DNews

Thông tin sai sự thật, chatbot của Google vẫn cãi tay đôi với PV Dân trí

T.Thủy

(Dân trí) - Dù đưa ra những thông tin sai sự thật, Bard - chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo của Google - vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình và sẵn sàng cãi tay đôi với người dùng.

Thông tin sai sự thật, chatbot của Google vẫn cãi tay đôi với PV Dân trí

Google nâng cấp Bard lên phiên bản "được tối ưu tốt nhất"

Ngày 7/2 vừa qua, Google đã cho ra mắt phần mềm chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (A.I) do chính hãng phát triển, mang tên gọi Bard. Đây được xem là sản phẩm chiến lược của Google để có thể cạnh tranh với ChatGPT.

Bard được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại (LaMDA - Language Model for Dialogue Applications). LaMDA là dự án trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho các phần mềm chat tự động (Chatbot), được Google giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021.

Google cho biết Bard có thể giúp người dùng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, chẳng hạn trả lời những câu hỏi khó bằng các thông tin đơn giản mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được.

Chatbot Bard được Google giới thiệu vào tháng 2 vừa qua, nhưng đã có màn ra mắt đáng quên (Ảnh minh họa: Pinterest).

Chatbot Bard được Google giới thiệu vào tháng 2 vừa qua, nhưng đã có màn ra mắt đáng quên (Ảnh minh họa: Pinterest).

Tuy nhiên, Bard đã có màn ra mắt đáng quên khi bị các chuyên gia phát hiện chatbot này đưa ra câu trả lời sai thông tin cơ bản ngay từ lần đầu tiên.

Đại diện của Google sau đó cho biết hiện Bard vẫn đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm và chưa hoàn thiện, do vậy vẫn có thể gặp lỗi hoặc đưa ra những câu trả lời không chính xác.

Cách đây 2 ngày, Google vừa phát hành bản nâng cấp mới dành cho chatbot Bard, mà theo Google đây là "phiên bản Bard được tối ưu tốt nhất từ trước đến nay", bao gồm khả năng phản hồi câu hỏi của người dùng nhanh hơn, tìm kiếm các thông tin từ internet để đưa ra câu trả lời chính xác hơn, dẫn nguồn để tăng độ tin cậy cho các thông tin…

Bard đưa ra thông tin sai sự thật, nhưng vẫn cãi tay đôi với phóng viên Dân trí

Sau khi Bard có bản nâng cấp mới quan trọng và được Google quảng cáo là tối ưu nhất từ trước đến nay, phóng viên Dân trí đã thử sử dụng Bard để trả lời những câu hỏi về các kiến thức cơ bản.

Ban đầu, Bard trả lời chính xác các câu hỏi được đưa ra. Nhưng khi nhận thấy Bard đưa ra một thông tin hoàn toàn sai sự thật, phóng viên Dân trí đã yêu cầu Bard kiểm tra lại. Tuy nhiên, chatbot này vẫn "cứng đầu" và nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình.

Cụ thể, khi phóng viên Dân trí đưa ra câu hỏi "Rắn sọc dưa có nọc độc hay không?", Bard đã trả lời rằng "Có, rắn sọc dưa có nọc độc. Nọc độc của rắn sọc dưa là một loại nọc độc thần kinh, có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, yếu cơ, tê liệt, và thậm chí tử vong".

Đây là một thông tin hoàn toàn sai, bởi lẽ rắn sọc dưa là một loài thuộc họ rắn nước và không hề có nọc độc.

Bard đưa ra câu trả lời sai thông tin cơ bản về rắn sọc dưa (Ảnh chụp màn hình).

Bard đưa ra câu trả lời sai thông tin cơ bản về rắn sọc dưa (Ảnh chụp màn hình).

Để kiểm tra lại khả năng của Bard, phóng viên Dân trí đã tiếp tục đặt câu hỏi "rắn sọc dưa và rắn hổ ngựa có phải là một không?", Bard tiếp tục đưa ra câu trả lời sai khi cho biết đây là 2 loài rắn khác nhau, dù trên thực tế sọc dưa và hổ ngựa là 2 tên gọi của chung một loài rắn.

Bard thậm chí còn đưa ra tên khoa học của rắn sọc dưa và rắn hổ ngựa, cùng với bảng so sánh để cho thấy sự khác biệt của 2 loài rắn này. Tuy nhiên, trong khi Bard đưa ra tên khoa học chính xác của rắn sọc dưa (tên khoa học Coelognathus radiata), thì với rắn hổ ngựa, Bard lại đưa ra tên khoa học là Ptyas korros.

Bard vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm dù đang cung cấp thông tin sai sự thật (Ảnh chụp màn hình).

Bard vẫn nhất quyết bảo vệ quan điểm dù đang cung cấp thông tin sai sự thật (Ảnh chụp màn hình).

Ptyas korros là tên khoa học của rắn ráo, một loài khác thuộc họ rắn nước và hoàn toàn không liên quan gì đến rắn sọc dưa. Đáng chú ý, Bard khẳng định rắn sọc dưa và rắn hổ ngựa đều có nọc độc chết người, nhưng trên thực tế rắn sọc dưa hay rắn ráo đều là những loài rắn không có nọc độc.

Khi phóng viên Dân trí khẳng định rằng "rắn sọc dưa chính là rắn hổ ngựa và không có nọc độc", Bard đã cãi tay đôi với phóng viên và khẳng định rằng thông tin do phóng viên đưa ra là không chính xác.

Bard vẫn

Bard vẫn "cứng đầu" khẳng định các thông tin do phóng viên cung cấp là không chính xác (Ảnh chụp màn hình).

Bard thậm chí còn yêu cầu người dùng dẫn những đường link trang web chứa thông tin về rắn sọc dưa và rắn hổ ngựa. Khi phóng viên gửi đến cho Bard những trang web để xác minh lại thông tin, thay vì nhận sai, chatbot của Google còn khẳng định thông tin các trang web do phóng viên cung cấp là không chính xác.

Khi phóng viên hỏi Bard đã lấy nguồn tin từ đâu để khẳng định thông tin rắn sọc dưa có độc, chatbot này đã dẫn thông tin từ các nghiên cứu khoa học, tài liệu về "Rắn tại Việt Nam" của các chuyên gia về rắn, thậm chí Bard còn cho biết đã lấy thông tin từ trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Bard đã tìm cách tránh né không đưa ra bằng chứng cụ thể cho các thông tin mình cung cấp (Ảnh chụp màn hình).

Bard đã tìm cách tránh né không đưa ra bằng chứng cụ thể cho các thông tin mình cung cấp (Ảnh chụp màn hình).

Khi được phóng viên yêu cầu dẫn nguồn link chứa thông tin khẳng định rắn sọc dưa có độc, Bard đã đưa ra câu trả lời một cách trốn tránh: "Tôi không thể hỗ trợ việc đó, vì tôi chỉ là một mô hình ngôn ngữ".

Phóng viên Dân trí cũng đã tự xác minh lại các tài liệu do Bard cung cấp, nhưng không tìm thấy bất kỳ thông tin về tài liệu hoặc nghiên cứu khoa học nào khẳng định "rắn sọc dưa có độc".

Để tìm hiểu lại kiến thức, phóng viên Dân trí cũng đã liên hệ với thạc sĩ Nguyễn Thế Hiển, một giảng viên nông nghiệp và chuyên gia về rắn, bò sát đang làm việc tại Huế để xác nhận lại thông tin. Thạc sĩ Hiển khẳng định sọc dưa là loài rắn không có độc, với khả năng săn chuột giỏi nên rất hữu ích cho nông nghiệp.

Như vậy, có thể khẳng định các thông tin do Bard cung cấp là hoàn toàn sai sự thật và nếu không có các kiến thức cơ bản, người dùng rất có thể phải tiếp nhận các thông tin này mà không hề hay biết.

Nguy hiểm khôn lường khi chatbot tích hợp A.I cung cấp các thông tin sai sự thật

Sự phát triển của các phần mềm chatbot tích hợp A.I như Bard hay ChatGPT giúp con người có thể tra cứu và xác nhận các thông tin được nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào những chatbot này, nhiều người có thể sẽ phải tiếp nhận các thông tin không chính xác và sai sự thật.

Chẳng hạn như trường hợp đã được đề cập ở trên, nếu không có kiến thức về loài rắn hổ ngựa mà chỉ dựa vào thông tin do Bard cung cấp, nhiều người sẽ tưởng nhầm rằng rắn hổ ngựa là một loài có độc và sẽ tìm cách giết chết loài rắn này nếu bắt gặp.

Nếu quá tin tưởng các thông tin do Bard hay ChatGPT cung cấp, người dùng có thể sẽ phải tiếp nhận các thông tin sai sự thật (Ảnh minh họa: Getty).

Nếu quá tin tưởng các thông tin do Bard hay ChatGPT cung cấp, người dùng có thể sẽ phải tiếp nhận các thông tin sai sự thật (Ảnh minh họa: Getty).

Tuy nhiên, trên thực tế rắn hổ ngựa là một loài rắn không có độc và có ích cho nhà nông vì khả năng bắt chuột giỏi. Các chuyên gia về rắn thậm chí còn khuyến nghị mọi người không nên giết khi bắt gặp rắn hổ ngựa, mà nên để loài rắn này thực hiện nhiệm vụ săn chuột.

Bên cạnh đó, nếu người dùng quá lạm dụng các chatbot tích hợp A.I sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí thông minh và mất đi sự sáng tạo, khi họ có thể nhờ ChatGPT hoặc Bard vạch ra các ý tưởng hoặc thậm chí thực hiện các bài viết thay con người, khiến họ không còn phải động não để suy nghĩ.

Không thể phủ nhận việc các chatbot tích hợp A.I đang mang lại những lợi ích to lớn cho con người, tuy nhiên, người dùng cần phải biết cách sử dụng và khai thác các chatbot này một cách phù hợp để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình, tránh bị phụ thuộc hoàn toàn vào các chatbot này để phải tiếp thu các thông tin không chính xác do chúng cung cấp.