Google muối mặt vì trí tuệ nhân tạo trả lời sai câu hỏi ngay khi vừa ra mắt
(Dân trí) - Google vừa ra mắt phần mềm trí tuệ nhân tạo mới để cạnh tranh với ChatGPT. Tuy nhiên, phần mềm trí tuệ nhân tạo này đã khiến Google phải muối mặt vì trả lời sai câu hỏi ngay khi vừa được giới thiệu.
"Cơn sốt" ChatGPT trên toàn cầu đã khiến các ông lớn công nghệ không thể ngồi yên. Ngày 7/2 vừa qua, Google đã giới thiệu một phần mềm chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo do chính hãng phát triển, mang tên gọi Bard. Đây được xem là sản phẩm chiến lược của Google để có thể cạnh tranh với ChatGPT.
Bard được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại (LaMDA - Language Model for Dialogue Applications). LaMDA là dự án trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho các phần mềm chat tự động (Chatbot), được Google giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2021.
Google cho biết Bard có thể giúp người dùng đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, chẳng hạn trả lời những câu hỏi khó bằng những thông tin đơn giản mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được.
Google hiện cho phép một lượng người dùng hạn chế dùng thử Bard, trước khi mở rộng trí tuệ nhân tạo này cho người dùng phổ thông và tích hợp vào công cụ tìm kiếm của hãng.
"Thời gian sắp tới, bạn sẽ thấy các tính năng trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào phần tìm kiếm, giúp chắt lọc thông tin phức tạp thành những thông tin đơn giản, dễ hiểu hơn, điều này cho phép người dùng có thể nhanh chóng hiểu được những nội dung mà mình cần tìm kiếm, giải đáp", CEO Sundar Pichai của Google cho biết.
Với những gì Google đã quảng cáo, nhiều người kỳ vọng Bard sẽ là một phần mềm trí tuệ nhân tạo đủ mạnh và thông minh để hỗ trợ người dùng Internet. Tuy nhiên, niềm hy vọng đã phần nào bị giảm sút khi Bard gặp phải một sự cố khiến Google muối mặt ngay khi vừa ra mắt.
Theo đó, Google đã cho đăng tải lên trang Twitter của hãng một đoạn clip ngắn để quảng cáo cho khả năng của Bard. Trong đoạn clip này, một người dùng đã đặt ra câu hỏi cho Bard: "Tôi có thể nói như thế nào với đứa con 9 tuổi của mình về những khám phá mới của kính thiên văn James Webb?".
Bard đã lập tức liệt kê 3 khám phá ấn tượng của kính thiên văn James Webb dưới dạng gạch đầu dòng, với những thông tin rất rõ ràng và dễ đọc:
"- Vào năm 2023, JWST đã phát hiện ra một số thiên hà có biệt danh là "đậu xanh". Chúng được đặt tên như vậy vì nhỏ, tròn và có màu xanh như hạt đậu.
- Kính viễn vọng đã chụp được hình ảnh của thiên hà hơn 13 tỷ năm tuổi. Điều này có nghĩa là ánh sáng từ các thiên hà đã di chuyển hơn 13 tỷ năm để đến được với chúng ta.
- Kính viễn vọng James Webb đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta."
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học đã nhanh chóng nhận ra một trong những thông tin do Bard cung cấp là hoàn toàn không chính xác.
Cụ thể, Bard đã trả lời rằng "Kính viễn vọng James Webb đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta", tuy nhiên, các nhà thiên văn học cho biết bức ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời được chụp vào năm 2004 bởi Tổ hợp Kính thiên văn Rất Lớn (VLT - Very Large Telescope), được xây dựng trên một ngọn núi ở miền bắc Chile và được điều hành bởi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ châu Âu tại bán cầu Nam (ESCO).
Theo Bruce Macintosh, một nhà thiên văn học người Mỹ, thực tế kính viễn vọng không gian James Webb đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời vào tháng 9/2022, tuy nhiên, đây chỉ là cột mốc đáng nhớ của riêng kính James Webb.
NASA sau đó đã đưa ra một thông cáo báo chí có phần "mơ hồ" để thông báo về thành tích mà kính James Webb vừa đạt được và có thể điều này đã khiến trí tuệ nhân tạo Bard bị nhầm lẫn.
Nhầm lẫn của Bard lập tức bị cộng đồng thiên văn "bóc phốt", điều này không chỉ khiến Google muối mặt vì sản phẩm vừa ra mắt đã gặp sai sót, mà còn khiến cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ của Google) sụt giảm 10% giá trị và "thổi bay" 100 tỷ USD vốn hóa của công ty.
Bên cạnh đó, việc Bard đưa ra câu trả lời sai cũng khiến giới công nghệ lo lắng, khi họ cho rằng các phần mềm chatbot trí tuệ nhân tạo có thể lan truyền những thông tin giả mạo hoặc không đúng sự thật nếu người dùng quá tin tưởng và phụ thuộc vào những phần mềm này. Trên thực tế, không chỉ Bard mà trước đó ChatGPT cũng bị nhiều người dùng "tố" khi đưa ra những câu trả lời không đúng sự thật hoặc thông tin giả mạo.
Đại diện của Google cho biết hiện Bard vẫn đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm và chưa hoàn thiện, do vậy vẫn có thể gặp lỗi hoặc đưa ra những câu trả lời không chính xác.
"Sự cố này cho thấy tầm quan trọng của quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Chúng tôi sẽ kết hợp giữa kiểm tra nội bộ của riêng mình và sự phản hồi từ bên ngoài để đảm bảo các câu trả lời của Bard đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất về độ an toàn và có tính chính xác cao".
Theo DTrends/RT