DMagazine

Vợ Steve Jobs đang sống như thế nào sau 10 năm ngày mất của chồng?

(Dân trí) - Mười năm sau khi Steve Jobs qua đời, bà Laurene Powell Jobs đang ngày càng trở nên giàu có và quyền lực hơn, sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 16 tỷ USD.

Vợ Steve Jobs đang sống như thế nào sau 10 năm ngày mất của chồng?

Mười năm sau khi Steve Jobs qua đời, bà Laurene Powell Jobs đang ngày càng trở nên giàu có và quyền lực hơn, sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 16 tỷ USD.

Sau khi Steve Jobs qua đời vào ngày 5/10/2011, người vợ của ông Laurene Powell Jobs đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới nhờ thừa kế khối tài sản do Steve Jobs để lại.

Khác biệt với những góa phụ khác của giới thượng lưu, Powell Jobs không dành thời gian của mình để giữ cho "ngọn lửa" của Steve Jobs luôn cháy sáng. Các hoạt động và nỗ lực của bà sau khi chồng qua đời hầu như không liên quan gì đến cuộc sống hay công việc của người sáng lập Apple. Thậm chí, các hoạt động của Powell Jobs, từ kinh doanh đến các hoạt động xã hội, đều được coi là đi ngược lại so với Steve Jobs trước đây.

10 năm sau ngày mất của Steve Jobs, Powell Jobs đã không để cho

10 năm sau ngày mất của Steve Jobs, Powell Jobs đã không để cho "cái bóng khổng lồ" từ người chồng quá cố của mình che phủ.

Trong 10 năm kể từ khi Jobs qua đời vì ung thư, Powell Jobs đã tăng gần gấp đôi khối tài sản mà Steve Jobs để lại, chủ yếu là số cổ phiếu của Apple và Disney, giúp bà sở hữu khối tài sản ước tính trị giá 16,5 tỷ USD. Ngoài ra, bà còn sở hữu cổ phần khá lớn trong công ty mẹ của đội bóng rổ Washington Wizards và ba xưởng phim, cũng như một trong những tạp chí lâu đời nhất thế giới, tờ The Atlantic. Powell Jobs cũng là nhà tài trợ chính trị "nặng ký", đóng góp 15 triệu USD trong nhiều năm cho các ứng cử viên Tổng thống, cũng như hỗ trợ nhập tịch cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Nhìn chung, Powell Jobs không hề dựa vào danh tiếng của người chồng quá cố để tự xây dựng sự nghiệp và danh tiếng của riêng mình. Laurene Powell Jobs nhanh chóng thoát ra khỏi "cái bóng" của chồng để trở thành một người phụ nữ quyền lực và được tôn trọng.

Năm nay 57 tuổi, Powell Jobs với mái tóc vàng dài cùng phong thái nghiêm túc nhưng thân thiện của một nhà ngoại giao. Nếu không nhiều về bà ấy, không ít người sẽ nghĩ rằng đây là một minh tinh Hollywood, chứ không phải một người phụ nữ giàu quyền lực. Bà được những người quen miêu tả là khiêm tốn, kiên nhẫn và sắc sảo.

Powell Jobs với mái tóc vàng quyến rũ và phong thái nghiêm túc nhưng thân thiện.

Powell Jobs với mái tóc vàng quyến rũ và phong thái nghiêm túc nhưng thân thiện.

"Bà ấy có điểm đặc biệt là khi nói chuyện với bạn, sẽ khiến bạn cảm thấy mình là người duy nhất trên thế giới." Graydon Carter, cựu tổng biên tập của tạp chí Vanity Fair, cho biết. "Bà ấy cực kỳ quyến rũ và thân thiện, nhưng bạn có thể nói rằng bà ấy không dễ dàng dung thứ những kẻ ngốc".

"Giải cứu" một trong những tờ tạp chí lâu đời nhất thế giới

Xuất bản số đầu tiên vào 1/11/1857, The Atlantic là một trong những tạp chí lâu đời nhất thế giới. Tháng 7/2017, Laurene Powell Jobs, thông qua tổ chức Emerson Collective do mình sáng lập, đã mua lại The Atlantic, giúp tờ tạp chí lâu đời này tránh khỏi nguy cơ bị phá sản. Giá trị của thương vụ ước tính trị giá 100 triệu USD.

Sau thương vụ, Powell Jobs đã mời David Bradley, nguyên chủ tịch của The Atlantic, ở lại ngồi vào vị trí lãnh đạo của tờ tạp chí này và thể hiện lòng tin tuyệt đối vào ông.

"Được, tôi đồng ý!", Powell Jobs trả lời ngắn gọn sau khi nghe bài thuyết trình của Bradley để đưa ra quyết định mua lại The Atlantic. "Anh nên ở lại với tôi trong vài năm, hãy cùng nhau làm điều này".

David Bradley, người đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Powell Jobs trong việc

David Bradley, người đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Powell Jobs trong việc "giải cứu" tạp chí The Atlantic.

Đối với Bradley, Laurene Powell Jobs đơn giản là mẫu người "lãnh đạo của thế hệ". Ngay lần đầu tiên gặp Powell Jobs trong một bữa tiệc tối, Bradley hiểu rằng bà là người mà ông đang tìm kiếm - một người đủ trẻ để nắm giữ quyền lực và giải cứu tạp chí The Atlantic.

Tháng 1 vừa qua, Bradley đã nhường lại ghế chủ tịch The Atlantic cho Powell Jobs và rời khỏi vị trí quản lý tờ tạp chí này.

"Powell Jobs không coi The Atlantic là một trong những nỗ lực từ thiện, bà ấy mong The Atlantic kiếm được tiền, nhưng không phải vì lợi ích của bà ấy, mà bà ấy muốn cho thấy một mô hình kinh doanh khả thi và bền vững cho ngành báo chí", David Bradley chia sẻ.

Ngoài The Atlantic, kể từ năm 2015, tổ chức Emerson Collective của Powell Jobs đã đầu tư 225 triệu USD cho các hoạt động báo chí phi lợi nhuận và có lợi nhuận.

Một nhà từ thiện thầm lặng

Theo những người thân cận với Powell Jobs, so với cái tôi rất lớn, bản tính khó kiềm chế và xu hướng quan trọng hóa của người chồng quá cố, Powell Jobs cực kỳ khiêm tốn và bà ấy cũng mong đợi điều tương tự từ cộng sự. Bà đặc biệt nổi tiếng với tính tò mò và thường dành nhiều thời gian để đặt câu hỏi hơn là chia sẻ ý kiến cá nhân. Những người từng làm việc với Powell Jobs mô tả bà là người hết sức thấu đáo, hiểu rõ tầm ảnh hưởng của mình đối với thế giới.

Một điều khác biệt rất lớn giữa Powell Jobs và chồng đó là các hoạt động từ thiện. Lúc sinh thời, Jobs không phải là người thích ủng hộ các hoạt động từ thiện (mặc dù ông cũng có ủng hộ từ thiện, nhưng thường giấu tên), ngược lại, Powell Jobs lại là một nhà hoạt động từ thiện tích cực, cả công khai lẫn ẩn danh.

Tháng trước, Powell Jobs đã công bố một quỹ từ thiện trị giá 3,5 tỷ USD, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề gây khủng hoảng khí hậu. Đây được xem là động thái thể hiện sự tương phản so với việc Steve Jobs từ chối ký vào bản cam kết The Giving Pledge (chiến dịch khuyến khích giới siêu giàu đóng góp phần lớn tài sản cho các hoạt động từ thiện).

Những người làm việc cùng Powell Jobs cho biết bà không phải là người thích bước lên sân khấu và công khai nói về công việc của mình. Rất nhiều trong số các hoạt động từ thiện được bà thực hiện một cách ẩn danh.

Đài tưởng niệm Quốc gia về Hòa bình và Công lý tại thành phố Montgomery (Ảnh: Getty Images).

Đài tưởng niệm Quốc gia về Hòa bình và Công lý tại thành phố Montgomery (Ảnh: Getty Images).

Chẳng hạn như vào năm 2018, khi Đài tưởng niệm Quốc gia về Hòa bình và Công lý, nơi tưởng niệm các nạn nhân da đen bị phân biệt chủng tộc và bạo lực, được mở cửa ở thành phố Montgomery (bang Alabama), các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp nước Mỹ đã nhận được lời mời đưa nhân viên của mình đến tham dự sự kiện khánh thành, với chi phí đi lại đều được đài thọ toàn bộ. Theo hai nhân viên cũ của Emerson Collective (tổ chức do Powell Jobs sáng lập và điều hành), thì tổ chức này là đơn vị thanh toán toàn bộ chi phí, mặc dù tất cả những người nhận được tài trợ đều không hề hay biết việc này.

Emerson Collective cũng đã có đóng góp phần lớn trong việc xây dựng tượng đài. Đài tưởng niệm nằm trên diện tích 24.000 m2, bao gồm 800 phiến thép, với mỗi phiến tượng trưng cho một quận ở Mỹ nơi diễn ra các vụ bạo lực với người da đen. Số tiền mà Emerson Collective ủng hộ để xây dựng tượng đài ước tính 7 triệu USD.

Tháng 9/2015, thông qua Emerson Collective, bà Powell Jobs cũng đã quyên góp 50 triệu USD cho dự án XQ: The Super School Project. Đây là dự án nhằm cải cách giáo dục bằng cách nâng cấp chất lượng giáo dục các trường trung học. Powell Jobs đã trở thành chủ tịch của dự án này. Đến thời điểm hiện tại, Emerson Collective đã đầu tư khoảng 300 triệu USD cho dự án XQ, biến nó thành một trong những dự án được tài trợ nhiều nhất của công ty.

Một số nhân viên cũ tại Emerson Collective cho biết Powell Jobs không thích nhắc đến tên của bà trong việc tham gia vào các dự án từ thiện.

Powell Jobs đã trở thành một người phụ nữ quyền lực và có tầm ảnh hưởng tại tổ chức do mình sáng lập, tương tự như người chồng quá cố của bà trước đây.

Powell Jobs đã trở thành một người phụ nữ quyền lực và có tầm ảnh hưởng tại tổ chức do mình sáng lập, tương tự như người chồng quá cố của bà trước đây.

Giờ đây, Powell Jobs được ví như "Nữ hoàng" của Emerson Collective, nơi những quyết định quan trọng có thể được quyết định chỉ bằng một lời nói. Rõ ràng với tài năng của mình, Powell Jobs đã không bị cái bóng của người chồng quá cố che mờ, mà thậm chí còn giúp gia tăng hơn nữa khối tài sản khổng lồ mà Steve Jobs đã để lại.