4 em nhỏ trong rừng Amazon và chuyện kỹ năng sinh tồn
Dõi theo những bàn luận trên mạng xã hội về sự sống sót diệu kỳ của 4 đứa trẻ rơi máy bay ở Colombia, tôi thấy nhiều cha mẹ đang suy nghĩ đến việc cho con đi học kỹ năng sinh tồn. Một số trại hè cũng đã nhanh nhạy mượn câu chuyện 4 đứa trẻ sống sót hơn 5 tuần giữa rừng Amazon để chạy quảng cáo, mời gọi các phụ huynh đăng ký cho con mình tham gia.
Học kỹ năng sinh tồn hay "kỹ năng mềm" trong cuộc sống hàng ngày là cần thiết với bọn trẻ, nhưng tôi nghĩ rằng nếu như chỉ được chú ý theo trào lưu (nhân có một sự việc nóng nào đó trên truyền thông) thì suy cho cùng việc học đó hoàn toàn hình thức. Tương tự trường hợp cuốn sách "30 ngày cùng con học hiểu về phòng chống xâm hại" của tôi vậy, cứ khi nào mạng xã hội rộ lên chuyện trẻ em bị xâm hại thì lượng sách bán ra tăng vọt, qua đợt đó sách lại nằm im lìm trên các kệ ở hiệu sách.
Như vậy là cha mẹ đã thực sự nghĩ đến thế giới của các con mình chưa hay chỉ phản chiếu thế giới đó từ chính bản thân mình? Sao cứ cần phải đứt tay mới thấy đau?
Theo tôi, hai thái cực với kỹ năng sinh tồn của các con, cho rằng không cần thiết hoặc chỉ quan tâm theo trào lưu, đều có vấn đề!
Tôi đã từng được các con mình đặt cho một cái tên mới: Bố "Hoàng Tất Cả" thay vì bố "Hoàng Anh Tú". Là một người cha có chút nghiện con như tôi quả thực cái tên mới này khiến tôi sung sướng vô cùng.
Trong thế giới của những đứa trẻ dưới 10 tuổi, bố quả thực là Tất Cả, bởi mọi câu hỏi của con tôi đều có câu trả lời thấu đáo. Không phải vì tôi là một nhà báo, nhà văn và thích đọc sách đâu, chỉ đơn giản là tôi biết cách sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, hoặc câu trả lời có trong hàng trăm đầu sách thiếu nhi ở nhà và cả những cú điện thoại ngay lập tức tới bạn bè mình, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngay từ khi bắt đầu làm cha, tôi đã nguyện sẽ phải trả lời được tất cả mọi câu hỏi của con mình.
Nhưng... Nhưng cái tên đó, Hoàng Tất Cả, đã chấm dứt khi các con tôi lần lượt lên 12 tuổi, 16 tuổi và 17 tuổi. Tôi nhận ra một điều rằng: "Thế giới của bố mẹ chẳng rộng như thế giới của các con". Ngay cả đến việc con gái thứ hai của tôi làm bài luận về các biện pháp tránh thai, nó cũng đã có những lý luận mà ông bố, chuyên gia giáo dục giới tính đi thỉnh giảng nhiều nơi, cũng phải ồ à. Và nhiều lúc, khi gặp những vấn đề nan giải trong các mối quan hệ, người có thể tư vấn cho tôi lại không phải là vợ mình, các đàn anh của mình mà chính là những đứa con của tôi khi chúng suy nghĩ giản đơn hơn người lớn, đưa ra thứ ứng xử thuần khiết thay vì phức tạp kiểu người lớn.
Có bao nhiêu người cha, người mẹ đã từng nghĩ như tôi: Thế giới này đã có bố mẹ lo, việc của con chỉ cần học cho giỏi, mang điểm cao về cho bố mẹ. Nên, mùa hè nhiều cha mẹ vẫn cho con đi luyện văn hóa vì kết quả môn học đó năm trước hơi yếu. Nên, nhiều cha mẹ cho con đi học văn, toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ thay vì học những thứ giản đơn nhất nhưng lại cần thiết nhất như cách để buộc dây giày, cách để đun sôi một quả trứng có lòng đào, cách để ấm lại khi trời lạnh, cách để vượt qua những ngày Hà Nội cắt điện không có điều hòa…
Tôi không nói việc học giỏi văn - toán - lý - hóa - sinh - ngoại ngữ là không giúp ích gì cho kỹ năng sinh tồn của một đứa trẻ. Thế nhưng, có bao nhiêu đứa trẻ được 10 điểm môn văn mà viết một câu văn cũng đầy lỗi chính tả? Bao nhiêu đứa trẻ điểm toán rất cao nhưng logic lại không biết? Bao nhiêu đứa trẻ điểm lý, điểm hóa, điểm sinh rất cao nhưng không hiểu được bản chất của vật lý, hóa học, sinh học? Là do kiến thức các con học chỉ là lý thuyết học vẹt hay do cha mẹ cần điểm số hơn kiến thức của các con? Bởi tôi tin, một đứa trẻ yêu thích môn sinh sẽ hiểu được cội nguồn của sự sống, biết được lý do vì sao mọi thứ sinh trưởng, biết áp dụng kiến thức đã học được vào cuộc đời của mình.
Cũng vậy, khi nói về những kỹ năng sinh tồn mà nhiều trường đang dạy lũ trẻ hôm nay, những kiến thức hữu ích nhưng chỉ áp dụng trên bài thu hoạch. Bao nhiêu đứa trẻ học bơi ở trường bằng sách, giáo trình vì nhà trường không có bể bơi? Bao nhiêu đứa trẻ học về giáo dục giới tính kiểu một vài buổi mời chuyên gia về nói rồi báo cáo điểm sáng hoạt động ngoại khóa cho trường? Bao nhiêu đứa trẻ học về phòng cháy chữa cháy chỉ nhớ chú cảnh sát phòng cháy chữa cháy và hôm ấy phun nước ầm ầm?
Kỹ năng sinh tồn nếu chỉ là trên giấy thì chúng ta sẽ có những đứa trẻ cái gì cũng biết chỉ có làm là không biết, khi gặp sự cố chỉ có sự hoảng loạn mà chẳng nhớ ra mình đã được học thế nào?
Tôi nghĩ, đừng vì câu chuyện 4 đứa trẻ ở Colombia sống sót được nhờ có bà ngoại dạy chúng kỹ năng sinh tồn mà các bậc cha mẹ cho con đi học kỹ năng sinh tồn, mà hãy nhớ cho: Thế giới của cha mẹ không rộng lớn bằng thế giới của các con. Thế nên, đứa trẻ nào cũng cần được học về thế giới của chúng, sinh tồn trong thế giới của chúng chứ không phải và không thể vì cha mẹ muốn thế. Mỗi ngày, đừng đợi mưa xuống mới học cách mở ô vậy. Cách mà chúng ta sinh tồn ngay trong mỗi ngày chính là việc để các con có quyền tự quyết, tự lập chứ đừng làm ông bố Tất Cả hay bà mẹ Biết Tuốt.
Hãy cho con trải nghiệm thế giới của con bắt đầu từ kinh nghiệm mà cha mẹ đã trải qua và bằng kiến thức đi đôi với thực hành. Đôi khi, chính chúng ta cũng cần được học từ hiểu biết của con vậy.
Cha mẹ buông tay và trở thành người hỗ trợ cho con thay vì làm hết mọi thứ cho con cũng chính là một trong những bài học về kỹ năng sinh tồn đáng giá.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!