiều nơi đã có mưa từ chiều 20/7. Từ trưa đến chiều nay, khu vực Quảng Ninh đã có mưa rất lớn dao động 170-200mm, kèm theo đó là gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Trong đêm nay đến sáng mai, khu vực Đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10; khu vực ven biển Quảng Ninh có gió mạnh cấp 9-10, theo ông Khiêm.

Bão Wipha gần như không di chuyển trong 2 giờ qua (Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai).
Ông Khiêm dự báo từ đêm nay đến 9h sáng mai, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to diện rộng, trọng tâm là các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, khu vực Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm. Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Ông Khiêm cảnh báo nguy cơ mưa cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Tại buổi cung cấp thông tin, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh về nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trong, đặc biệt là sau khi bão đi qua tại khu vực 50 xã của khu vực vùng núi Thanh Hóa, 20 xã vùng núi Nghệ An và một số xã ở Sơn La.